Tuy chưa được ai xác nhận chính thức đây là bài thánh ca Giáng sinh Việt Nam cổ xưa nhất, nhưng với thời điểm xuất hiện vào năm 1907, bài ca này đã xứng đáng liệt vào hạng cây đa, cây đề của làng thánh ca Việt Nam nói chung và nhạc Giáng sinh Việt Nam nói riêng. Tác giả của bài thánh ca “Nửa đêm mầng Chúa ra đời” chính là linh mục Phaolô Đoàn Quang Đạt, với nghệ danh đơn giản là Phaolô Đạt.
Linh mục Đoàn Quang Đạt sinh năm 1877 tại làng Bình Sơn ( Lái Thiêu ), nay thuộc xã An Sơn, thị xã Thuận An, Bình Dương. Tuy vậy gốc gác tổ phụ từ Huế, di dân vào Nam cuối triều Gia Long, hoặc đầu triều Minh Mạng. Dòng họ Đoàn của linh mục Phaolô Đạt theo đạo Công giáo từ lâu đời và có người làm quan trong triều đình Huế. Vào đầu triều Minh Mạng, nhà vua gay gắt với đạo Công giáo, cho nên nhiều người dòng họ Đoàn đã theo dòng người Công giáo chạy vào Nam để tránh bị bách hại, dù sẽ phải đương đầu bao khó khăn khác, như sơn lam chướng khí, rừng thiêng, nước độc…
Lúc đầu dòng họ Đoàn định cư khai khẩn tại vùng Lái Thiêu. Sau đó, vào thời bắt đaọ gay gắt, thì phân tán ra các vùng phía Đông và phía Tây của đất Nam Kỳ Lục Tỉnh.
Thiếu thời, cậu Phaolô Đạt được nhận vào Tiểu Chủng viện Sài Gòn. Từ những năm học các lớp nhỏ, cậu đã tỏ ra thông minh, tài năng âm nhạc của cậu sớm bộc lộ. Bấy giờ cha Phaolô Nguyễn Văn Quý, giáo sư Tiểu chủng viện là một vị linh mục thông thái và có biệt tài âm nhạc, đã hướng dẫn nhạc lý cho cậu, cùng hướng dẫn cậu dịch các bài ca vịnh Trái Tim và ca vịnh Đức Mẹ, từ La ngữ sang Việt ngữ vắn gọn và phổ nhạc theo nhịp điệu riêng biệt, làm thành hai quyển: Ca vịnh Trái Tim và Ca vịnh Đức Mẹ. Năm 1913, nhà in Tân Định xuất bản cả hai quyển trên với đầy đủ bản nhạc.
Ngày 23/9/1911, tại nhà thờ Đức Bà, Chánh tòa Sài Gòn, thầy Phaolô Đoàn Quang Đạt được Đức cha Lucien Mossard Mão truyền thánh chức linh mục.
Trong suốt 45 năm linh mục, cha Phaolô Đạt phục vụ ở nhiều giáo xứ, như Đất Đỏ (Bà Rịa), Tân Định, Tây Ninh, Bô Mua, Bến Sắn, Bà Rịa.
16 năm (1933 -1949) làm cha sở Bà Rịa, cha Phaolô Đạt tổ chức nhiều sinh hoạt mục vụ rất có ý nghĩa sâu xa, như xây dựng hoạt cảnh Giáng sinh, rước tượng Chúa Hài Đồng quanh nhà thờ,…
Dạy giáo lý mỗi chiều Chúa nhật, kéo chuông Truyền Tin vào sáng, trưa và tối, giật chuông báo tử, đọc kinh cầu cho linh hồn người mới qua đời trong giáo xứ.
Sau thời gian gắn bó với giáo xứ Bà Rịa, vào tháng 8/1949, vì tuổi cao, sức yếu cha Phaolô Đạt nhanh chóng suy sụp, nên Đức cha Jean Cassaigne đưa cha về dưỡng bệnh ở Chủng viện Sài Gòn. Sau đó cha Giuse Thiên, cha sở Chí Hòa xin Đức cha cho cha Đạt về nhà hưu dưỡng các linh mục ở Chí Hòa.
Đến sáng 21/2/1956, cha Phaolô Đạt dâng thánh lễ cuối cùng. Đến trưa, cơn hen suyễn nổi lên quá mạnh, ngài đã an nghỉ trong Chúa lúc 13h00 trưa, hưởng thọ 79 tuổi và 45 năm linh mục.
Trong vòng 7 năm coi ấn quán, Cha Phaolô Đạt đã sắm thêm được 3 cái máy in lớn kim thời chạy điện (một cái Marinomi-Voirin và 2 cái Capdevielle) rất tiện lợi mau chóng. Đức cha Jaidôrô Đượm (Mrg.dumortier) đã thân hành làm phép 3 cái máy ấy. Cha Phaolô Đạt cũng mua một máy cắt lớn chạy bằng điện hiện nay còn dùng.
Thời kỳ cha Phaolô phụ trách trở lại giáo xứ Bà Rịa (1933-1949).
…Cha Long đổi đi, cha Phaolô Đạt về.
Người ta nhắc: Từ ngày cha đi rồi, đâu còn nghe cha hát nữa. Bởi cha cũng là một thầy đờn. Cha soạn nhạc. Cha là tác giả của hai cuốn “Ca ngợi Trái Tim” và “Ca ngợi Đức Bà”. Còn bài hát “Kính nguyện Chúa Thánh Thần” cũng là của cha. Thỉnh thoảng trong ngày, có dịp đi ngang nhà cha, người ta nghe cha hát. Cha hát một cách tự nhiên, to tiếng y như là người ta đang hát trong nhà thờ. Có người rình và thấy khi hát, cha “múa tay” lên xuống, lắc lư cái đầu làm như hát thiệt:
Cha nhỏ con mà tiếng hát cha to ghê! Đó là những lúc cha đang soạn nhạc, cha đánh nhịp, cha hát thử. Có một lần lên nhà thờ gặp giờ cơm, về bà ngoại tôi thấy mũi lòng. Bà kể cha ngồi ăn cơm trưa với một dĩa khổ qua luộc và một dĩa nước mắm “sống” có dầm trái ớt (đó là nước mắm nguyên chất, không có pha chế, thêm giấm hay thêm đường). Thấy bà ngoại tôi cứ nhìn lom lom “bữa cơm” của cha, cha giải thích: ăn như vầy ngon lắm con mà lại bổ nữa, với lại khổ qua ăn nên thuốc. Nhưng bà ngoại tôi “không chịu”, rồi từ đó cho đến khi ngoại tôi chết, cứ mỗi lần câu được cá buôi thì bà ngoại tôi sai hai anh tôi đem lên cho cha. Con cá buôi này tôi không hề biết mặt. Đó là loại cá hiếm mà anh tôi nói là ngon lắm, tưởng gì: ngoại nói như vậy. Cũng bà ngoại tôi nói chớ nào anh tôi có nếm qua món cá này bao giờ đâu. Anh tôi còn nói: cá này mắc tiền lắm, người ta mà câu được thì thường đem ra chợ bán, cho mấy nhà giàu, và mỗi lần hai anh tôi (hai anh em sinh đôi) khiêng cái giỏ cá đi lên nhà cha, cha thấy thì cha hay bước ra trước thềm nhà cha, đầu ngả qua ngả lại, cha hát:
Ba đồng một mớ cá buôi
Bỏ công câu cá về nuôi mẹ chồng.
Bà ngoại tôi chết, không còn cá buôi để đem lên cho cha nữa. Rồi cha đổi đi nơi khác, không biết là họ đạo nào cho đến khi má tôi dẫn tôi lên thăm cha là lúc cha đang nghỉ hưu tại Chủng viện Sài Gòn. Rồi cha qua đời, được chôn cất tại nghĩa trang các cha ở Chí Hòa. Đâu có dễ gì mà tìm đến nơi được để “thăm” cha. Từ xứ tôi mà đi được đến Sài Gòn thì cầm bằng như là bây giờ đi từ Việt Nam qua Mỹ, qua Tây, nhưng hồi đó có lẻ còn khó hơn. Mà đến được Sài Gòn rồi thì Chí Hòa là ở đâu nữa? Bởi vậy, hễ có người biết đường đi, người ta rủ nhau đi chung, đi lên thăm cha già, đi viếng mộ cha. Cả một tốp người vây quanh một nấm mộ. Bao nhiêu người chung một lòng tưởng nhớ! Trước đây, trong tháng 5 là tháng Đức Mẹ và tháng 6 là tháng kính Trái Tim, chiều phép lành là người ta hát các bài hát trong sách “Ca ngợi”. Còn ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, nhiều họ đạo lo tập kinh “Kinh nguyện Chúa Thánh Thần”, 4 bè thiệt là “uy nghi”. Những khi nghe hát những bài hát này, sau lễ bà con xứ tôi nhắc nhở nhau: “Thiệt, nghe mấy bài hát này tui nhớ cha già Phaolô Đạt quá!” Ngày nay, nói tới mấy kinh này, có mấy ai biết!
Trong đời tôi, còn nhiều “cha sở” nữa, nhưng xin dừng lại nơi đây, tạm có đôi phút tưởng nhớ các cha xưa, “cha sở tôi”.
Về sáng tác, linh mục Phaolô Đạt không có nhiều, nhưng tất cả đều được nhiều người biết đến. Ngoài hai quyền ca vịnh nêu trên, còn những bài nổi tiếng như Nửa đêm mầng Chúa ra đời, Kinh nguyện Chúa Thánh Thần, Tôi kính lạy Chúa Giêsu…
Ngay từ trong chủng viện, những bài hát ca vịnh của thầy Phaolô Đạt bấy giờ được nhiều người khen ngợi. Cha Bề trên chủng viện Ernest, giỏi dương cầm có lời khen: Một lối nhạc vừa đạo đức vừa dân tộc. Cha Gabriel Long, một nhạc sư cũng khen: Nhạc của Phaolô Đạt thật ngọt ngào say mến, đi sát với tinh thần của mỗi bài hát.
Nửa đêm mừng Chúa ra đời
Nửa đêm, mừng Chúa ra đời.
Bức khăn sạch vấn để nơi hang lừa.
Nửa đêm, mừng Chúa ra đời.
Cỏ rơm trải lót bơ thờ.
Cỏ rơm trải lót bơ thờ.
Mượn ấm bò lừa quỳ thở dâng hơi,.
quỳ thở dâng hơi
Kiểng tinh soi sáng thâu đêm.
Kiểng tinh soi sáng thâu đêm.
Chói lói giữa trời nhỏ xuống Bêlem.
Thiên thần chín đẳng chầu quanh
Thiên thần chín đẳng chầu quanh
Tấu nhạc rập ràng đàn hát, đàn hát xướng ca.
Vậy có ca rằng, rằng ca Thiên Chúa
Ớ loài người, ấy phúc lành bình an cho người
Vì cửa Thiên đàng rộng mở
Tang tình tình tang Thiên đàng rộng mở
Tang tình tình tang Thiên đàng rộng mở
Chúa cả ra ơn, ơn cả chữa đời
Rằng: Ớ chúng nhân tới xem điềm lạ
Kìa trong hang đá nọ, trước lều tranh
Rằng tính tình tinh Thánh Tiểu Hài Sinh
Thật Ngôi Linh tính tang tình,
Là tình Thiên Chúa,
Nằm trong máng cỏ, bó bức khăn đơn
Rằng: Báo chúng nhân tơi xem thì biết
Tiêu thiều nhạc thiết,
Tiêu thiều tấu cách vô biên
Rằng: Tính tình tinh Thánh Tiểu Hài Sinh
Thật Ngôi Linh tính tang tình là tình Thiên Chúa.
Thiên thần vô số, nhạc thổi tung hô!
Thiên thần vô số, nhạc thổi tung hô! Bài thánh ca này hiện nay chỉ đề mỗi tác giả là Phaolô Đạt, nhưng chúng tôi đang có trong tay một bản đề tên 2 người đồng tác giả. Đó là thêm linh mục G. Long ghi trước Phaolô Đạt. Như vậy có lẽ cha giáo sư Gabriel Long đã cộng tác với thầy Phaolô Đạt trong sáng tác này.
Đến nay, nhiều người vẫn còn thắc mắc không rõ bản nguyên tác như thế nào. Sau nhiều năm tháng, bản thánh ca “Nửa đêm mầng Chúa ra đời” đã tam sao thất bản, như nhạc sĩ Đỗ Vy Hạ khi so sánh 4 ấn bản có trong tay, đã phát hiện ra đến 39 điểm dị biệt.!
Trước đây, trong một bài báo của linh mục Vũ Đình Trác, tựa đề “Ca nhạc Công giáo” đăng trên Vietcatholic, đã viết:..Các linh mục Phaolô Quy, Phaolô Đạt (...) sáng tác những bài thánh ca mới theo điệu bình ca và ngũ cung Việt Nam (…) Lần đầu, hai linh mục trên sáng tác những bài hát mới rất khởi sắc, như các bài: “Nửa đêm mầng Chúa ra đời”, “Kinh nguyện Chúa Thánh Thần” (…) Các bài hát mới này vừa hay lạ, vừa sốt sắng, lại có giọng điệu dân tộc, hợp với tinh thần người Việt. vì thế, được các nhà thờ miền Trung và miền Nam đón nhận nhiệt tình…
Nhận định về bài “Nửa đêm mầng Chúa ra đời”, ông Lê Đình Bảng, nhà thơ, nhà nghiên cứu thơ ca, âm nhạc Công giáo đã viết: Bên cạnh giá trị về giai điệu và cung bậc mang âm hưởng dân tộc, còn phải kể tới giá trị lời ca là toàn văn của bản kinh vãn cùng tên trong Sách kinh mục lục của địa phận Sài Gòn, một pho bách khoa toàn thư, đậm đặc thứ ngôn ngữ giầu hình tượng, rất riêng của những người con Chúa ở phương Nam:
Nửa đêm, mầng Chúa ra đời
Bức khăn sạch vốn để nơi hang lừa
Cỏ rơm trải lót bơ thờ
Mượn ấm bò lừa thở ấm dưng hơi
Kiểng tinh soi sáng nơi nơi
Chói sáng giữa trời, nhỏ xuống Bê linh… Mới đây trong bài viết của Đỗ Hữu Nghiêm với đề tài quá trình phát triển thánh nhạc, thánh ca Việt Nam, đăng trên Dũng Lạc, đã đề cập đến bài “Nửa đêm mầng Chúa ra đời” như sau:
Các nhà nghiên cứu thánh ca có nhiều ý kiến khác nhau về sự xuất hiện bài thánh ca đầu tiên của Việt Nam, vì thiếu chứng liệu rõ ràng.
Theo kết quả tìm hiểu thứ nhất, tại miền Nam, có người cho là bài “Nửa đêm mừng Chúa ra đời” và “Ca vịnh Đức Bà” do linh mục nhạc sĩ Phaolô Đạt, thuộc họ đạo Búng (Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương xưa, giáo phận Sài Gòn, nay thuộc giáo phận Phú Cường). Hai bài thánh ca đầu tiên này được biên soạn khoảng năm 1907, và được ấn hành tại Imprimerie de la Mission de Tan Dinh (Tân Định ấn Quán) khoảng năm 1910.
Theo kết quả tìm kiếm thứ hai, một số nhà nghiên cứu lại cho bài “Thánh Thể”, sáng tác năm 1901 và bài “Dâng Mẹ Hoa” sáng tác năm 1902 của tu sĩ Anphong Châu. Đây là ý kiến ông Sơn Đông đưa ra bằng chứng qua hai quyển Cantemus Domino và Cung thánh Tổng hợp 1&2 của Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh. Cả hai bài này đã có thời gian được hát thông dụng ở Nam Định, nhưng hiện không lưu lại bằng chứng rõ rệt nào.
Hai đường lối tìm hiểu này phù hợp với sự xuất hiện buổi ban đầu phát triển chữ Quốc ngữ ở Nam Kỳ. Nhân vật nổi tiếng thời kỳ này là Huỳnh Tịnh Của (1834-1907) với tác phẩm nổi tiếng là cuốn “Đại Nam Quấc Âm Tự Vị” và một số tác phẩm khác còn lưu lại đến ngày nay.
Ngoài ra người ta thấy xuất hiện tờ báo “Nam Kỳ Địa Phận” tại Sàigòn xuất bản số 1 (1908) và số cuối 1849 (tháng 3/1945). Chắc chắn những số đầu tiên đã nói đến những sáng tác thánh ca đầu tiên ở Việt Nam. Khi ở Sài gòn, tôi đã có thời gian nghiên cứu tập san này, nhưng nay không có điều kiện để tham khảo nhiều chuyên đề xa xưa liên quan đến lịch sử Việt Nam, nhất là thánh ca trong giai đoạn ít nhất từ 1908 đến 1945.
Thực ra trong Nam Kỳ Địa Phận, nhất là trong báo Vì Chúa xuất bản nẳm 1936 sau này, đã có những bài hát được linh mục Nguyễn Văn Thích (1891-1978) sáng tác. Vốn là một tín đồ trong gia đình sùng Phật giáo cải đạo sang Công giáo, chắc chắn những bài ca của linh mục Thích đã bộc lộ một mức độ nhuần nhuyễn đặc tính ầm nhạc Phật giáo với thánh ca Công giáo. Có thể là những bài hát biểu trưng cho nền Thánh nhạc ban đầu ở miền Trung.
Về âm nhạc, linh mục Nguyễn Văn Thích sử dụng thành thạo các nhạc khí dân tộc như đàn cò, đàn nguyệt, đàn bầu, đàn tì bà… kể cả các nhạc cụ Tây phương.
Trong thánh ca, một trong những bài nổi danh là bài Magnificat Việt ngữ (hiện được hát trong nhiều giờ kinh phụng vụ. Không thể kể hết các bài rất ý nhị như bài “Câu hát Đức Mẹ ru con”, “Trời cao đất thấp gặp nhau”, v.v… vừa giàu tình cảm, vừa đậm đà cung điệu và thanh âm của những câu hò hay ca trù dân tộc.
Cách tìm hiểu thứ ba cho rằng những bài thánh ca Việt Nam đầu tiên đã do linh mục Vượng, đặt lời Việt vào các thánh ca Latinh và Pháp, Các bài thánh ca lời Việt nhạc Tây phương này được đóng thành tập 20 bài và phổ biến rộng rãi ở Nam Định, Hà Nội. Ngoài ra những bài này còn lan rộng sang các nơi có giáo hữu, khắp ba miền Bắc, Trung và Nam. Đây là quyển sách hát thánh ca đầu tiên, dù không ai nhớ tên quyển sách là gì, chỉ còn nhớ tên gọi phổ biến là “Sách hát cha già Vượng”.
“Sách hát cha già Vượng” chỉ xuất bản tương đối muộn vào những năm 1943. Cha Vượng không hề sáng tác bài nào mà chỉ đặt lời Việt cho giai điệu du dương có sẵn. Các giáo hữu lúc bấy giờ nghe hát tiếng Latinh không hiểu gì, nhưng được hát bằng tiếng Việt thì vô cùng hưởng ứng. Điều đó cho thấy phải chăng chưa có bài hát tiếng Việt nào trong nhà thờ trước đó, mọi người mới khao khát đến như thế.
Như thế, tại ba miền Bắc, Trung, Nam, ba linh mục Phaolô Đạt, Giuse Maria Thích, và cha già Vượng đều là những đại biểu đầu tiên của nền thánh ca Việt Nam.
Chủ trương này có nhiều cơ sở xác đáng trùng hợp với những sáng tác tân nhạc Việt Nam đầu tiên trong giai đoạn 1930-1945. Trong giai đoạn này, các nhạc sĩ tiên phong như Nguyễn Văn Tuyên, Đặng Thế Phong, Lê Thương, Văn Cao, Dương Thiệu Tước, Tô Vũ, Nguyễn Thiện Tơ,… đã thành lập những nhóm tân nhạc và đặt “lời ta cho bài hát Tây” tức là nhạc Pháp,…
Như đề cập ở trên, ca từ bài “Nửa đêm mầng Chúa ra đời” có xuất xứ từ kinh vãn cùng tên, đăng trong “Sách kinh mục lục” của địa phận Sài Gòn. Dưới dạng vần thơ lục bát dễ rung cảm, thấm vào lòng trí người tụng, kinh vãn này cũng như nhiều bài kinh kệ khác cùng thời thường dùng vàì từ Hán Việt, không phải làm dáng, nhưng để tăng thêm phần trang trọng.
Tuy nhiên, ngôn ngữ có cuộc sống theo dòng chảy xã hội, cũng chịu quy luật sinh tồn. Một số từ ngữ có thể mai một, ít dùng hoặc biến mất, để phát sinh ra nhiều từ mới, phản ảnh thực trạng, hay tâm thức xã hội. Do vậy, một số từ Hán Việt trong bài thánh ca này đến nay ít sử dụng, đã trở nên khó hiểu. Chẳng hạn như vài danh từ: Kiểng tinh, tiêu thiều, nhạc thiết… Chúng ta thử tìm hiểu để cố gắng lĩnh hội được nét đẹp mượt mà của bài kinh vãn, lẫn bài thánh ca trên trăm tuổi này.
Kiểng tinh có nghĩa cảnh tinh tú, ngôi sao sáng. Trong bài này còn ám chỉ ngôi sao chổi dẫn đường Ba Vua.
Tiêu thiều: tiếng dùng chung chỉ âm nhạc trong hoàng cung. Ám chỉ Hội nhạc Thiên Quốc do các Thiên Thần đồng tấu cất lên.
Tiêu thiều tấu cách vô biên: Nhạc Trời tấu lên tưng bừng không giới hạn
Nhạc thiết: Nhạc trổi lên.
Thiên thần chín đẳng chầu quanh: Chín Đẳng Thiên Thần (Thường hay bị hát sai: Thiên Thần chín Đấng chầu quanh) Vì có đủ chín đẳng Thiên Thần, nên cuối bài ca mới có vô số Thiên Thần!
Thánh tiểu hài sinh: Chúa Hài Nhi mới sinh.
Tuy những bài ra đời sau gần nửa thế kỷ, như Hang Bêlem (1945) của Hải Linh, Cao cung lên (1945) của linh mục Hoài Đức, đều dư âm nét nhạc Tây phương. Thì trước đó xa vời, linh mục Phaolô Đoàn Quang Đạt đã không phóng tác theo Cantus Pro Festis Solemnioribus, hay Cantus Officiorum in Cantus Gregoriano, hoặc Cantiques de la Jeunesse, mà kỳ công nhạc hóa cung kinh lời nguyện, thổi làn điệu dân ca vào thánh nhạc dân tộc. Một bước tiến đột phá, đi tiên phong trước cả Công đồng Vatican II: Hội nhập văn hóa!
Những ca từ linh mục Phaolô Đoàn Quang Đạt đượm nét mộc mạc, dân dã, mà vui tươi, thánh thiện, lôi cuốn cả người hát lẫn người nghe không khỏi hân hoan tràn ngập hy vọng:
Tang tình tình tang Thiên đàng rộng mở…
Rằng tính tình tinh thánh tiểu hài sinh
Thật Ngôi Linh tính tang tình,
Là tình Thiên Chúa,…
Nói đến các nhạc phẩm Giáng sinh thì rõ ràng là nhạc phẩm “Nửa đêm mầng Chúa ra đời” ít được chú ý, với những lý do mà các bài trước đã phân tích. Tuy nhiên nói về khía cạnh nhạc lý, thì các ca trưởng có lẽ hơi ngại khi tập bài này.
Bài hát được viết theo cung Fa trưởng liền một mạch từ đầu đến cuối, không phân thành điệp khúc, phiên khúc hay lặp lại.
Bài có ba bè dành cho các ca đoàn vừa, khoảng 20 - 30 ca viên, hai bè giọng nữ và một bè giọng nam. Bè nữ cao lên nốt cao nhất là Fa (trên) nhưng hơi thường xuyên (có lẽ chính vì lẽ này mà các ca trưởng ngại tập). Với giọng ca không chuyên của các ca viên trong các giáo xứ thì nốt này là quá cao.
Trở lại với bài hát.
Mở đầu là hai câu nhạc giáo đầu: “Nửa đêm mừng (viết theo các bản hiện nay) Chúa ra đời, bức khăn sạch vấn để nơi hang lừa.” Câu này như tiếng loa Thiên thần, đánh thức các mục đồng đang mê ngủ. Sau đó, cả bầu trời bừng sáng lên với câu nhạc 3 bè tiếp theo, như ca đoàn các Thiên thần đang hợp xướng: “Nửa đêm mừng Chúa ra đời, cỏ rơm trải lót bơ thờ. Mượn ấm bò lừa quỳ thở dâng hơi. Kiểng tinh soi sáng thâu đêm, chói lói giữa trời nhỏ xuống Bêlem”.
Sau đó, các mục đồng cùng hòa ca với các Thiên thần qua giọng nam: “Thần/ mừng/ hát/ mừng/ hát,/ đàn/ hát/ chầu/ quanh/ hát/ mừng.”
Và Thiên thần lại nhắc nhủ: “Ớ loài người ấy phúc lành bình an cho người vì cửa Thiên đàng rộng mở.” Bài hát như một cuộc xướng đáp giữa các Thiên thần và các mục đồng.
Giai điệu bài hát mang tính bình ca và chút tiết tấu của đồng dao Việt Nam. “Nửa đêm mừng Chúa ra đời, bức khăn sạch vấn để nơi hang lừa.” Với những luyến láy bình ca và những luyến láy này trải dài trong toàn bài, rất thong dong.
Trong khi đó giọng nam còn thong dong hơn, như không có chút vướng bận chộn rộn của cuộc sống trong đó, kể cả những lúc nhạc rộn ràng: “Tang tình tình tang Thiên đàng rộng mở” hay “Thật ngôi linh tính tang tình là tình Thiên Chúa” ta nghe cũng nhẹ như không.
Trong những đoạn này, ta còn cảm nhận tiết tấu của đồng dao. Nghe như các trẻ đang hát những bài vè: “Thiên thần chín đấng chầu quanh. Thiên thần chín đấng chầu quanh. Tấu nhạc rập ràng, đàn hát, đàn hát xướng ca.” hay ” Rằng tính tình tinh. Thánh tiểu hài sinh. Thật ngôi linh tính tang tình là tình Thiên Chúa.”
Linh mục Phaolô Đạt đã chuyển tải rất khéo một bài ca vãn dân gian sang điệu nhạc Tây phương nhưng không làm mất đi bản chất dân ca trong đó. Một bản nhạc với cách hòa âm rất giản dị. Chỉ trong ba hợp âm căn bản Fa - Do - Sib mà ngài dã làm cho bài hát trở nên uyển chuyển mà trong sáng, giản dị, không cầu kỳ.
Vì sao bài Nửa đêm mầng Chúa ra đời không được nhiều người biết đến?
Là bài hát bằng tiếng Việt được ra đời sớm nhất, trong thời kỳ mà các nghi thức phụng vụ đều bằng tiếng Latinh, thì rõ ràng bài hát chỉ được phổ biến trong giới hạn nho nhỏ của cộng đồng giáo xứ, hoặc vài giáo xứ chung quanh. Hơn nữa, lễ Giáng sinh thời đó thuần túy là một ngày lễ của “người có đạo”, có đàn hát xướng ca cũng chỉ “người có đạo” biết mà thôi, chứ không như ngày nay, Giáng sinh đã trở thành một ngày hội. Từ cuối tháng 11 đến suốt tháng 12 đi đâu người ta cũng thấy không khí Giáng sinh với đèn trang trí đầy màu sắc, hình ông già Noen với tuyết trắng rơi đầy, hang đá, máng cỏ…. và đâu đâu cũng văng vẳng tiếng chuông với những bài thánh ca hoặc các bài hát về mùa đông và Noen.
“Nửa đêm mầng Chúa ra đời” còn là một bài hợp xướng, do đó tính chất phổ biến của nó lại càng bị giới hạn hơn. Người ta có thể ngâm nga bài ca vãn với những vần thơ lục bát:
“Nửa đêm mầng Chúa ra đời.
Bức khăn sạch vấn để nơi hang lừa,
Cỏ rơm trải lót bơ thờ,
Mượn ấm bò lừa quỳ thở dâng hơi” hoặc cũng có thể cất tiếng hát:
“Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời…” hay:
“Cao cung lên khúc nhạc Thiên thần Chúa, hòa trong làn gió, nhè nhẹ vấn vương…” Nhưng người ta không thể một mình cất lên giai điệu với ba bè của bài hợp xướng Nửa đêm mầng Chúa ra đời.
Sau này khi những bài hát Giáng sinh được sáng tác nhiều hơn và được phổ biến rộng rãi hơn, thì lúc đó “Nửa đêm mầng Chúa ra đời” lại trở thành một bài hát cổ, cổ về cả năm sinh, lẫn về ca từ. Người ta chú ý đến những bài hát mới được sáng tác, giai điệu mới hơn, lời ca dễ hiểu hơn. Với những: