Quang cảnh khai mạc COP26 ở Glasgow, Scotland, Anh vào ngày 31/10/2021. Ảnh: CTV |
Trong sứ điệp gửi Hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu (COP26) được tổ chức tại nước Anh tháng 11/2021, Đức Giáo hoàng Phanxicô nêu rõ: “Chúng ta không còn thời gian để chờ đợi. Cho tới nay đã có nhiều người phải chịu đựng cuộc khủng hoảng khí hậu. Hơn thế nữa, nó cũng đã trở thành cuộc khủng hoảng về quyền của trẻ em… Trong những năm gần đây, những người trẻ luôn luôn yêu cầu chúng ta kiên quyết hành động. Trẻ em sẽ không có một hành tinh nào khác ngoài hành tinh chúng ta để lại cho họ”.
Sứ điệp của Đức Giáo hoàng biểu thị điều quan trọng, người đi trước phải có trách nhiệm đối với người đi sau, thế hệ sống hôm nay phải không được để lại điều xấu cho các thế hệ tiếp theo, Đây chính là truyền thống nhân ái của Công giáo. Kinh Thánh Cựu ước đều ghi trái đất là tạo tác của Thiên Chúa, việc chăm sóc, gìn giữ môi trường sống là vấn đề đạo đức, là bổn phận và nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi tín hữu Công giáo. Trải qua 246 vị chăn chiên toàn cầu, kề từ vị Giáo hoàng nhiệm kỳ đầu tiên thuộc thiên niên kỷ thứ nhất đều quan tâm đến lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Tại 4 thập niên cuối thiên niên kỷ thứ hai, đầu thiên niên kỷ thứ ba các Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Biển Đức XVI, Phanxicô, có nhiều họat động nổi bật: Năm 1986, phối hợp Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) tổ chức hội nghị về biến đối khí hậu với 5 tôn giáo lớn trên thế giới là Công giáo, Hồi giáo, Phật giáo, Ấn Độ giáo và Dothái giáo; Năm 2015, ban hành “Thông điệp Laudato Si” (Chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta), đặt khuôn khổ đạo đức để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường. Hiện tại, có trang mạng (https://catholicclimate movement.global) về biến đổi khí hậu toàn cầu nhằm thông tin, trao đổi và kết nối, hợp tác để thúc đẩy các hoạt động thiết thực về bảo vệ môi trường. Người tuyên bố lấy ngày 1/9 hằng năm là Ngày cầu nguyện toàn cầu cho việc chăm sóc các thụ tạo, nhằm tạo cơ hội cho mọi người suy ngẫm lại các hành động môi trường của bản thân và lối sống hài hòa với môi trường của mình.
Theo sự chỉ huấn của Tòa Thánh, Giáo hội Công giáo Việt Nam có Thư chung gửi cộng đồng dân Chúa từ năm 2009, chỉ ra hiện trạng ô nhiễm cần quan tâm ngăn chặn, bằng 4 nguyên tắc: (1) Môi trường thiên nhiên là quà tặng của Đấng Tạo Hóa và là tài nguyên dành cho hết mọi người. (2) Không thể nhân danh phát triển kinh tế và tích luỹ lợi nhuận cho một thiểu số mà huỷ hoại môi trường của đại đa số. (3) Trong phát triển kinh tế, phải quan tâm đến sự toàn vẹn và chu kỳ tuần hoàn của thiên nhiên. (4) Trong tiến trình phát triển kinh tế, cần phải quan tâm đến quyền lợi của người dân bản địa”.
Phối hợp với nhiệm vụ toàn cầu, tại Hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tới mấy điều bức thiết: Thứ nhất, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành lĩnh vực ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển cũng là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và mọi người dân. Thứ hai, tất cả các quốc gia cần cam kết mạnh mẽ hơn nữa về giảm phát thải khí nhà kính trên nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng phù hợp điều kiện, hoàn cảnh và năng lực của từng quốc gia. Thứ ba, vấn đề tài chính khí hậu, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực ngăn chặn sự biến đổi khí hậu đóng vai trò rất quan trọng việc thực hiện thành công Thỏa thuận Paris. Thứ tư, tăng cường phối hợp giữa GMS với ASEAN và các cơ chế khu vực khác, các Hiệp định thương mại tự do khu vực như RCEP và các Hiệp định giữa ASEAN với đối tác; khuyến khích sự tham gia của đối tác phát triển và cộng đồng doanh nghiệp để hợp tác GMS thực sự đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, đóng góp vào sự phát triển của mỗi quốc gia, cộng đồng khu vực và toàn cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ, Việt Nam là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến trình công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua, nhưng Việt Nam có lợi thế về năng lượng tái tạo, sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đi tới mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Thiết nghĩ, Sứ điệp của Đức Giáo hoàng Phanxicô cùng với bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu (COP26) chứa đựng tinh thần của giáo dân Việt Nam cũng như toàn cầu vì các thế hệ tương lai.