Thánh đường mang sắc thái quê hương
Giáo xứ Mẹ Việt Nam (Our Lady of Vietnam Parish) thành lập ngày 9/4/1990 thuộc Tổng giáo phận Wasington (Mỹ). Ngôi thánh đường giáo xứ tọa lạc tại số 11814 New Hampshire. Silver Spring, MD 20904, Maryland, là nét độc đáo duy nhất so với những thắng cảnh xung quanh. Thánh đường được xây với những đường nét đặc trưng mang đậm nét văn hóa Việt Nam.
Thánh đường với tầng trên làm nguyện đường, phía dưới là hội trường sinh hoạt đoàn thể. Nhà thờ hình vuông, giữa mái hình tròn được uốn cong, lợp ngói đỏ, qua ý tưởng “bánh chưng - bánh dầy” tiêu biểu cho “đất thấp trời cao”. Để tiến vào thánh đường phải qua 5 bậc biểu tượng của “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín”, đến cổng tam quan mang ý nghĩa “Thiên, Địa, Nhân”. Bốn cửa ra vào dành cho thời gian “Xuân, Hạ, Thu, Đông” và không gian “Đông, Tây, Nam, Bắc”. Tất cả công trình được chống đỡ bởi 10 cột cái tượng trưng cho Mười Điều Răn của Chúa. Bên trong phần cung thánh, nhà chầu Mình Thánh hình tròn, với bàn thờ vuông, phía trước trang trí trống đồng Đông Sơn rất hài hòa mỹ thuật.
Ngôi thánh đường được khởi công từ ngày 22/2/1990, sau hơn 10 năm mới hoàn thành. Kiến trúc sư Nguyễn Văn Huy, tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Sài Gòn năm 1965, được nhiều người biết đến và đề cao như một nhà văn hóa Việt Nam trong ngành Mỹ thuật. Ông là người đầu tiên phác họa ra đồ án ngôi thánh đường này, cùng có sự tham gia của ông Frank Duane, kiến trúc sư Hoa Kỳ. Sau 75 phiên họp bàn thảo với linh mục Phêrô Nguyễn Thanh Long- Chánh xứ Mẹ Việt Nam, công trình mang ý nghĩa đặc trưng của nền nghệ thuật văn hóa Việt Nam đã được thực hiện.
Thánh đường mang dáng dấp ngôi đình cổ Việt Nam thanh thoát, vươn lên nơi xứ người, diễn tả một cách hùng hồn sức sống của người Việt: Dù gặp gian nan thử thách nhưng vẫn giữ vững đức tin, đoàn kết một lòng xây dựng nhà Chúa. Tiếp đến còn tạo cơ hội đem các nghi lễ cổ truyền: dâng hoa, rước kiệu, nguyện ngắm, trống kèn với lời kinh tiếng hát ngân nga quen thuộc, theo đúng tập tục như tại quê nhà, hầu cho con cháu giữ được đất lề quê thói, không để cho những di sản văn hóa quý báu này bị lãng quên, mai một theo thời gian.
Linh mục nhạc sĩ Phêrô Kim Long từ quê nhà sang, thấy quang cảnh đẹp của thánh đường giáo xứ Mẹ Việt Nam và sự náo nức hân hoan của giáo dân, đã xúc động sáng tác tại chỗ bài thánh ca “Trẩy hội lên đền “. Cách riêng Đức Hồng y James Cardinal Hickey, Tổng giáo phận Wasington đã chia sẻ tại lễ thánh hiến ngôi thánh đường: “Ngôi nhà thờ được thánh hiến hôm nay là biểu tượng đức tin và nền văn hóa Công giáo của chúng con và có Chúa Giêsu là nền tảng... Chính nơi đây và cộng đoàn này sẽ trở thành chỗ nương tựa và giúp đỡ cho những ai gặp khó khăn ở trên vùng đất mới.”.
Niềm tự hào dân tộc Trải qua bao khó khăn ban đầu, qua con số ít ỏi 42 gia đình trong vùng quy tụ lại cùng với linh mục Phêrô Nguyễn Thanh Long (1937 - 2008) đã cố gắng vượt qua mọi bất đồng ngôn ngữ và văn hóa, nhất là vấn đề tài chính. Dự án quá lớn trong lúc đời sống kinh tế giáo dân còn eo hẹp, khiêm tốn bước đầu mới sang. Nhưng cha Phêrô không nản lòng, luôn cậy trông vào Chúa. Cha đi kêu gọi, đến xin các địa phương xa gần, đến nỗi người ta gọi ngài là “Ông cha ăn mày”.
Ban đầu cha cũng chịu những lời chê bài “nhà thờ mà như ngôi chùa”, gặp khó khăn về pháp lý, nợ nần nhà thầu nhưng trong niềm tin vào Thiên Chúa, các công việc đã tuần tự tiến, đến ngày hoàn thành.
Cũng cần nói thêm rằng, linh mục Phê rô Nguyễn Thanh Long từ giáo xứ Tân Châu, Vũng Tàu, sang Hoa Kỳ năm 1975. Con người chất phác, thích hút thuốc lào và ưa uống nước chè tươi như một lão nông. Khi đề cập đến việc xây dựng cộng đoàn tại Mỹ trên báo Diễn Đàn Giáo Dân số 79, ngài tâm sự: “... Tôi và anh chị em giáo dân bên Maryland xây dựng giáo xứ Việt Nam ở Mỹ khó gấp ngàn lần nhận bài sai của Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đi dựng gần một chục họ đạo bên nhà...”. Ngày 31/3/2005, Đức Giáo hoàng đã ưu ái ban Tước “Đức ông” cho cha Phêrô Nguyễn Thanh Long, trong niềm hân hoan của cộng đoàn.
Mang theo hồn nước khí thiêng dân tộc Ngoài thánh tích của 33 vị thánh tử đạo Việt Nam cùng bức bích họa có kích thước 2m x 2,5m treo đối xứng tượng Trái Tim Chúa được tôn kính trên 2 bàn thờ cạnh, giáo xứ Mẹ Việt Nam hiện đang lưu giữ và sử dụng những kỷ vật mang từ Việt Nam sang như chiếc trống cái của Tổng giáo phận Sài Gòn, chiêng của Tổng giáo phận Huế và chuông của giáo xứ Báo Đáp (Nam Định), nơi sinh trưởng của linh mục Phêrô Nguyễn Thanh Long, chuông đúc tại Kiên Lao cung hiến. Bên cạnh đó, còn có chiếc kiệu bát cống chạm trổ sơn son thiếp vàng do giáo xứ Chính tòa Bùi Chu đưa sang, được dùng trong các cuộc rước mang bản sắc dân tộc truyền thống.
Trong hoa viên nhà xứ bài trí hòn non bộ, vật liệu được lấy đất đá từ núi Ngũ Hành Sơn đưa qua, xây thành một tác phẩm nghệ thuật, cùng với nước sông Hồng miền Bắc, nước sông Hương ở Huế và nước sông Cửu Long miền Nam đổ chung vào hồ, cho đàn cá cảnh tung tăng bơi lội.
Đặc biệt, tượng đài Đức Mẹ dáng dấp người phụ nữ Việt Nam, tay bế Chúa Con, với tà áo dài bay trong gió của nhà điêu khắc Trần Quang Vinh, tu sĩ thuộc Tỉnh dòng Phanxicô Việt Nam thực hiện. Tượng đài Đức Mẹ được khánh thành vào Chúa nhật 16/6/2013, dưới thời linh mục Đaminh Vũ Ngọc An, gốc làng Trung Lao (giáo phận Bùi Chu) làm Chánh xứ (2008 - 2014).
Để gìn giữ đức tin và văn hóa Việt Nam cho thế hệ con em người Việt trên đất Mỹ, các linh mục chánh xứ Mẹ Việt Nam luôn quan tâm tổ chức các lớp học giáo lý và Việt ngữ, nhất là khi linh mục Phaolô Trần Xuân Tâm làm chánh xứ. Ngài luôn nhắc nhở phụ huynh và khích lệ trẻ em tham gia các lớp học trên, để các em không quên mình là người Công giáo mang cội nguồn dân tộc Việt Nam.
Bên cạnh đó, vào chiều thứ bảy hằng tuần tờ tuần san Nguồn Sống bằng Việt ngữ, đưa tin tức sinh hoạt của giáo xứ, giáo phận và giáo hội, đến các gia đình để cùng hiệp thông.
Ngoài việc đoàn kết giữ vững đức tin, giáo dân giáo xứ Mẹ Việt Nam còn tích cực tham gia đóng góp các công cuộc chung của Tòa Giám mục. Vào ngày 7/9/2014, nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập Tổng giáo phận Wasington, Tòa Giám mục đã chọn giáo xứ Việt Nam trao bằng danh dự, khen thưởng.
Theo phương châm “nghĩ tốt, nói tốt, làm tốt” của cố Đức ông Phêrô Nguyễn Thanh Long, cộng đoàn giáo xứ Mẹ Việt Nam luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau sống đạo và giữ vững truyền thống văn hóa tốt đẹp dòng giống Lạc Hồng của người Công giáo Việt Nam nơi xứ người.