Tin tức - Hoạt động

Cần sớm điều chỉnh mức thuế thu nhập cá nhân

Cập nhật lúc 00:12 04/04/2024
Mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) để tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đã duy trì gần 10 năm, trong khi giá cả hàng hóa không ngừng tăng. Vì vậy, cần sớm sửa Luật Thuế TNCN theo hướng tăng mức giảm trừ gia cảnh.
anh-bai-duoi(1).jpg Mức tính thuế thu nhập cá nhân cần sớm được điều chỉnh phù hợp thực tế. 

Theo quy định, Luật Thuế TNCN sẽ được xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025. Mới đây, khi trả lời câu hỏi vì sao chưa đề xuất GTGC cho người nộp thuế TNCN, ông Trương Bá Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) nói rằng, vì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ năm 2020 đến nay chưa biến động tới mức 20% nên theo quy định chưa điều chỉnh mức GTGC tính thuế TNCN.

Như vậy dù phần đa cá nhân thấy rất sốt ruột, Luật Thuế TNCN nhiều bất cập cần sửa sớm thì vẫn phải chờ.

Anh Nguyễn Xuân Ngọc (hiện đang làm việc tại một công ty tư nhân trên phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội) cho biết, anh có lương 26 triệu đồng/tháng, trong khi vợ chỉ bán hàng thuê với thu nhập tầm 7 triệu đồng/tháng. Vợ chồng có 1 con, do vậy anh Ngọc đã đăng ký GTGC một người phụ thuộc. Mỗi tháng tiền GTGC anh Ngọc và con được hưởng là 15,5 triệu đồng; 10,5 triệu đồng còn lại vẫn phải đóng thuế TNCN 15%.

“Hàng tháng gia đình tôi phải trả tiền thuê nhà, chi phí tiền học cho con, tiền sinh hoạt... Tính ra cũng khoảng 25 - 30 triệu đồng. Không lẽ không để dành chút ít để phòng lúc phải mua thuốc thang. Tôi thấy thu nhập như gia đình tôi mà phải đóng thuế là rất bất cập” - anh Ngọc than thở.

Tâm trạng của anh Ngọc cũng là nỗi lòng của không ít người dân đang sống tại thành thị, đặc biệt là đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM khi mà mặt bằng giá cả chi tiêu đều tăng cao, thu không đủ bù chi nhưng vẫn rơi vào ngưỡng phải nộp thuế.

Luật Thuế TNCN được ban hành từ năm 2007, tính tới thời điểm hiện tại mới trải qua 2 lần điều chỉnh mức GTGC vào năm 2013 và 2020. Hiện tại, mức GTGC cho bản thân là 11 triệu đồng, GTGC cho người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng.

Như vậy, trong lần điều chỉnh gần nhất (năm 2020), mức GTGC tăng khoảng 22% so với mức điều chỉnh năm 2013. Tuy nhiên, nếu ước tính nghĩa vụ thuế TNCN của người nộp thuế, có thể thấy mức tăng GTGC này cũng không tạo ra ảnh hưởng đáng kể về mặt tiết kiệm thuế.

Bà Vũ Thu Hà - Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ tư vấn thuế Deloitte Việt Nam đã đưa ra ví dụ trường hợp một người lao động có thu nhập trước thuế 25 triệu đồng/tháng; có một người phụ thuộc là con; mức chi tiêu trung bình 8-10 triệu đồng/tháng, bao gồm các chi phí sinh hoạt cơ bản, học phí, các chi phí khác như tiền học thêm, tiền khám chữa bệnh... Với mức điều chỉnh GTGC tăng 22%, số thuế TNCN tiết kiệm được chỉ khoảng 400.000 đồng/tháng, chỉ chiếm tỷ trọng gần 5% so với tổng mức chi tiêu cho người phụ thuộc, chưa đủ để tạo nên thay đổi rõ nét trong quyết định chi tiêu.

Từ đó, bà Hà cho rằng, việc xem xét điều chỉnh và cập nhật mức GTGC hiện nay là cần thiết. Theo đó, các nhà hoạch định chính sách cần nghiên cứu và đề xuất mức GTGC cập nhật trước khi Luật Thuế TNCN được sửa đổi; thay vì chỉ điều chỉnh khi CPI biến động vượt 20%.

Bên cạnh việc điều chỉnh mức GTGC, còn có thể cân nhắc nâng ngưỡng thu nhập tối thiểu bình quân của người phụ thuộc (hiện đang ở mức 1 triệu/tháng) để mở rộng đối tượng người nộp thuế có thể hưởng lợi ích từ chính sách này, tương tự như việc Singapore vừa công bố điều chỉnh nâng ngưỡng thu nhập của một số đối tượng người phụ thuộc từ 4.000 đô la Singapore/năm lên 8.000 đô la Singapore áp dụng cho năm 2024.

Về lâu dài, lộ trình và cơ chế điều chỉnh mức GTGC cần được xây dựng và phản ánh vào Luật Thuế TNCN sửa đổi. Bên cạnh đó, có thể cân nhắc thiết kế các hình thức giảm trừ đa dạng hơn thay vì chỉ áp dụng một mức giảm trừ tuyệt đối, cố định như hiện tại. Ví dụ: cho phép giảm trừ một số chi phí sinh hoạt và tiêu dùng thường xuyên của người nộp thuế trên cơ sở thực tế phát sinh, giảm trừ trực tiếp một khoản tiền nhất định vào số thuế phải nộp đối với người nộp thuế có số thuế phát sinh lớn, hoặc áp dụng những mức giảm trừ khác nhau cho các đối tượng người phụ thuộc khác nhau dựa vào độ tuổi, khả năng lao động, mức thu nhập...

Để có phương án và lộ trình điều chỉnh mức GTGC cho phù hợp và hiệu quả, bà Hà cho rằng cần cân nhắc đến những yếu tố. Do việc điều chỉnh tăng mức GTGC có tác động trực tiếp đến nghĩa vụ thuế của người nộp thuế, cần đánh giá tác động của việc điều chỉnh này đến nguồn thu ngân sách. Thực tế từ những lần điều chỉnh GTGC trước đây cho thấy, việc tăng mức GTGC không tạo ra tác động bất lợi về mặt thu ngân sách. Hơn nữa, xét về mặt tích cực, việc điều chỉnh GTGC thậm chí có thể đóng vai trò khuyến khích mức độ tuân thủ của người nộp thuế, khi mức giảm trừ đã được thiết kế để phản ánh thực tế và công bằng hơn mức sống của người dân. Do đó, về tổng thể còn có thể giúp tăng nguồn thu, tăng mức tiêu dùng (do đó thúc đẩy sản xuất hàng hóa), tăng sức cạnh tranh về môi trường lao động so với các nước trong khu vực.

T.Hằng
http://daidoanket.vn/
Thông tin khác:
Tạo điểm nhấn từ hưởng ứng phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” (04/04/2024)
Nắng nóng gay gắt, Bộ Y tế cảnh báo đối tượng có nguy cơ bị ảnh hưởng cao (03/04/2024)
Thế giới rộn rã chào đón Lễ Phục sinh năm 2024 (01/04/2024)
9 tháng thần tốc xóa 5.000 nhà tạm, nhà dột nát (28/03/2024)
Hơn 200 ngày làm 5.000 nhà đại đoàn kết (28/03/2024)
Thư gửi sinh viên, học sinh Công giáo nhân dịp mừng Lễ Chúa Phục sinh 2024 (28/03/2024)
Phục sinh đoàn kết (28/03/2024)
Đôi nét về ngành ngoại giao Tòa Thánh Vatican (27/03/2024)
Giáo hội Công giáo Việt Nam đồng hành cùng Giáo hội Công giáo Mông Cổ (27/03/2024)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log