Vietnam Airlines đề xuất áp giá sàn vé máy bay sẽ bất lợi cho người tiêu dùng, triệt tiêu sự cạnh tranh. Ảnh: Công Phương |
Nhiều “đòi hỏi” Tại cuộc họp với Cục Hàng không Việt Nam mới đây, Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines (VNA) kiến nghị, tăng mức giá trần 50.000 đồng - 250.000 đồng/khách. Giá sàn được kiến nghị theo hai phương án: Thứ nhất, bằng 35% mức giá trần theo từng cự ly; Thứ hai, theo chi phí biến đổi trung bình một ghế theo từng nhóm cự ly của các hãng hàng không giá rẻ.
Không chỉ kiến nghị tăng giá trần, áp giá sàn vé máy bay, VNA còn mong muốn có thêm nhiều hỗ trợ để doanh nghiệp phát huy vai trò, trách nhiệm là hãng hàng không quốc gia. Cụ thể, VNA đề nghị cần tiếp tục xây dựng quy chế để bảo đảm hãng được cấp hơn 50% lượng khung giờ cất hạ cánh (slot bay) và thương quyền được phân bổ. Hãng cũng muốn được ưu tiên là hãng hàng không đầu tiên khai thác trở lại các điểm đến quốc tế để thể hiện hình ảnh quốc gia, đồng thời xin được thực hiện nghiệp vụ bán và thuê lại (sale & leaseback) với 50% số lượng máy bay trong đội tàu bay.
Trước những đề xuất trên của VNA, dư luận đã tỏ ra bất ngờ và không đồng tình, vì nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng xu hướng hiện nay của nền kinh tế là tôn trọng thị trường, cạnh tranh phải bình đẳng, không nên dùng mệnh lệnh hành chính để “bảo hộ” cho hãng hàng không quốc gia. Trong khi các hãng bay khác của nước ta đang chơi rất “sằng phẳng” bằng tự lực cánh sinh, dù ra đời và đi vào hoạt động sau VNA.
Người dân mất cơ hội, cái chung bị ảnh hưởng Thực tế cho thấy, những năm gần đây, giới bình dân mới có dịp đi lại bằng máy bay, khi xuất hiện cạnh tranh sôi động giữa sáu hãng hàng không gồm: VNA, Vietjet, Bamboo Airways, Pacific Airines, Vietravel Airlines và VASCO... Cũng cần lưu ý rằng, đây không phải là lần đầu VNA đề xuất tăng giá trần, áp giá sâu vé máy bay. Đây cũng chỉ là đề xuất riêng của VNA. Nhưng những “đòi hỏi” của VNA nếu được chấp thuận, hành khách sẽ phải bay với giá rất cao, sẽ không còn vé 0 đồng, vé vài trăm nghìn đồng, đồng nghĩa với thị trường hàng không đã mất đi yếu tố cạnh tranh đang có. Khi đó, vừa không hợp với quy luật cạnh tranh của kinh tế, vừa không có lợi cho người dân.
Hơn nữa, nếu để các hãng tăng giá trần thì rất có thể xảy ra tình huống các hãng sẽ bắt tay làm giá trong giai đoạn cao điểm để “bắt chẹt” người tiêu dùng. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng quyền lợi người tiêu dùng.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Như Phong, trong giai đoạn hiện nay, khi dịch Covid-19 vừa tạm lắng, việc tăng giá trần và áp giá sản sẽ ảnh hưởng đến kích cầu du lịch, như vậy dễ dẫn đến ảnh hưởng chung của nền kinh tế. Về góc độ phục hồi nền kinh tế, áp giá sàn tăng giá trần chính là hình thức hạn chế các chương trình kích cầu. Bất kỳ đề xuất nào liên quan đến chính sách chung cũng phải tốt cho đất nước nói chung chứ không phải chỉ cho bản thân doanh nghiệp. Nhất là khi Việt Nam đang nhất quán vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, không nên can thiệp áp giá sàn hoặc giá trần mà hãy tôn trọng quy luật cạnh tranh của thị trường.
Thiết nghĩ, thay vì những “đòi hỏi” có lợi cho riêng mình, các nhà cung cấp dịch vụ nói chung, VNA nói riêng trong giai đoạn hiện nay cần xắp xếp kinh doanh, quản lý chi phí hiệu quả nhất để có thể đưa ra giá thành thấp nhất cùng các gói giá khuyến mãi kích cầu du lịch phù hợp chủ trương kích cầu kinh tế của Chính phủ.
Trong hoàn cảnh khó khăn do Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến ngành hàng không, việc Chính phủ hỗ trợ các hãng bay là cần thiết, nhưng các cơ quan quản lý nhà nước cần có những giải pháp phù hợp chung cho tất cả các hãng bay, không nên để người dân và ngành du lịch phải chịu thêm gánh nặng.
Thực tế, nhà nước vẫn đang có những chính sách hỗ trợ cho ngành hàng không như giảm 30% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhiên liệu bay từ giữa năm 2020 đến hết năm nay. Riêng VNA còn được các ngân hàng cho vay 4.000 tỷ đồng với lãi suất 0% từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, việc đề xuất tăng trần giá vé của VNA trong bối cảnh hiện nay cần được xem xét lại.