Tin tức - Hoạt động

Cảnh báo về tình trạng giả mạo chức sắc Công giáo để lừa đảo bán thuốc, chữa bệnh

Cập nhật lúc 13:43 06/04/2023
Lợi dụng lòng sùng mến của các tín hữu Công giáo với các vị chủ chăn là Giám mục, linh mục nên thời gian qua có rất nhiều trang mạng đã giả danh các chức sắc Công giáo để bán thuốc, chữa bệnh.
Thời gian qua có rất nhiều trang mạng đã giả danh các chức sắc Công giáo để bán thuốc, chữa bệnh khiến nhiều người bức xúc.
Thời gian qua có rất nhiều trang mạng đã giả danh các chức sắc Công giáo để bán thuốc, chữa bệnh khiến nhiều người bức xúc.

Thời gian cả nước đang gồng mình chống dịch COVID-19 nhất là Thành phố Hồ Chí Minh với tình hình dịch hoành hành rất dữ dội. Các biện pháp cấm tập trung, cấm di chuyển càng làm cho người có bệnh lo lắng, không biết chữa trị thế nào, thì liên tục hàng loạt trang điện tử mang tên TGM Giuse Nguyễn Năng xuất hiện như trang “Đức cha Giuse Nguyễn Năng”, “Giuse Nguyễn Năng”, “Giáo điểm Tin Mừng”... Với hình ảnh rõ ràng, lại có tựa đề: trang chuyên về y tế, sức khỏe nên một số người đã tin tưởng gọi điện thoại đến để xin tư vấn chữa bệnh. Câu đầu tiên họ nghe là: “Cha chào con, xin Chúa nhân từ ban phúc lành cho con và gia đình”. Thật đúng là tinh thần yêu thương của vi chủ chăn nhân lành. Nhưng chỉ sau vài câu trao đổi là “Đức cha” ra giá cả vài triệu đồng ngay. Nếu con bệnh kêu giá cao thì “Đức cha” nói, “có đắt mới bắt được sạch bệnh”. “Chúng tôi tu hành muốn giúp bá tánh chứ đâu có phải kinh doanh”… Có bệnh nhân ở Hóc Môn mua thuốc uống không đỡ bệnh gan đã mang cả bịch thuốc về Tòa TGM Sài Gòn để chất vấn. Mới hay, Đức TGM Giuse không hề bán thuốc bao giờ. Ngày 21/4/2022, linh mục Chưởng ấn Phêrô Kiều Công Tùng (nay là tân Giám mục Phát Diệm) đã ra thông báo khẳng định: Đức TGM Giuse Nguyễn Năng không hề có facebook hay trang điện tử cá nhân nào. Tất cả các trang mạo danh Đức TGM Giuse Nguyễn Năng đều là giả mạo.
Nhưng đâu phải chí có Đức TGM Giuse Nguyễn Năng mới bị giả mà còn rất nhiều Đức cha ở Phan Thiết, Long Xuyên, Bà Rịa- Vũng Tàu, Vinh, Phú Cường, Lạng Sơn, Hưng Hóa, Mỹ Tho… cũng bị giả danh như vậy. Ngày 7/01/2022, TGM Lạng Sơn - Cao Bằng đã gửi đơn khiến nghị tới Phòng an ninh mạng, Công an tỉnh Lạng Sơn yêu cầu truy tìm trang giả mạo Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri. Nhưng trang giả mạo lại viết thành Phaolô Châu Ngọc Tri, dù ảnh in rõ chân dung Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri. Trang giả mạo Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước - Giám mục Phú Cường còn thêu dệt câu chuyện của sơ Anna Nguyễn Thị Hồng Nhung- dòng Mến Thánh giá Xã Đoài bị bệnh xương khớp nặng, bệnh viện bất lực trả về, sơ không thể đi lại được nhưng Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước thương tình cắt cho mấy thang thuốc. Bây giờ đi lại bình thường, phục vụ các cộng đoàn không thấy mệt mỏi. Sơ nói thêm, nhưng Đức cha Giuse bận việc mục vụ lắm, không có thời gian bắt mạch, kê đơn cho ai. Ai cần thì nói với sơ Nhung, sơ nói với Đức cha thì may ra mới được. Vậy là bao người nhờ sơ nối máy với “Đức cha Giuse” kể bệnh, mua thuốc. Một người ở Thủ Dầu Một, biết đây là trang lừa đảo nhưng gọi điện thoại xin “ Đức cha Giuse thương tình cứu chữa”. “Đức cha Giuse” nói: anh chuyển tiền, và cho địa chỉ, tôi sip thuốc cho. Anh nói, thôi con chạy đến thẳng Tòa Giám mục để đưa tiền và nhận thuốc, khỏi mất phí vận chuyển. “Đức cha Giuse” bảo: Tôi không trao đổi trực tiếp vì sợ lây nhiễm covid-19…
Không chỉ các Giám mục bị mạo danh, một số linh mục cũng bị mạo danh. Như linh mục Giuse Nguyễn Phát Tài ở nhà thờ Thánh Tâm (Phú Cường) cũng nổi tiếng về những bài giảng thuyết trên youtube. Trang giả mạo linh mục Giuse Nguyễn Phát Tài đăng đàn như sau: “Tôi là Giuse Nguyễn Phát Tài, vốn xuất thân từ gia đình lương giáo, tốt nghiệp Đại học Y- Dược Thành phố Hồ Chí Minh. Cha lựa chọn con đường tu trì để trở thành linh mục… Đa số các bệnh nhân của cha đều ổn định 5-10 năm, cơn đau chưa tái phát. Nay cha viết bài này để chỉ cho một số người đau yếu, bệnh tật vì tất cả mọi người đều là con của Chúa nên cha phải quan tâm giúp đỡ, điều trị. Hãy để lại số điện thoại để cha thăm khám và điều trị kịp thời, tránh chuyển biến xấu”.
Song cũng không phải chỉ Giám mục, linh mục bị giả mạo mà giáo dân cũng bị giả mạo. Chúng tôi quen biết Lương y Phạm Cao Sơn từ lâu khi đồng hành cùng hai cụ thân sinh ra lương y gia nhập đạo ở Thái Bình, thời Đức cha FX Nguyễn Văn Sang năm 2014, rồi cả nhà lương y 13 thành viên nhận phép Bí tích Khai tâm ở nhà thờ Chính tòa Thái Bình năm 2018 do Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ chủ sự. Lương y Sơn cũng hay đi làm từ thiện ở các Tòa Giám mục, các trung tâm y tế hay các trại trẻ mồ côi với hàng tấn thuốc bệnh, thuốc bổ trị giá hàng tỷ đồng nên cũng khá nổi tiếng với nhiều bài thuốc gia truyền chữa bệnh gút, bệnh xương khớp, dạ dày. Lương y Phạm Cao Sơn cũng có nhiều bức ảnh chụp với các Đức TGM, Giám mục khắp cả nước và nhiều người biết. Ba năm nay, lương y Phạm Cao Sơn nghỉ bán thuốc và vào Nam chữa bệnh tuổi già. Lập tức có hàng chục trang giả danh Lương y Phạm Cao Sơn rao bán đủ mọi loại thuốc hiểm nghèo. Vài người biết lương y Phạm Cao Sơn cũng hỏi tôi: Sao dạo này, ông lương y Phạm Cao Sơn rao bán đủ mọi loại thuốc từ chữa ung thư, xương khớp đến hiếm muộn, HIV/AIDS… Tôi cũng ngạc nhiên vì vài năm nay không gặp ông. Bữa trước, ông ra Hà Nội, tôi mới biết, ông rất bức xúc vì bị mạo danh bán thuốc lừa gạt người dân. Thứ nhất, người bệnh mua phải thuốc rởm nên tiền mất, tật vẫn còn. Thứ hai, trang giả danh lại xưng là “Linh mục Giuse Phạm Cao Sơn” tức là gán cho ông tội mạo danh chức sắc Công giáo - điều mà người Công giáo không bao giờ làm. Ông lại là tân tòng nên càng phải giữ gìn danh tiếng, đức tin. Lương y Phạm Cao Sơn cũng cho biết, ông không dùng facebook nên tất cả các trang facebook mang tên ông đều là giả mạo dù có in ảnh gia đình ông nhập đạo hay chụp với các Đấng bậc. Ông cũng chỉ có số điện thoại mà có đuôi 3 số cuối là 359. Con dâu ông là cô Thư Duyên đã thử liên hệ với trang “linh mục Giuse Phạm Cao Sơn” để hỏi chức “cha” là thế nào? Đầu dây kia trả lời: “Cha là người đứng đầu, bề trên của giáo phận”. Hỏi tiếp: thế cha ở đâu? Và đi nhà thờ nào? Trả lời: Cha ở Hà Đông và đi lễ ở Thái Bình… Đúng là đường gian hay tối, nói dối hay lòi đuôi. Lương y Phạm Cao Sơn đang nhờ một số luật sư, nhà báo để giúp ông đòi lại thanh danh cho mình.
Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ, Chánh Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam khẳng định: “Không bao giờ các Giám mục, linh mục đi quảng cáo bán thuốc chữa bệnh vì đấy không phải là chuyên môn của các ngài. Với vai trò sứ mạng của các chức sắc Công giáo, các ngài cũng không làm những việc phản cảm như vậy. Bà con giáo dân cũng như cộng đồng cần phải lưu ý để tránh bị lừa. Lương tâm của những người dùng mạng cũng phải tỉnh táo để không làm ảnh hưởng đến Giáo hội và người khác”.
Đã đến lúc các cơ quan có trách nhiệm phải vào cuộc để tránh các chức sắc bị giả mạo, gây bức xúc dư luận, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và người Công giáo làm mất niềm tin của người dân vào chức sắc Công giáo.
Triết Giang
Thông tin khác:
Sống cùng nhịp thở thành phố (06/04/2023)
Chính phủ phê duyệt đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội (04/04/2023)
Cuộc họp vòng X Nhóm Công tác Hỗn hợp Việt Nam - Tòa Thánh Vatican (03/04/2023)
Lao động rút 'một cục' phải đóng BHXH 20 năm mới được hưởng lương hưu (31/03/2023)
Sơ kết chương trình phối hợp giữa Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam (30/03/2023)
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thăm, chúc mừng Giáo phận Thanh Hóa nhân dịp Đại lễ Phục sinh năm 2023 (28/03/2023)
Nghỉ lễ năm ngày liên tục dịp giỗ Tổ Hùng Vương, 30-4 và 1-5 (26/03/2023)
Bổ nhiệm Giám mục chính tòa các giáo phận Hà Tĩnh và Phát Diệm, Giám mục phó giáo phận Cần Thơ (25/03/2023)
Nhà thơ Quang Dũng và những dấu ấn (24/03/2023)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log