Bài thơ Tây Tiến gắn với tên tuổi của Quang Dũng khi ông chuyển sang đơn vị khác. Rời xa binh đoàn Tây Tiến chưa bao lâu, tại Phù Lưu Chanh (một làng thuộc quận Hà Đông, nay thuộc Hà Nội), ông viết bài thơ Nhớ Tây Tiến, mà sau này ông cho đổi tên là Tây Tiến. Khu di tích Quốc gia - Địa điểm lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến ở Cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La. | |
Đoàn cán bộ, công nhân viên chức Văn phòng UBĐKCGVN đến thăm, thắp hương, chụp ảnh lưu niệm tại nhà Truyền thống Trung đoàn 52 Tây Tiến (Mộc Châu- Sơn La). |
Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia. |
Nhà thơ Quang Dũng (1924 - 1988) tên khai sinh là Bùi Đình Dậu (tức Diệm), quê gốc” làng Phượng Trì, tổng Đại Phùng, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài. Ông làm thơ, viết văn, vẽ tranh, soạn nhạc… Ở lĩnh vực nào cũng có những thành tựu đáng kể, nhưng nổi bật hơn cả vẫn là thơ.
Quang Dũng đến với thơ sớm. Bài thơ đầu có tên là “Chiêu Quản” được viết năm 1937, khi Quang Dũng mới l6 tuổi. Nhưng ông chỉ thực sự được khẳng định và nổi tiếng với bài “Tây Tiến” (1947) và cùng với Tây Tiến là những bài thơ trong mạch cảm xúc thực của ông về cuộc đời người lính trên những nẻo đường kháng chiến đầy gian khổ, thiếu thốn, hiểm nguy nhưng cũng rất hào hùng, quả cảm: Đường mười hai, Ngược đường số 6, Những làng đi qua, Chiếc núi nữa rào… Là con người nặng lòng yêu quê hương, đất nước, Quang Dũng dành những dòng cảm động nhất viết về đất nước, quê hương, đặc biệt về xứ Đoài mà ông luôn khắc khoải thương nhớ. Những bài thơ đằm thắm, hồn hậu của ông: Đôi mắt người Sơn Tây, Ba Vì mờ cao (lời bài hát)… từng làm xúc động nhiều thế hệ độc giả và đã thực sự góp vào thơ Việt những “bức tranh quê” đằm thắm. Thơ tình cũng là mảng đặc sắc trong thơ Quang Dũng. Tình thực, cảm xúc thực và những rung động tinh tế tạo nên sắc thái riêng của thơ ông. Thơ Quang Dũng là sự kết hợp nhuần nhị giữa vẻ đẹp chân chất, dân dã với tài hoa tính tế. Nhiều bài thơ ông, do vậy đạt đến độ chân tài. Mây đầu ô là tập thơ khép lại đời thơ Quang Dũng. Song vẫn là sự tiếp nối đến cảm động những tình cảm nồng ấm, thiết tha của ông về đất nước, con người và niềm khát khao được sống, được “phiêu bạt”, dấn thân của người lính - thi sĩ một thời.
Quang Dũng cũng là tác giả của nhiều tập truyện kí có giá trị như Rừng về xuôi, Nhà đồi, Gương mặt hồ Tây (in chung). Những chiêm nghiệm, thuộc hiểu sâu sắc, kỹ lưỡng của ông từ những năm tháng Tây Tiến, lẫn lộn suốt dải biên giới phía Tây của Tổ quốc và những chuyến đi cùng các đội khảo sát rừng đã giúp Quang Dũng viết được những trang xúc động về vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ và sự phong phú của rừng cây, muông thú. Văn xuôi của Quang Dũng đậm chất thơ, giàu hình ảnh và có sức gợi cảm. Văn xuôi Quang Dũng cũng để lại những trang tuyệt bút như trong: Mùa gặt đến, Một con tàu, Hoa lại vàng tháng Chạp, Phiên chợ Bắc Hà… Đó quả là “những hạt vàng lấp lánh”, ngời ánh lên nét vẻ tài hoa riêng, góp phần khẳng định dấu ấn của cây bút đa tài Quang Dũng - một trong những gương mặt tiêu biểu của lớp nhà thơ xuất hiện sau Cách mạng tháng Tám.