Tin tức - Hoạt động

"Chầu lượt" được bắt nguồn từ đâu?

Cập nhật lúc 11:23 21/12/2021
Theo sử liệu, việc này đã phát xuất từ Milanô, một thành phố ở Bắc Italia (nước Ý) vào năm 1534 do một linh mục dòng Phanxicô tên là Giuse Piantanida da Fermo. Trong thời gian đó, thành Milanô phải trải qua những cuộc chiến tranh tàn tệ, cha Giuse đã yêu cầu các công dân của thành hãy ngước mắt lên trời để tìm sự giải cứu. Ngài đã tổ chức việc Chầu Thánh Thể liên tiếp 40 giờ liền.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con thờ lạy, cảm tạ, tôn vinh tình yêu của Chúa. Ảnh: CTV
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con thờ lạy, cảm tạ, tôn vinh tình yêu của Chúa. Ảnh: CTV
* Chầu lượt được bắt nguồn từ đâu, và từ khi nào?

Việc Chầu Thánh Thể mà chúng ta quen gọi là Chầu lượt là một hình thức đặt Thánh Thể để cho người tín hữu thay nhau chầu liên tiếp trong nhiều giờ. Tại các giáo phận, Chầu lượt là chầu Mình Thánh Chúa lần lượt theo phiên thứ từ xứ này qua xứ khác trọn 52 ngày Chúa nhật trong năm. Theo sử liệu, việc này đã phát xuất từ Milanô, một thành phố ở Bắc Italia (nước Ý) vào năm 1534 do một linh mục dòng Phanxicô tên là Giuse Piantanida da Fermo. Trong thời gian đó, thành Milanô phải trải qua những cuộc chiến tranh tàn tệ, cha Giuse đã yêu cầu các công dân của thành hãy ngước mắt lên trời để tìm sự giải cứu. Ngài đã tổ chức việc Chầu Thánh Thể liên tiếp 40 giờ liền (ngày nay người ta vẫn gọi việc Chầu này là “Qua rant' ore” tiếng Ý có nghĩa là 40 giờ). Sở dĩ 40 giờ có ý tưởng nhớ Chúa nằm trong mồ hay chết khoảng 40 giờ (từ 3 giờ chiều thứ Sáu, tới 6 giờ sáng Chúa nhật) trước khi phục sinh. Việc chầu bắt đầu từ nhà thờ Chính tòa Milanô và lan sang các nhà thờ khác luân phiên nhau. Các tín hữu tích cực tham gia việc cầu nguyện trước Thánh Thể, việc tham dự thánh lễ và lãnh nhận bí tích Hòa Giải trong thời gian Chầu lượt. Trời cao đã không trì hoãn và đã đáp lời cầu nguyện của các tôi tớ Chúa qua việc Thờ chầu này. Hoàng đế Charles V và Francis vua nước Pháp đã tới cửa thành Milanô để ký kết hiệp ước hòa bình. Đến khoảng năm 1548 - 1550, thánh Philiphê Nêri và Inhaxiô Loyola đã phổ biến việc chầu này tại giáo đô Rôma và Đức Thánh Cha Clementê VIII, qua Tông chiếu “Graves et diuturnae” ban hành ngày 25/11/1592, đã phê chuẩn việc thánh thiện này bằng cách ban ân xá, đại xá cho những ai xưng tội, rước lễ và viếng những nhà thờ đang có cuộc Chầu lượt. Trong tài liệu ấy, Đức Thánh Cha đã viết rằng: “Ta quyết định cách công khai rằng trong Mẫu Thành Rôma (Mother City of Rome) một cuộc cầu nguyện không ngừng như thế được thực hiện trong các nhà thờ vào những ngày ấn định tại đó cử hành việc sùng kính đạo đức Bốn Mươi Giờ, xếp đặt thế nào để các nhà thờ và thời gian mọi giờ, mọi ngày và đêm, cả năm tròn làn hương cầu nguyện được dâng lên không gián đoạn trước Thiên Nhan.”

* Chầu lượt ra đời trong hoàn cảnh nào?

Năm 1900, dưới thời Đức Giáo hoàng Clêmentê XI, Thánh Bộ Lễ Nghi đã ban bố Sắc lệnh chấp thuận hình thức Chầu lượt này. Nội dung chính của Sắc lệnh này dạy phải long trọng đặt Mình Thánh Chúa ra bên ngoài để giáo dân kính viếng trong 40 giờ liên tiếp. Việc thực hành ấy (Chầu lượt bốn mươi giờ) còn tồn tại cho tới ngày nay trong khắp Giáo hội.

*Ngoài ý nghĩa, tôn thờ Thánh Thể, Chầu lượt có mặc lấy ý nghĩa của việc hội nhập văn hóa hay không ?

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đề cập tới việc Chầu lượt này trong Tông thư Dominicae Cenae (ban hành ngày 24/02/1980): “Việc thờ chầu Chúa Kitô trong Bí tích Tình Yêu này phải được biểu lộ qua nhiều hình thức: Cầu nguyện riêng tư trước Thánh Thể, làm Giờ Thánh, những cuộc tôn thờ định kỳ – ngắn, dài, hàng năm (Bốn Mươi Giờ) – Phép lành Thánh Thể, Rước Thánh Thể, Đại hội Thánh Thể.” (số 3). Giáo Luật cũng đề cập tới việc này: “… Hằng năm vào thời gian thuận tiện, nên tổ chức ngày chầu trọng thể Bí tích Cực Thánh Chúa, dù không phải là chầu lượt, để cộng đoàn địa phương có thể suy niệm và tôn thờ Mầu Nhiệm Thánh Thể cách chuyên chú hơn” (Giáo Luật khoản 942).

Việc Chầu lượt là một hình thức tôn thờ Chúa Giêsu trong Thánh Thể, mục đích không phải là một cuộc trình diễn văn nghệ hay văn hóa. Tuy nhiên, trong phạm vi Phụng vụ cho phép, cũng có thể có những nét văn hóa cá biệt của dân tộc, cao dâng tình Chúa, xây dựng tình người và tôn vinh Chúa trong mọi sự.

*Hình thức sinh hoạt Chầu lượt, nhất là ở miền Bắc.

Ở Việt Nam, (theo cuốn Tìm hiểu và thực hành Chầu lượt của linh mục JB. Cao Vĩnh Phan và website giáo phận Vinh) truyền thống Chầu lượt cũng đã có từ gần 100 năm nay với những tên gọi khác nhau như: Chầu phước chuyến (cách gọi của các giáo phận thuộc miền Tây Nguyên), Chầu Mình Chúa (cách gọi của các giáo phận từ Đà Nẵng trở vào). Riêng giáo phận Vinh, việc tổ chức Tuần chầu lượt có quy củ và long trọng hơn, được ví như cuộc tổ chức “Đại hội Thánh Thể miền”, “ngày Tết của giáo xứ”: Các linh mục trong hạt buộc phải tập trung về giáo xứ có phiên thứ Tuần chầu, chia sẻ và ngồi tòa giải tội giúp giáo dân có dịp thuận tiện đến tòa cáo giải làm hòa với Chúa và chuẩn bị xứng đáng cho Tuần chầu; khách từ các giáo xứ bạn cũng tới hiệp thông cầu nguyện và chia sẻ niềm vui với giáo xứ thực hiện phiên thứ Tuần chầu. Có giáo xứ vì đông giáo dân, chia làm nhiều giáo họ nên Tuần chầu được chia phiên thứ từ ngày thứ Hai đầu tuần. Theo truyền thống thì bắt đầu sáng thứ Sáu khai mạc Tuần chầu và bế mạc vào ngày Chúa nhật. Tuần chầu lượt ở giáo phận Vinh có từ năm 1918, dưới thời Đức cha André Giuse Eloy Bắc, Tuần chầu được chính thức quy định trong Thư chung đề ngày 19/6/1918.
 
Lm Phi Quang
Thông tin khác:
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chúc mừng Giáng sinh giáo phận Vinh (21/12/2021)
Không khí đón Giáng sinh tràn ngập phố (21/12/2021)
Văn hóa Việt tác động làm cho Công giáo Việt Nam trở thành tôn giáo đậm đà bản sắc dân tộc (20/12/2021)
Bài thánh ca Giáng sinh Việt Nam bất hủ trên 100 năm: Nửa đêm mầng Chúa ra đời (20/12/2021)
Khởi sắc từ nông thôn mới (19/12/2021)
Tổng kết cụm thi đua MTTQ 5 thành phố trực thuộc trung ương (18/12/2021)
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến tiếp nhận ủng hộ phòng, chống Covid -19 từ kiều bào (18/12/2021)
Món quà Giáng sinh của tôi (23/12/2021)
Linh mục Jean - Baptíte Etchrren: Vị ân nhân của Giáo hội Công giáo Việt Nam (17/12/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log