Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang, Giám mục giáo phận Bắc Ninh |
Chúng ta đang sống trong những khoảnh khắc lịch sử của Hội Thánh tại Việt Nam. Chuyến viếng thăm của Ngoại Trưởng Tòa Thánh tới Việt Nam được nhiều người quan tâm, mong đợi và đang làm trào dâng trong lòng mỗi tín hữu Công giáo một niềm vui khó tả, hy vọng tương lai tươi sáng mở ra chẳng những giữa Tòa Thánh và nhà nước Việt nam mà nhất là với 7 triệu người Công giáo.
Dưới lăng kính đức tin, chuyến viếng thăm này nhắc đến tính cơ cấu và phẩm trật của Hội Thánh chính Chúa Giêsu thiết lập. Như xưa Chúa đặt thánh Phêrô làm trưởng nhóm 12 tông đồ thì nay Đức Thánh cha Phanxicô là Giám mục đứng đầu trong Giám mục đoàn. Và vị Ngoại Trưởng Tòa Thánh đang phụ giúp Đức Thánh Cha lĩnh vực quan trọng là thiết lập, duy trì mối quan hệ ngoại giao của Tòa Thánh với tất cả quốc gia, trong đó có Việt Nam. Như thế, chuyến đi này không hoàn toàn là việc ngoại giao của Tòa Thánh nhưng còn là sứ mạng mà Chúa đã ủy thác cho chính Đức Phanxicô, được vị Ngoại Trưởng Tòa Thánh thực hiện. Bài Phúc Âm chúng ta vừa nghe trích trong sách Gioan, chương 3, câu 16-21 kể về cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Nicôđêmô. Chúa đã khẳng định: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban con một”. Tôi tin rằng, cuộc thăm viếng này đặt nền tảng từ chân lý ấy. Thiên Chúa yêu từng người Việt Nam đang sống trên mảnh đất thân yêu này. Mỗi người đang là người được yêu và là đối tượng nhận quà Chúa ban. Vấn đề là chúng ta có nhận ra, có cảm nghiệm được?
Thánh Gioan ghi nhận tiếp lời của Chúa Giêsu: “Ai tin vào con của Người thì không phải chết nhưng được sống muôn đời”. Cộng đoàn Hội Thánh quy tụ những người dám tin vào Chúa Giêsu. Tuy nhiên đâu là dấu chỉ cho thấy cộng đoàn giáo hữu đang tin? Đức Thánh Cha Phanxicô đã gởi thư cho cộng đoàn Dân Chúa tại Việt Nam nhân dịp công nhận đại diện Thường trú và văn phòng đại diện tại Việt Nam, đã đưa ra một chuẩn mực kép: “Đức ái là thước đo của đức tin. Đức tin là linh hồn đức ái”. Đức tin không phải chỉ là một mớ giáo điều phải tin mà cụ thể hóa qua hành vi của đức ái và điều này đã được Đức Thánh Cha Bênêđictô nhắn nhủ các Giám mục Việt Nam năm 2009 nhân chuyến Ad limina: “Hội Thánh kêu gọi các tín hữu hãy chân thành dấn thân xây dựng một xã hội chính trực, liên đới và công bằng. Hội Thánh tuyệt đối không có ý định thay thế các vị lãnh đạo chính quyền, nhưng chỉ ước mong có thể tham gia cách chính đáng vào đời sống của đất nước, để phục vụ dân tộc, trong tinh thần đối thoại và cộng tác với sự tôn trọng”. Đức Giáo Hoàng mong muốn Dân Chúa sống đức tin bằng đức ái. Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng nhắn nhủ người Công giáo Việt Nam: “Anh chị em tại Việt Nam thân mến, các tín hữu Công giáo vốn luôn sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu thường ngày của tha nhân một cách hiệu quả và tham gia đóng góp cho thiện ích chung trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội trên đất nước mình; anh chị em được mời gọi thực thi giáo huấn của Chúa Giêsu là trở thành “ánh sáng của thế gian và muối của đất” để “ánh sáng của các con chiếu tỏa trước mặt thiên hạ để họ thấy những việc làm tốt lành của các con và tôn vinh Cha các con trên trời”(Mt 5,16)”.
Những dòng này gợi cho chúng ta suy nghĩ rằng tất cả việc của đức ái được thực hiện phải làm người khác nhận ra Thiên Chúa tốt lành và tôn vinh một Thiên Chúa là cha hằng yêu thương tất cả. Mọi người đang bàn tán về một ngày không xa Đức Thánh Cha sang thăm Việt Nam. Nhưng chúng ta cũng không nên chỉ ngồi đợi, bàn luận hay gõ bàn phím… mà thái độ sống xứng hợp nhất là hãy cùng sống những điều Đức Thánh Cha nhắn nhủ, nỗ lực thực thi đức ái như thước đo của đức tin và lấy đức tin làm linh hồn cho mọi hoạt động của đức ái. Mọi người hãy nhớ lời nhắn nhủ của Đức Giáo Hoàng và sống tâm tình ấy. Khi cùng nhau tạ ơn Chúa về biến cố lịch sử mà mỗi chúng ta đụng chạm hôm nay, khi cùng nhau hứng khởi sống lời vị cha chung nhắn tới mỗi người Công giáo Việt Nam, chúng ta có quyền hy vọng về một ngày được tay bắt mặt mừng với người cha kính yêu - Đức Thánh Cha Phanxicô trên mảnh đất hình chữ S thân yêu.
Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang,
Giám mục giáo phận Bắc Ninh