Tin tức - Hoạt động

Có thể coi đây là dấu mốc tiên khởi cho việc thiết lập mối quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa Việt Nam và Vatican

Cập nhật lúc 12:10 18/08/2023
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng đã dành cho phóng viên báo Người Công giáo Việt Nam cuộc trò chuyện đầu tiên xung quanh mối quan hệ Việt Nam - Vatican
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hội kiến Đức Giáo hoàng Phanxicô ngày 27/7 tại Tòa Thánh Vatican.
 
LTS: Thành công của chuyến thăm Tòa Thánh Vatican của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị và phát triển; đồng thời đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác của Việt Nam với Tòa Thánh Vatican trong thời gian tới. Nhân dịp này, ông Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã dành cho phóng viên báo Người Công giáo Việt Nam cuộc trò chuyện đầu tiên xung quanh mối quan hệ Việt Nam - Vatican

Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết về mối quan hệ giữa Việt Nam và Vatican trong thời gian qua?

Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng: Năm 1989, Chính phủ Việt Nam và Toà Thánh Vatican bắt đầu có quan hệ đầu tiên thông qua chuyến thăm của đại diện Toà Thánh là đoàn do Đức Hồng y Etchegaray, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình đến thăm Việt Nam. Có thể nói, quan hệ Nhà nước Việt Nam với Toà Thánh Vatican là mối quan hệ tương đối đặc biệt. Toà Thánh Vatican vừa là quốc gia độc lập, đồng thời là tổ chức tôn giáo có ảnh hưởng lớn đối với cộng đồng Công giáo trên thế giới trong đó có ảnh hưởng đối với Công giáo ở Việt Nam. Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trên thế giới và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Trên tinh thần đó, Việt Nam coi trọng và sẵn sàng thúc đẩy quan hệ với Tòa Thánh Vatican trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, đóng góp tích cực cho hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới.
Quan hệ Việt Nam - Vatican thời gian qua đã có những tiến triển tích cực qua các thời kỳ: Từ tháng 11/1990 đến năm 2008 giữa Việt Nam và Toà Thánh Vatican đã có 17 lần họp, trao đổi về hoạt động liên quan đến Công giáo, việc phong chức, thuyên chuyển, đào tạo chức sắc, hoạt động mục vụ (2 lần tại Vatican vào năm 1992 và 2005 và 15 lần tại Việt Nam). Thời kỳ này, Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ là cơ quan chủ trì tiếp và làm việc với đại diện Tòa Thánh Vatican.
 
Đức Giáo hoàng Phanxicô với Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng nhân chuyến thăm Tòa Thánh Vatican của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình (10/2018).
Đức Giáo hoàng Phanxicô với Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng nhân chuyến thăm Tòa Thánh Vatican của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình (10/2018).
 
Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh Vatican, Đức ông Miroslaw Stanislaw Wachowski.
Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh Vatican, Đức ông Miroslaw Stanislaw Wachowski. (4/2022)
Từ năm 2009, hai bên đã thành lập Tổ công tác hỗn hợp Việt Nam - Vatican do Thứ trưởng Ngoại giao mỗi bên làm Trưởng đoàn, hai bên đã trải qua 10 vòng đàm phán và đã đạt được kết quả nhất định. Năm 2011, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chấp thuận đề nghị của Toà Thánh Vatican về việc cử một Đặc phái viên không thường trú của Vatican tại Việt Nam. Đến nay, Đặc phái viên không thường trú vào Việt Nam hàng trăm lần, đi thăm, hoạt động mục vụ ở 63 tỉnh, thành phố, chỉ dẫn giáo dân hoạt động thuần túy tôn giáo, chấp hành quy định pháp luật Việt Nam.
Bên cạnh các cuộc họp đàm phán, hai bên đã có cuộc tiếp xúc giữa những người lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và Vatican: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Đức Giáo hoàng Bênêdictô XVI (2007); Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết với Đức Giáo hoàng Bênêdictô XVI (2009); Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Đức Giáo hoàng Bênêdictô XVI (2013); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng với Đức Giáo hoàng Phanxicô (2/2014); Chủ tịch nước Trần Đại Quang với Đức Giáo hoàng Phanxicô năm 2016. Cuộc gặp Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình với Đức Giáo hoàng Phanxicô năm 2018, Phó Thủ tướng Thường trực đã thông báo với Đức Giáo hoàng việc Chính phủ Việt Nam đồng ý về chủ trương nâng cấp lên Đặc phái viên thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam. Trong các cuộc gặp lãnh đạo cấp cao Việt Nam, Đức Giáo hoàng Phanxicô trao đổi về tình cảm, sự quan tâm của Đức Giáo hoàng đến đất nước và con người Việt Nam. 
Trong nhiều cuộc họp Toà Thánh Vatican đề nghị hai bên nâng cấp quan hệ từ Đặc phái viên không thường trú lên Đặc phái viên thường trú để thuận lợi cho Đặc phái viên trong công tác với Chính phủ Việt Nam cũng như đối với Giáo hội Công giáo Việt Nam. Để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Đặc phái viên trong nhiệm vụ mới, Toà Thánh đề nghị đổi tên Đặc phái viên thường trú thành Đại diện Thường trú.
Đặc biệt là cuộc gặp của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với Giáo hoàng Phanxicô và Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Đức Hồng y Parolin ngày 27/7/2023 đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ hai bên. Hai bên đã thống nhất nâng cấp quan hệ từ Đặc phái viên không thường trú lên Đại diện Toà Thánh tại Vatican.
Sáng 7/8/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tới thăm, gặp gỡ Hội đồng Giám mục Việt Nam tại Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam ở Thành phố Hồ Chí Minh. Thông báo về kết quả chuyến thăm Tòa Thánh Vatican, Chủ tịch nước cho biết đã hội kiến với Đức Giáo hoàng Phanxicô, làm việc với Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Đức Hồng y Pietro Parolin, được đồng bào Công giáo cả nước rất quan tâm. Giáo hoàng sẽ gửi Huấn từ và Thông điệp tới đồng bào Công giáo Việt Nam. Trong cuộc làm việc với Quốc vụ khanh Tòa Thánh Vatican, Đức Hồng y Pietro Parolin, hai bên đã cùng khẳng định quan hệ Việt Nam - Vatican ngày càng phát triển tốt đẹp và đạt kết quả thiết thực, hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy quan hệ tốt đẹp này. Việt Nam và Vatican đã thông qua Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng Đại diện thường trú Tòa Thánh tại Việt Nam.
Tại cuộc gặp, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam cho rằng: quá trình quan hệ hai bên là quá trình lâu dài trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau, Giáo hội vui mừng vì Việt Nam mở ra thêm quan hệ quốc tế trong đó có Toà Thánh, Hội đồng Giám mục Việt Nam không tham gia trực tiếp vào các cuộc thảo luận giữa hai phái đoàn ngoại giao của Tòa Thánh và Nhà nước Việt Nam. Sự tham gia của của Công giáo Việt Nam trong thành công đó nằm ở một bình diện khác, sâu hơn nhưng mang tính quyết định hơn, đó là sự nhiệt tình sống đạo của đồng bào Công giáo Việt Nam, thực hiện tinh thần phục vụ trong cộng đồng xã hội, qua đại dịch Covid mọi người sẽ thấy tinh thần Kitô giáo, Nhà nước thấy được cộng đồng Công giáo là thành phần đóng góp quan trọng trong xã hội.
Trải qua 10 vòng đàm phán của Tổ Công tác hỗn hợp đặc biệt và 7 cuộc gặp gỡ cấp cao giữa hai nước Việt Nam và Vatican từ năm 1990 đến nay. Chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã mang đến kết quả được đánh giá là hết sức thành công mà những vòng đàm phán đã đạt được. Đó là quan hệ giữa Việt Nam và Vatican được nâng lên tầm cao mới: Toà Thánh Vatican chính thức có Đại diện thường trú tại Việt Nam. Là một lãnh đạo cấp cao về công tác tôn giáo, xin ông cho biết về quan điểm của cá nhân ông?
- Cá nhân tôi vui mừng khi chứng kiến sự phát triển quan hệ hai bên ngày càng tốt đẹp, đặc biệt chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng là sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ hai bên lên mức mới đó là từ Đặc phái viên không thường trú lên Đại diện thường trú của Toà Thánh Vatican tại Việt Nam. 
Tôi cho rằng, với chủ trương đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trên thế giới và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; với mục tiêu đối ngoại lấy việc giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, tạo các điều kiện thuận lợi cho công cuộc đổi mới để phát triển kinh tế - xã hội, việc mở rộng đối ngoại tạo thêm nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước thì việc nâng cấp quan hệ với Toà Thánh Vatican chính là minh chứng của chính sách đối ngoại và chính sách tôn giáo đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong công cuộc đổi mới đất nước và cũng là kết quả của phương thức và quá trình đối thoại mà hai bên cùng nhau thực hiện từ năm 1990.
Với thiện chí, nỗ lực, sự trân trọng của Toà Thánh, của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI và Đức Giáo hoàng Phanxicô trong các cuộc tiếp lãnh đạo cấp cao Việt Nam như Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, chỉ dẫn người Công giáo Việt Nam đồng hành, gắn bó với dân tộc để phát triển đất nước, xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, điều này thể hiện thiện chí, trách nhiệm Toà Thánh trong việc thúc đẩy quan hệ hai bên. Với sự nỗ lực, kiên trì đối thoại của Tổ công tác hỗn hợp Việt Nam - Vatican qua 10 vòng đàm phán, tham mưu cho Chính phủ Việt Nam và Toà Thánh Vatican cùng bàn bạc, tháo gỡ những vấn đề liên quan trong quan hệ, điều đó cho thấy việc nâng cấp Đại diện Thường trú là tiến trình phù hợp với cả hai bên. 
Với tình hình Công giáo Việt Nam hiện nay, các hoạt động tôn giáo diễn ra thuần tuý, ổn định an ninh trật tự, đồng thời Giáo hội Công giáo Việt Nam đã có có nhiều đóng góp tích cực trong việc nâng cấp quan hệ này, đó là Giáo hội Công giáo luôn đồng hành cùng chính quyền các cấp trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, tham gia tích cực trong các hoạt động y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường, bác ái, từ thiện nhân đạo, chia sẻ, trợ giúp đồng bào khó khăn, đặc biệt trong thời điểm diễn ra đại dịch Covid-19…
Với tất cả những vấn đề tôi đề cập trên, tôi cho rằng việc nâng cấp quan hệ là niềm vui chung của những người làm công tác quản lý nhà nước, của các chức sắc, tu sĩ, giáo dân Việt Nam khi quan hệ hai bên nâng lên một tầm cao mới.
Sau khi Toà Thánh thông báo về kết quả của chuyến viếng thăm của Chủ tịch nước và phu nhân, việc Toà thánh Vatican sẽ chính thức có Đại diện Thường trú tại Việt Nam, Giáo hội Công giáo gọi là Khâm sứ Toà Thánh. Dư luận trong nước và thế giới, không chỉ Giáo hội Công giáo mà cả xã hội đều hết sức quan tâm. Đức Tổng Giám mục Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam Giuse Nguyễn Năng ngay lập tức có một thông báo tích cực gửi đến toàn thể Cộng đồng Dân Chúa Giáo hội Công giáo Việt Nam. Ông đánh giá sao về động thái này?
- Việc Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi Thư cho các linh mục, tu sĩ, giáo dân thông báo kết quả chuyến thăm của Chủ tịch nước đến Toà Thánh Vatican, trong đó có việc nâng cấp quan hệ lên Đại diện Thường trú cho thấy niềm vui và mong muốn của Giáo hội Công giáo Việt Nam khi Chính phủ Việt Nam đồng ý cho Toà Thánh cử Đại diện thường trú và thành lập Văn phòng Đại diện thường trú tại Việt Nam. Điều đó cho thấy, Giáo hội Công giáo Việt Nam luôn mong muốn tương quan hai bên ngày càng phát triển tốt đẹp.
Việc Toà Thánh chính thức có Đại diện thường trú tại Việt Nam sẽ mang lại những lợi ích thiết thực nào cho cả hai phía thưa ông?
- Đối với hai bên việc nâng cấp lên Đại diện thường trú mở ra tương quan mới trong quan hệ hai bên, Toà Thánh Vatican sẽ cử Đại diện Thường trú và mở Văn phòng Đại diện thường trú tại Việt Nam, các vấn đề liên quan đến quan hệ hai bên, liên quan đến Công giáo Việt Nam sẽ được hai bên trao đổi trực tiếp thông qua Đại diện thường trú. Việc này giúp hai bên có điều kiện tiếp xúc, trao đổi nhiều hơn, qua đó hiểu nhau hơn, cùng chia sẻ với nhau về các vấn đề liên quan thuận lợi hơn.
Đại diện thường trú có điều kiện thuận lợi thực hiện nhiệm vụ và trách nhiệm của Toà Thánh giao đối với Công giáo Việt Nam và có điều kiện quan tâm nhiều hơn đối với các hoạt động tôn giáo của Giáo hội Công giáo Việt Nam.
Với vai trò Đặc phái viên không thường trú, mỗi dịp vào thăm và hoạt động tại Việt Nam sẽ cố định trong khoảng thời gian nhất định, Đặc phái viên không thường trú chỉ có thể tham dự những hoạt động chính của Hội đồng Giám mục Việt Nam và các giáo phận. Do vậy tới đây, Đại diện thường trú của Toà Thánh sẽ có điều kiện thăm, tham dự nhiều hoạt động Công giáo Việt Nam hơn, qua đó chuyển thông điệp, chỉ dẫn của Đức Giáo hoàng đến chức sắc, giáo dân Việt Nam để Giáo hội Công giáo Việt Nam tiếp tục sứ mệnh như Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam đề cập: “Giáo hội làm chứng cho Tin Mừng giữa lòng dân tộc cách tích cực hơn”, “qua những chương trình phục vụ con người cách đa dạng và đa diện hơn”. Có thể coi đây là dấu mốc tiên khởi cho việc thiết lập mối quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa Việt Nam và Vatican. Cùng với chính sách đối ngoại rộng mở của Đảng, Nhà nước Việt Nam mang đến cho đồng bào Công giáo niềm hy vọng có thể trong tương lai sẽ được đón Đức Giáo hoàng thăm Việt Nam.
Minh Phương (Thực hiện)
Thông tin khác:
Đồng bào Công giáo Cần Thơ lan toả nhiều mô hình hay mang lại hiệu quả thiết thực (18/08/2023)
Ngày hội “Sắc màu văn hóa miền núi Quảng Nam” (17/08/2023)
Yên Bái giải ngân gần 400 tỷ đồng Chương trình MTQG phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (17/08/2023)
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp đại biểu các tôn giáo, nhân sĩ, trí thức tiêu biểu TP Hồ Chí Minh (16/08/2023)
Giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên để đẩy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số (15/08/2023)
Cao Bằng giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (15/08/2023)
“Bù đắp” hỗ trợ bảo hiểm y tế cho đồng bào DTTS (15/08/2023)
Quảng Nam thực hiện đồng bộ nhiều chính sách phát triển miền núi, vùng đồng bào DTTS (15/08/2023)
Đã có đầy đủ cơ chế đặc thù và định mức để giải quyết nhà ở cho hơn 18.300 hộ dân tộc thiểu số (10/08/2023)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log