Lạy Đức Chúa Trời ban phước cho đấng nhân danh Đức Giêhôva mà đến!. Ảnh: CTV |
Trong những ngày Tuần Thánh, chúng ta được nghe đọc các Bài Thương khó, trong đó có đề cập đến hai loài vật: Con Lừa và Con Gà. Xin mời bạn đọc cùng tìm hiểu xem hai tác giả chú giải về hai loài thú này trong Thánh Kinh.
1. Bản Văn Tin Mừng nói đến a. Con lừa Tin Mừng thánh Luca (19,28-36)
Nói những lời ấy xong, Đức Giêsu đi đầu, tiến lên Giêrusalem. Khi đến gần làng Bếtphaghê và làng Bêtania, bên triền núi gọi là núi Ôliu, Người sai hai môn đệ và bảo: "Các anh đi vào làng trước mặt kia.Khi vào sẽ thấy một con lừa con chưa ai cưỡi bao giờ, đang cột sẵn đó. Các anh cởi dây ra và dắt nó đi. Nếu có ai hỏi: "Tại sao các anh cởi lừa người ta ra", thì cứ nói: "Chúa có việc cần dùng! Hai người được sai liền ra đi và thấy y như Người đã nói. Các ông đang cởi dây lừa, thì những người chủ nói với các ông: "Tại sao các anh lại cởi lừa người ta ra? " Hai ông đáp: "Chúa có việc cần dùng."
Các ông dắt lừa về cho Đức Giêsu, rồi lấy áo choàng của mình phủ trên lưng lừa, và giúp Người cưỡi lên. Người đi tới đâu, dân chúng cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường.
Tin Mừng Thánh Matthêu (21, 1-7).
Khi thầy trò đến gần thành Giêrusalem và tới làng Bếtphaghê, phía núi Ôliu, Đức Giêsu sai hai môn đệ và bảo: "Các anh đi vào làng trước mặt kia, và sẽ thấy ngay một con lừa mẹ đang cột sẵn đó, có con lừa con bên cạnh. Các anh cởi dây ra và dắt về cho Thầy. Nếu có ai nói gì với các anh, thì trả lời là Chúa cần đến chúng, Người sẽ gởi lại ngay." Sự việc đó xảy ra như thế để ứng nghiệm lời ngôn sứ: 'Hãy bảo thiếu nữ Xion: Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi hiền hậu ngồi trên lưng lừa, lưng lừa con, là con của một con vật chở đồ.
Các môn đệ ra đi và làm theo lời Đức Giêsu đã truyền. Các ông dắt lừa mẹ và lừa con về, trải áo choàng của mình trên lưng chúng, và Đức Giêsu cưỡi lên.
Tin Mừng Thánh Gioan (12, 14 )
Đức Giêsu gặp một con lừa nhỏ, liền cưỡi lên như có lời chép:“Hỡi thiếu nữ Sion đừng sợ! Này Đức Vua của ngươi ngự đến, ngồi trên lưng lừa con”.
b. Con gà Theo Matthêu:
* Bấy giờ ông Phêrô liền thốt lên những lời độc địa và thề rằng, "Tôi không biết người ấy". Ngay lúc đó, có tiếng gà gáy.(Mt 27,74)
* Ông Phêrô sực nhớ lời Chúa Giêsu đã nói, "Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần". Ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết. (Mt 27, 75)
Theo Marcô:
* Ông Phêrô sực nhớ điều Chúa Giêsu đã nói với mình, "Gà chưa kịp gáy hai lần, thì anh đã chối Thầy đến ba lần". (Mc 14, 72)
Theo Luca:
* Nhưng ông Phêrô trả lời, "Này anh, tôi không biết anh nói gì!" Ngay lúc ông còn đang nói, thì gà gáy. (Lc 22, 60 )
* Chúa quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông, "Hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần".Và ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.. (Lc 22, 61)
Theo Gioan:
*Một lần nữa ông Phêrô lại chối, và ngay lúc ấy gà liền gáy. (Ga 18, 27)
2. Biểu tượng và ý nghĩa trong Thánh Kinh (Toàn bộ phần chữ nghiêng dưới đây trích từ Sách đã dẫn )
a. Con lừa Tân ước viết: “Đức Giêsu sai hai môn đệ và bảo: “Các anh đi vào làng trước mặt kia, và sẽ thấy ngay một con lừa mẹ đang cột sẵn đó, có con lừa con bên cạnh. Các anh cởi dây ra và dắt về cho Thầy” (Mt 21, 2-3). “Khi vào sẽ thấy một con lừa chưa ai cỡi bao giờ, đang cột sẵn đó” (Lc 19, 30). “Một con lừa nhỏ” (Ga 12,14 )
Cựu Ước thì nói nhiều về lừa hơn, đôi khi với số lượng lớn: “Và lừa của họ lên tới 6270 con” (ESD 2,67). Nhưng trong Cựu ước, thủ lãnh là sách nói nhiều hơn cả về lừa. Từ con lừa đầu tiên được đề cập đến con lừa mà từ lưng nó Aska nhảy xuống (1, 14) đến con lừa cuối cùng, con lừa chở xác tì thiếp của Lêvi (19, 28), đã có vô số con lừa được nêu lên. Đó là “Những con lừa trắng” trong bài ca của Debora: “Hỡi những ai cưỡi lừa trắng,hỡi những kẻ ngồi thảm hoa, hỡi khách bộ hành, hát lên đi” (T 15, 10). Tiếp đến là lừa con,. “Ông cưỡi bảy con lừa” (12, 14). Và thủ lãnh Yair, “ông có ba mươi người con, cưỡi ba mươi con lừa” (10, 4). (Xem chương 17, từ Trang 205-206 Sđd).
Từ Sáng thế, lừa đã có mặt như một con vật mang tính biểu tượng của một trong những người con của Giacob: “Issacahar là con lừa xương cốt mạnh mẽ, nằm giữa chuồng súc vật. Nó thấy rằng nghỉ ngơi là tốt, và xứ sở tươi xinh. Nó khòm lưng chở nặng, nó phải làm việc khổ sai như tôi đòi!( Sáng thế 49. 14-15).
Bản Targum chú giải câu kể trên như sau: “Issacahar phải gánh vác trách nhiệm và kinh Torah, và đó là sự nhận biết những quyết tâm của các thời đại. Issacahar thấy rằng thế giới sắp được nghỉ ngơi và đó là điều tốt, và phần đất Ixraen của chàng là tươi đẹp: Vì vậy chàng nghiêng vai để nghiên cứu kinh Torah, và các anh em của chàng mang quà đến biếu chàng” (T Add 27031). Rõ ràng, gánh nặng phải mang vác ở đây là nghiên cứu kinh Torah! Điều đó làm sáng tỏ lời của Đức Giêsu: “Hãy đến với ta, hỡi những ai khốn khổ và phải còng lưng dưới gánh nặng” (của sự nghiên cứu Luật)
Nói khác hơn, Đức Giêsu rao giảng những điều để nhớ và mang lại sự thỏa mãn khi người ta hiểu những lời của Ngài.
Như vậy, môn đệ cũng tựa như một con lừa. Đó là điều mà Isaie đã nói từ lâu, theo cách của ông: “Con bò còn biết chủ, con lừa còn biết cái máng cỏ nhà chủ nó, Nhưng Ixraen thì không biết, dân ta chẳng biết gì” (Trích đoạn từ trang 212 đến 218 đề cập đến con lừa trong Cựu Ước).
Với đoạn kết chương 17, Tác giả viết: “Hãy lưu ý rằng trong câuchuyện và lễ hiến sinh của ông Abraham, lừa được liên kết với con chiên hoặc con dê con: ‘Ông Abraham dậy sớm, thắng lừa, đem theo hai đầy tớ và con ông là Isaac’. Hoặc trong câu chuyện những con lừa cái bị thất lạc, ta thấy Saul phải hiến sinh những con chiên. Saul sau đó được xức dầu tấn phong Vua và Thần khí của Thượng đế đậu xuống trên ông, và người ta đã tìm thấy những con lừa thất lạc.
Như thế Đức Giêsu tiến vào Giêrusalem ở cương vị là VUA là con chiên hiến sinh.
b. Con gà Cũng như con lừa, gà trống được xem như con vật đặc biệt thông minh. Nhưng lừa có cái công là mang vác gánh nặng và gà trống thì loan báo bình minh và đánh thức nông trang đang say ngủ...
... Đức Giêsu đi vào Giêrusalem trên con lừa để cho thấy rằng Ngài là Vua của vũ trụ, là chủ của sự mạc khải trong thể xác của Ngài và rằng thân xác đó chỉ là tấm vải che tính thiêng thánh của Ngài. Vậy ai có thể đánh thức một trí tuệ như thế? Con gà. Không có gà thì không có đánh thức, không có trí tuệ, và do đó, có sự phản bội. Đó là trải nghiệm cay đắng mà Phêrô phải nếm trải. Gà trống tượng trưng cho tính nhạy cảm của xác thịt đối với ánh sáng tự nhiên đã có. Cái thể xác có thể hư hỏng biến chất đó- là tà dục- có thể được tái sinh không hư hỏng biến chất. Đó là điều được thánh Phaolô khẳng định: “Thưa anh em, điều tôi muốn nói là thể xác và khí huyết không thể thừa hưởng Nước Thiên Chúa được, cũng như cái hư nát không thể thừa hưởng sự bất diệt được. Đây tôi nói cho anh em biết mầu nhiệm này: ‘Không phải chúng ta sẽ chết, nhưng tất cả chúng ta sẽ được biến đổi trong giây lát, trong một nháy mắt, và khi tiếng kèn cuối cùng vang lên. Vì tiếng kèn sẽ vang lên, và những kẻ chết sẽ trỗi dậy mà không còn hư nát. Còn chúng ta, chúng ta sẽ được biến đổi. Quả vậy cái thân phải hư nát này sẽ mặc lấy sự bất diệt, và cái thân phải chết này sẽ mặc lấy sự bất tử”. (L Co 15, 50-53).
Điều đó sẽ diễn ra trong tiếng kèn... hay tiếng gà gáy sáng? Thể xác và khí huyết trước tiên có tính tâm thần và sau đó, theo đúng trình tự, có tính tinh thần. Gà trống thì báo tin về ánh sáng, gà mái thì đón nhận ánh sáng nơi đáy mắt để tạo ra trứng
... Và Đức Giêsu tự so sánh mình với một con gà mái, muốn ấp lấy đàn gà con...sợ chúng bị vồ bởi loài thú ăn thịt!( xem Sđd, chương 18, từ trang 219-222).