các vị lãnh đạo và các đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Khánh Hòa tại Đại hội |
Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Khánh Hòa lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề “Nhân dân các dân tộc tỉnh Khánh Hòa bình đẳng, đoàn kết, đổi mới, hội nhập và phát triển” diễn ra ngày 11/10/2024, tại Tp.Nha Trang.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr chúc mừng những kết quả đã đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các DTTS tỉnh; biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của đồng bào các DTTS trên địa bàn đã chung sức, đồng lòng, từng bước làm “thay da, đổi thịt” vùng DTTS và miền núi của tỉnh, góp phần cùng với đồng bào DTTS cả nước thực hiện công cuộc đổi mới, bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.
Qua 5 năm qua, thực hiện Quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các DTTS giai đoạn 2019-2024, Đảng bộ và chính quyền Khánh Hòa đã có nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn để phát triển kinh tế xã hội đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi. Qua đó, cùng với sự nổ lực của các cấp chính quyền và người dân, đến nay địa phương đã có được nhiều thành tựu đáng kể. Trong đó, kết cấu hạ tầng đáp ứng sự phát triển của địa phương; đời sống của đồng bào DTTS không ngừng được nâng cao; tỷ lệ thoát nghèo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi giảm 6,2%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng 1,9 lần so với năm 2020…
Khánh Hòa đã từng bước phát huy tiềm năng, lợi thế, nâng cao đời sống kinh tế xã hội ở vùng đồng bào DTTS và miền núi; khối đại đoàn kết ngày càng được quan tâm… Trong vùng đồng bào DTTS đã xuất hiện ngày càng nhiều gương điển hình trong học tập, công tác, lao động sản xuất kinh doanh ngày càng có nhiều mô hình để thi đua phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Ông Y Vinh Tơr trao bằng khen của Ủy ban Dân tộc cho 5 cá nhân người đồng bào DTTS xuất sắc |
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của các tổ chức chính trị và đặc biệt là sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh. Đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã nỗ lực, cùng với đồng bào DTTS trên cả nước chung tay góp phần làm cho kinh tế xã hội đất nước ngày càng nâng cao.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr cũng đề nghị các cấp chính quyền và người dân vùng đồng bào DTTS của tỉnh không ngừng nỗ lực, phấn đấu để có những thành tựu mới cao hơn. Trong đó, địa phương cần nhận định rõ các thuận lợi, tiềm năng, lợi thế và các khó khăn, thách thức của các địa phương vùng DTTS và miền núi để tiếp tục đổi mới, đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp thực hiện hiệu quả, bền vững cho giai đoạn 2024 - 2029, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng gắn với các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ mới.
“Địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS, thực hiện tốt hơn nữa công tác dân tộc, chính sách dân tộc, trong đó chú trọng đẩy mạnh triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển về giáo dục, y tế, văn hóa ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt các chính sách như giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giải quyết về đất ở, nhà ở, cũng như các chính sách thu hút đầu tư vào vùng DTTS…”
Tại Đại hội, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã gợi ý một số vấn đề nhằm tiếp tục phát huy mạnh mẽ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy truyền thống cách mạng của Nhân dân Khánh Hòa và những thành tựu đã đạt được để thực hiện hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Khánh Hòa lần này đã đề ra.
Trong đó, các cấp ủy, chính quyền, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cần tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; chăm lo xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc các cấp và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở vùng đồng bào DTTS và miền núi thật sự có tâm, có tầm và có trách nhiệm cao đối với nhiệm vụ được giao.
Đồng bào các DTTS vừa là đối tượng thụ hưởng và vừa là đối tượng trực tiếp tham gia thực hiện hầu hết các chương trình, chính sách dân tộc; vì vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động Nhân dân tham gia thực hiện chương trình, chính sách phải được xem là nhiệm vụ trọng tâm và trước tiên để đảm bảo tất cả đồng bào các DTTS đều biết được quyền lợi của mình để tích cực, trách nhiệm khi tham gia vào các chương trình.
Trong 5 năm qua, tỉnh đã đầu tư 5.600 tỷ đồng cho địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia đã tập trung đầu tư, hỗ trợ địa bàn xã, thôn đặc biệt khó khăn triển khai thực hiện các chính sách như: Hỗ trợ xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; đầu tư cơ sở vật chất văn hóa, y tế, giáo dục, đường giao thông; hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo việc làm, nâng cao thu nhập người dân… đã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản. Cơ sở hạ tầng thiết yếu từng bước được đầu tư hoàn thiện nhằm phục vụ dân sinh và sản xuất, lưu thông hàng hóa tại địa phương.
Khánh Hòa cũng đã xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách đặc thù để hỗ trợ công tác giáo dục và đào tạo, phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân vùng DTTS; hỗ trợ xây dựng mới 1.177 căn nhà cho hộ nghèo; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 260 hộ nghèo thiếu đất sản xuất; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 293 hộ, hỗ trợ 48 mô hình sinh kế cộng đồng với 871 hộ tham gia, đào tạo nghề cho hơn 1.000 người... Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS đã được bảo tồn, phát huy.
Đến nay, thu nhập bình quân của người DTTS đạt 26 triệu đồng/người/năm, tăng 1,9 lần so với năm 2020; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm; 100% trường, lớp ở vùng đồng bào DTTS được xây dựng kiên cố và gần 70% trường học có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia; 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 95,4% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng…
Đến tháng 8/2024, vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có 3/28 xã đạt chuẩn nông thôn mới, số tiêu chí đạt chuẩn bình quân chung trên địa bàn 28 xã là 13,9 tiêu chí/xã. Đến cuối năm 2023, số hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh giảm còn 7.298 hộ, giảm 3.528 hộ nghèo; số hộ cận nghèo giảm còn 12.657 hộ, giảm 3.821 hộ cận nghèo; tỷ lệ nghèo đa chiều toàn tỉnh giảm 2,3%.../.