Tôn kính tổ tiên ngày đầu năm mới (ảnh:CTV)
Những ngày trước Tết và những ngày Tết luôn là thời gian bận rộn. Ngoài việc lo chuẩn bị sắm Tết, người Công giáo còn lo những công việc về tôn giáo về tâm linh. Khu nhà thờ, nhà xứ được sửa sang, chăng đèn, kết hoa, nhiều xứ dựng cổng chào.
Phần nhiều các giáo xứ ở miền Bắc và miền Trung dịp áp Tết giáo dân ra vườn thánh sửa sang, dọn dẹp lại mộ chí của người thân đã khuất. Người ta quét vôi, lau chùi bia mộ hoặc ảnh của người quá cố gắn phía trước mộ. Nhiều nhà mang hoa, nến đặt và thắp cùng với lời cầu nguyện. Ở giáo xứ Đốc Sơ (thành phố Huế) khi đi chạp mộ người thân, người Công giáo còn chạp cả mộ không có người chăm sóc gọi là “cô mộ” dù biết đó không phải là mộ của người đồng đạo. Điều này cho thấy ý thức cộng đồng của người Công giáo không chỉ đối với cộng đồng đang tồn tại mà cả cộng đồng với những người qua đời. Bởi dù đồng đạo hay khác đạo tất cả đều là con người, rộng ra là con người của làng quê, của đất nước đã từng cùng với ông cha họ chung lưng đấu cật xây dựng và bảo vệ quê hương.
Người Công giáo xứ Tử Nê (Bắc Ninh) có thói quen chiều ngày 30 Tết anh em bà con trong họ tộc tề tựu về nhà trưởng tộc sum họp, chia sẻ nhau về nguồn cội, nhắc nhở nhau về làm ăn, cư xử, đặc biệt là việc sống đạo, sống đời.
Từ trước khi Giáo hội chính thức cho phép người Công giáo Việt Nam được thực hiện tôn kính tổ tiên, đã có nhiều hình thức tưởng niệm, đặc biệt là thực hiện đạo hiếu trong ngày xuân. Gia nhập đạo, một mặt giữ vững tín lý kính Chúa, mặt khác còn là yêu người thể hiện trong 10 điều răn. Điều răn đầu tiên của Yêu người – Điều thứ tư: Thảo kính cha mẹ.
Trong cuốn sách giáo lý Phép giảng tám ngày, Alexandre de Rhodes mà người Việt Nam quen gọi là cha Đắc Lộ đưa ra khái niệm Thần học tam phụ. Theo cha Đắc Lộ, Tam phụ - Ba cha – Thiên Chúa, vua chúa, cha mẹ theo thứ tự: Thượng phụ, Trung phụ, Hạ phụ. Hạ phụ là cha mẹ. Ngài viết: “Vì chúng ta có cha mẹ thì mới được thân xác thịt này mà chớ… ta chịu ơn mẹ vì có chịu thai, mà ta ở trong lòng mẹ chín tháng mười ngày, chịu khốn khó mà đẻ ta, đoạn ba năm bú mớm. Có khi thì mẹ cất của miệng mình mà cho con ăn; cũng có khi cha mẹ ăn miếng đắng, miếng ngon để dành cho con. Lại có khi mẹ nằm chốn ướt, mà chỗ ráo để con nằm. Cha mẹ đẻ con đoạn thì lo việc nuôi nấng. Vì vậy có khi thì cha mẹ thức sớm chẳng ngủ, mà làm nghề nọ nghề kia, chạy ngược chạy xuôi, kiếm của mà nuôi con. Thật con thảo kính cha mẹ thì thậm phải. Ví bằng chẳng có ai thảo kính, chẳng khứng vâng phép cha mẹ, thật thì có tội trọng” (tr.18).
Linh mục Phêrô Trần Lục (1825-1899), tục gọi là Cụ Sáu, chính xứ Phát Diệm (Kim Sơn, Ninh Bình) trong Hiếu tự ca với trên một nghìn câu thơ viết theo thể lục bát nói về công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ đối với con cái và trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ:
Rằng công cha mẹ sinh thành
Thì ta lại lấy xác mình đền công
Hoặc trong Nữ tắc thường lễ:
Tiên vàn thảo kính mẹ cha
Coi người như thể thật là Chúa Dêu
(Sách Ca vè cụ Sáu đã làm)
Nhận thức được công ơn trời bể của cha mẹ, ông bà tổ tiên như vậy nên người Công giáo luôn coi trọng hiếu đễ, nuôi nấng chăm sóc bố mẹ, thảo kính với bố mẹ, ông bà khi họ còn sống và tưởng niệm khi họ qua đời với các hình thức khác nhau. Ngoài việc lo tang lễ, chăm sóc phần mộ, xin lễ bàn thờ mỗi dịp tưởng niệm ngày người qua đời ở nhà thờ, người Công giáo còn tỏ bày lòng thành với người thân quá cố vào dịp Tết xuân sang.
Trong ba ngày Tết, ngày mồng Ba Tết người Công giáo dành để kính nhớ tổ tiên. Ở giáo xứ Lưu Phương giáo phận Phát Diệm từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 người dân đón ba ngày Tết với nội dung: Mồng Một cầu cho Đức Chúa Cha, mồng Hai cầu cho Đức Chúa Con và Chúa Thánh Thần, mồng Ba cầu cho ông bà tổ tiên.
Hiếu đễ không chỉ đối với người qua đời mà còn đối với cha mẹ, anh em nội ngoại những người còn sống. Hầu hết phong tục đón Tết, mừng xuân của người Việt truyền thống đều được người Công giáo thực hiện như: mồng Một Tết cha (bên nội), mồng Hai Tết mẹ (bên ngoại) mồng Ba Tết thày (thày dạy học). Ngày Tết còn là dịp người Công giáo chúc Tết anh em họ hàng thân thuộc.
Trong một bức thư gửi bổn đạo địa phận Tây Đàng Ngoài đề ngày 8/5/1805, Giám mục địa phận có nói về ngày Tết Nguyên đán. Nội dung Thư chung cho rằng: Ngày Tết là dịp anh em họ đương đi thăm nhau, mừng tuổi nhau, ăn uống cùng nhau, những thói ấy là thói lành… Kẻ có đạo phải nhớ rằng chỉ có một cách thảo kính cha mẹ tổ tiên cho phải phép và sinh ích cho linh hồn người là dâng việc lành phúc đức đọc kinh cầu nguyện chỉ cho người; nhân vì lẽ ấy khi hội họp nhau ăn giỗ, ăn Tết thì nên đọc ít nhiều kinh trước, đoạn mới ăn uống với nhau.
Hiếu đễ ngày xuân của người Công giáo Việt Nam không chỉ thể hiện trong gia đình, trong cộng đồng những người đồng đạo mà còn thể hiện với những người khác đạo nhất là đối với những người có công với cộng đồng. Ở giáo xứ Lưu Phương (Kim Sơn, Ninh Bình), ngày Tết, giáo dân cử đại diện tham dự lễ tế “Truy tư tiền nhân” ở miếu Lưu Phương. Tiền nhân là những người nguyên mộ, chiêu mộ, thứ mộ, chiêu dân lập làng. Vì đây là làng khai hoang lấn biển thời vua Minh Mạng do Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ tiến hành. Phần lớn những người chiêu dân lập ấp Lưu Phương đều không phải là tín hữu Công giáo. Sau khi Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ qua đời, người dân huyện Kim Sơn (cả người Lương và người Giáo) lập đền thờ, thờ cúng. Đến nay hầu hết các làng ở Kim Sơn đều thờ Nguyễn Công Trứ là thành hoàng làng. Ngày Tết người Lương cũng như người Giáo đến thắp hương tưởng niệm ông.
Việc truy tư tiền nhân làng còn thấy ở không ít các làng xã ở huyện Kim Sơn (Ninh Bình), Tiền Hải (Thái Bình) là những vùng đất mới mở thời Nguyễn. Phần lớn những làng xã này trước đây là làng Công giáo toàn tòng.
Từ sau Công đồng Vatican II (1962 - 1965) đặc biệt là từ khi Giáo hội cho phép người Công giáo Việt Nam được thực hành tôn kính tổ tiên thì “Đạo hiếu ngày xuân của người Công giáo” càng có dịp thuận lợi để thực hành; lập gia phả, tìm về tông tộc. Ngày Tết cử đại diện đến dâng hương ở nhà thờ đại tộc có thể thấy ở dòng họ Lại, giáo xứ Cồn Thoi (Kim Sơn, Ninh Bình), đặc biệt là dòng họ Vũ, vốn coi họ Vũ ở làng Mộ Trạch (Hải Dương) là đại tộc nên không chỉ có giáo dân mà cả những linh mục, Giám mục họ Vũ ở giáo phận Hải Phòng ngày Tết trở về nhà thờ đại tộc dâng hương. Cá biệt có họ tộc người Công giáo xây từ đường tổ họ như dòng họ Phạm Quang ở thôn Phù Tải (nay là thôn Giải Tây, xã An Đỗ huyện Bình Lục, Hà Nam).
Tết đến, xuân về không chỉ là dịp đoàn tụ, sum vầy của người sống mà còn là dịp để người sống được tỏ bày lòng hiếu thảo với tổ tiên với một quan niệm “ẩm thủy tư nguyên – uống nước nhớ nguồn”. Bên mâm cơm đoàn tụ, trong làn khói ngát hương thơm mọi người lại bồi hồi tưởng nhớ về ông bà tổ tiên và thầm hứa một năm mới sẽ làm được nhiều việc tốt hơn như là những nén tâm hương dâng lên tiên tổ.
Nguyễn Hồng Minh Uyên