Tin tức - Hoạt động

Để văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc tạo động lực cho sự phát triển

Cập nhật lúc 18:27 30/11/2023
Tỉnh Gia Lai có 44 dân tộc cùng sinh sống. Để tài sản văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc tạo động lực cho sự phát triển, Gia Lai đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp bảo tồn, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Thị xã Ayun Paf, tỉnh Gia Lai có 49 thôn, buôn, tổ dân phố, trong đó có 24 thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Trong quá trình hình thành và phát triển, đồng bào các dân tộc nơi đây đã tạo nên nét bản sắc văn hóa phong phú và độc đáo riêng có của vùng đất Ayun Pa. Tuy nhiên, dưới sự tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc Jrai có nguy cơ mai một.

Ban Thường vụ Thị ủy đã ban hành Chương trình số 08-CTr/TU ngày 1-12-2008 về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới. Theo đó, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội cụ thể hóa nội dung chương trình vào kế hoạch, hoạt động của các địa phương, cơ quan, đơn vị. Đồng thời, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai các nội dung Luật Di sản văn hóa nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn.

 
Biểu diễn cồng chiêng tại Gia Lai
Biểu diễn cồng chiêng tại Gia Lai

Qua kiểm kê, toàn thị xã hiện có 115 bộ cồng chiêng, trong đó có 597 chiếc chiêng bằng, 1.212 chiếc chiêng núm. Thị xã cũng đã tổ chức 4 lớp truyền dạy cồng chiêng tại các trường học, thôn, buôn. Đồng thời, hỗ trợ trang bị bộ cồng chiêng cho các trường THCS của 4 xã và Trường THCS Dân tộc Nội trú thị xã. Hiện trên địa bàn thị xã có 10 đội cồng chiêng thường xuyên hoạt động.

Cùng với đó, thị xã làm tốt công tác sưu tầm, tổ chức phục dựng các lễ hội của người Jrai như: lễ cầu mưa, cúng bến nước, lễ cưới truyền thống... Công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, đặc biệt là các loại hình như: kể khan, hát dân ca; phát triển ngành, nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, đan lát, làm rượu cần, tạc tượng… cũng được chú trọng. Bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, việc xã hội hóa công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của đồng bào DTTS được chú trọng triển khai. Đặc biệt, Dự án “Giữ gìn và tiếp nối những giá trị văn hóa dân tộc Jrai tại xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai” của chị Ksor HNhi (buôn Rưng Ma Nin, xã Ia Rbol) được Hội đồng Anh phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam lựa chọn tài trợ thực hiện.

Theo thống kê, toàn tỉnh còn lưu giữ trên 5.600 bộ cồng chiêng, có khoảng 900 nghệ nhân đánh chiêng giỏi và 60 nghệ nhân biết chỉnh chiêng… Có thể nói, đây là nguồn tài sản, tài nguyên vô cùng phong phú và đa dạng đã được lưu giữ, truyền trao qua bao thế hệ… Bên cạnh đó tỉnh có 2 Quần thể di tích và Di tích được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt. Đó là Quần thể di tích Tây Sơn Thượng Đạo và Di tích khảo cổ Rộc Tưng – Gò Đá. Bộ rìu đá An Khê cũng đã được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Thiết chế tín ngưỡng trong khu di tích lịch sử Tây Sơn Thượng Đạo
Thiết chế tín ngưỡng trong khu di tích lịch sử Tây Sơn Thượng Đạo
Ngày 07/9/2022, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch số 2008 về triển khai thực hiện Quyết định số 1909 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Một số mục tiêu của đề án, phấn đấu đến năm 2030: 100% di tích quốc gia đặc biệt, khoảng 80% di tích quốc gia, 80% di tích cấp tỉnh được tu bổ, tôn tạo; 70% di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được xây dựng đề án, chương trình bảo vệ và phát huy giá trị…
Bên cạnh đó, Gia Lai cũng đang thực hiện Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình mục mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, đầu tháng 10.2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra mắt Chương trình “Sắc màu Văn hóa Gia Lai – Bảo tồn và phát triển” tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh Gia Lai. Chương trình được xác định là mô hình đưa không gian làng về phố nhằm quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số Gia Lai, đồng thời tạo nên không gian để người dân và du khách có thể trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa đặc trưng của các dân tộc…

Theo đó, tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình thực tế, đưa không gian văn hóa từ làng ra phố, như: “Sắc màu văn hóa Gia Lai – Bảo tồn và phát triển”; “Cồng chiêng cuối tuần – Thưởng thức và trải nghiệm”; Ngày hội văn hóa các DTTS, Festival văn hóa cồng chiêng Gia Lai… Từ các chương trình với nội dung thiết kế phong phú, đặc sắc, ý thức trân trọng của cộng đồng đối với di sản văn hóa đã được nâng lên. Đây chính là cơ hội thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” Gia Lai phát triển…

Tỉnh Gia Lai xác định việc xây dựng và phát triển văn hóa là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài, gắn với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh trong từng giai đoạn. Đồng thời, phát huy mọi nguồn lực phát triển để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh./
 TH
 
Thông tin khác:
Bảo tồn, phát huy nghề truyền thống của dân tộc Tày (30/11/2023)
Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên (30/11/2023)
Tập trung thực hiện nhiều nhóm giải pháp phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (29/11/2023)
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến tiếp đoàn đại biểu cấp cao Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc (29/11/2023)
Giao lưu hữu nghị giữa MTTQ Việt Nam và Chính hiệp Trung Quốc lần thứ hai (29/11/2023)
Hòa Bình: Đẩy mạnh hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số (29/11/2023)
Nhiều hoạt động hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Vĩnh Long (29/11/2023)
Yên Bái: Kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số có bước phát triển (29/11/2023)
Quy định mới về công nhận người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (27/11/2023)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log