Các vị đại biểu tham dự Hội nghị cộng tác viên báo Người Công giáo Việt Nam năm 2019. |
Đây là một sự kiện trọng đại có tính tổng kết, đánh giá những hoạt động, những việc làm của phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo nói chung, cũng như của tổ chức Ủy ban Đoàn kết Công giáo các cấp nhiệm kỳ qua và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tiếp theo. Trong đó không thể không nói tới vai trò quan trọng của cơ quan ngôn luận của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam (UBĐKCGVN) là tuần báo Người Công giáo Việt Nam.
Kể từ khi mang danh xưng Báo Người Công giáo Việt Nam (BNCGVN) đến nay là vừa tròn 40 tuổi, được khởi đi từ Đại hội đại biểu toàn quốc những người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hoà bình tháng 11 năm 1983. Nếu kể cả tờ báo tiền thân của BNCGVN là Báo Chính nghĩa ra đời năm 1955 thì đến nay BNCGVN có tuổi đời 68 năm. Như thế để chúng ta có quyền tự hào về bề dày lịch sử mà không phải bất kỳ ấn phẩm báo chí nào trong làng báo chí Việt Nam cũng có được.
Việc ra đời BNCGVN được xem là yêu cầu cần thiết nhằm đáp ứng tình hình nhiệm vụ trong giai đoạn mới cũng như sự đổi mới về tổ chức và hoạt động của phong trào Công giáo yêu nước đặt ra những năm 80 của thế kỷ trước. Đúng như bài viết đăng trang nhất số ra đầu tiên BNCGVN của linh mục Huỳnh Công Minh, người được Đoàn Chủ tịch UBĐKCG Việt Nam phân công phụ trách tờ báo đã chỉ rõ: “Ngày nay hơn bao giờ hết, người Công giáo yêu nước chúng ta nhận thức được rằng chúng ta không thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mới mà đất nước chuyển qua giai đoạn mới đang đặt ra cho chúng ta nếu chúng ta không có một tổ chức mới tiêu biểu cho phong trào yêu nước của giới chúng ta cùng với cơ quan ngôn luận của nó”. Như thế để thấy vị trí, vai trò, trách nhiệm của BNCGVN tuy rất nặng nề nhưng cũng rất vinh dự. Người ta vẫn thường nói báo chí phải là người thư ký trung thành của thời đại, là tấm gương phản chiếu thời đại, đồng thời định hướng dư luận xã hội và hướng tới tương lai. Nhìn lại chặng đường 40 năm qua có thể nói chúng ta có quyền tự hào về những gì mà BNCGVN đã làm được mặc dù trong những hoàn cảnh có không ít khó khăn, trở ngại cả về mặt khách quan và chủ quan.
Cũng giống như cơ quan chủ quản của mình là UBĐKCGVN, những người làm BNCGVN cũng phải đương đầu với nhiều thử thách, khó khăn. Đó là chúng ta đang đi trên con đường không phải lúc nào cũng êm ái, mát mái xuôi chèo mà ngược lại nhiều lúc phong ba, ghềnh thác. Đã có lúc ngay tên gọi của tổ chức cũng có nhiều người suy diễn khác nhau chỉ bởi từ “đoàn kết” hay “yêu nước” với cái nhìn nghi ngại từ mọi phía về vai trò nhiệm vụ của tổ chức này. Có nhiều áp lực, ưu tư và trăn trở. Một bên là sự đòi buộc của giáo lý, giáo luật, một bên là trách nhiệm công dân sao cho hài hoà trọn vẹn. Như thế để thấy rằng tham gia và hoạt động trong tổ chức này đòi hỏi sự can đảm, kiên trì và sự dấn thân với đúng nghĩa của nó mới có thể tiếp tục đi trên con đường này. Và những người làm BNCGVN cũng phải xác định như vậy. Chính trong bối cảnh đặc thù với những khó khăn như vậy chúng ta càng trân trọng những gì mà BNCGVN đã làm được.
Hiệp sĩ Đại Thánh giá Gioan Baotixita Lê Đức Thịnh chụp ảnh lưu niệm với tập thể Báo NCGVN. |
Trước hết phải thấy rằng tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên BNCGVN đã có những nỗ lực, không ngừng vươn lên, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nói về cơ sở vật chất phục vụ công việc làm báo thì có lẽ BNCGVN thuộc loại khó khăn và nghèo nàn nhất. Máy tính, trang thiết bị, phương tiện làm việc đều cũ kỹ, lạc hậu. Tài chính eo hẹp, nhuận bút thuộc dạng thấp nhất vì vậy việc mở các hội nghị công tác viên hoặc mời gọi mọi người tham gia viết bài, hay việc tổ chức cho cán bộ phóng viên đi cơ sở lấy tư liệu viết bài vô cùng khó khăn. Đã thế lực lượng trực tiếp viết bài trong toà soạn lại rất mỏng cho nên không tránh khỏi tình trạng “ăn đong”, bị động về bài vở… Đó là bài toán vô cùng nan giải đòi hỏi lãnh đạo và toàn thể cán bộ trong toà soạn phải cùng nhau trao đổi để có giải pháp khắc phục vượt qua với sự nỗ lực phi thường mới có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao. Và BNCGVN đã làm được điều đó. Bằng chứng là một ấn phẩm báo chí với nội dung phong phú, hình thức trang nhã, đều đặn phát hành hàng tuần đế đến với bạn đọc cả nước. Đó là điều cần được khẳng định và ghi nhận.
Báo người Công giáo Việt Nam thăm giáo xứ Cách Tâm, GP. Phát Diệm. |
Có thể nói cảm nhận chung của bạn đọc là BNCGVN trong nhiều năm qua luôn đi đúng tôn chỉ mục đích đã đề ra, kết hợp hài hoà giữa đạo và đời, là tiếng nói của UBĐKCGVN - một tổ chức xã hội, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hoạt động theo Hiến pháp, pháp luật và đường hướng mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam là “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”. Điều đáng nói là trong những năm gần đây, tờ báo ngày càng khởi sắc, có nhiều cải tiến để nâng cao chất lượng nội dung và đẹp về hình thức.
Với 24 trang trong khuôn khổ như hiện nay, tờ báo đã xây dựng và định hình các chuyên mục rất thiết thực, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc không riêng gì người Công giáo mà cả những ai quan tâm tới lĩnh vực này.
Nhân đây cũng nói thêm rằng cũng có những ý kiến bàn về việc muốn thay đổi khuôn khổ của tờ báo, đưa trở lại khổ lớn như tờ Chính Nghĩa ngày trước để khỏi bị nhầm lẫn là tờ Nguyệt san hay Đặc san… Thật ra việc đổi khổ tờ BNCGVN như hiện nay đã diễn ta từ những năm 90 của thế kỷ trước và đã tồn tại hơn 30 năm qua, đã định hình trong lòng bạn đọc và được mọi người đón nhận, tin yêu. Nhưng vấn đề chính muốn nói ở đây chính là sự tiện lợi và những giá trị của khuôn khổ tờ báo. Trước hết đây là tờ báo mà trong đó chứa đựng những nội dung có tính chất thiêng liêng là Lời Chúa, là Kinh thánh, hình ảnh các đấng bậc, được mọi người trân trọng giữ gìn. Đã có rất nhiều độc giả sau một năm tập hợp lại đủ 54 số báo rồi đóng lại thành tập và lưu giữ làm tài liệu tham khảo, vừa nhỏ gọn dễ bảo quản và dễ sử dụng. Khác với nhiều tờ báo khác, khi đọc xong người ta có thể vứt bỏ, làm giấy vụn, hoặc dùng vào các việc khác…Với BNCGVN thì không ai làm thế, vì vậy thiết nghĩ khuôn khổ như hiện nay là rất phù hợp.
Từ những vấn đề nêu trên, những người làm BNCGVN có thể tự hào rằng mình đã và đang cố gắng thực hiện tốt tôn chỉ, mục đích của tờ báo để từng bước hoàn thành nhiệm vụ cao cả mà cấp trên đã trao cho. Để vươn lên làm tốt hơn nữa vai trò cơ quan ngôn luận của UBĐKCGVN, thiết nghĩ BNCGVN cần tiếp tục nghiên cứu, đầu tư nâng cao hơn nữa chất lượng nội dung tin bài, nhất là hướng về phong trào ở cơ sở, các địa phương nơi mà cuộc sống đạo, đời đang diễn ra rất hài hoà, sinh động, phong phú. Toà soạn cần tăng cường việc xây dựng, mở rộng đội ngũ cộng tác viên vì đây là điều sống còn của bất kỳ tờ báo nào, nhất là với BNCGVN khi mà lực lượng phóng viên, trực tiếp viết bài còn quá ít. Toà soạn nên có kế hoạch một năm ít nhất phải tổ chức được một hội nghị cộng tác viên để trao đổi nghiệp vụ, kinh nghiệm và động viên mọi người tham gia viết bài cho báo. Ban biên tập nên bám sát các sự kiện, các chủ đề mục vụ diễn ra trong đời sống Giáo hội Công giáo Việt Nam cũng như Giáo hội hoàn vũ để kịp thời phản ánh thông tin trên tờ báo theo tinh thần Hiệp Hành “củng cố sự hiệp thông” như Giáo hội đề ra. Nếu tổ chức, tiến hành được một vài số chuyên đề về những nội dung này thì tờ báo càng hấp dẫn bạn đọc. Đó là những điều nhiều bạn đọc đang kỳ vọng.
Những khó khăn của BNCGVN còn nhiều và không thể một lúc khắc phục ngay được mà phải từng bước vượt lên. Bên cạnh sự nỗ lực của cán bộ, phóng viên, biên tập viên trong Toà soạn chưa đủ mà rất cần sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện của UBĐKCGVN, cũng như UBMTTQ các cấp để giúp BNCGVN vượn lên hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao.
Nói về BNCGVN có thể còn nhiều vấn đề, nhiều ý kiến cần được trao đổi với một tinh thần mong muốn tờ báo ngày càng khởi sắc hơn. Nhưng đến nay chúng ta có thể thấy rằng tờ báo đã có rất nhiều cố gắng, vươn lên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của UBĐKCGVN. Và những người đang làm việc tại BNCGVN có quyền tự hào về điều đó.