Tin tức - Hoạt động

Hiệp sĩ Đại Thánh giá: Tôi tự hào có ba người mẹ

Cập nhật lúc 10:27 10/10/2023
Với rất nhiều đóng góp thiện lành cho Giáo hội và xã hội, ông Gioan Baotixita Lê Đức Thịnh là người Công giáo Việt Nam và cũng là người châu Á đầu tiên được nhận tước phẩm cao quý - Hiệp sĩ Đại Thánh giá thuộc phẩm hàm Thánh Gregorio do Đức Giáo hoàng Bênêdictô XVI phong tặng.
Tước phẩm Hiệp sĩ Đại Thánh giá có từ năm 1831, thể hiện sự tri ân của Đức Giáo hoàng đối với giáo dân có công lớn trong Giáo hội và xã hội. Nhân dịp Đại hội đại biểu toàn quốc Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023- 2028, Hiệp sĩ Đại Thánh giá Gioan Baotixita Lê Đức Thịnh đã có cuộc trò chuyện và chia sẻ về thực hành đường hướng “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” và phương châm “sống tốt đời, đẹp đạo”.
 
Hiệp sĩ Đại Thánh giá Gioan Baotixita Lê Đức Thịnh (bên trái) và Đức Hồng y Peter Turkson - nguyên Tổng trưởng Thánh Bộ Phát triển Con người Toàn diện.
Hiệp sĩ Đại Thánh giá Gioan Baotixita Lê Đức Thịnh (bên trái) và Đức Hồng y Peter Turkson - nguyên Tổng trưởng Thánh Bộ Phát triển Con người Toàn diện.

Phóng viên: Thi đua yêu nước “sống tốt đời đẹp đạo” là nét đẹp của đồng bào Công giáo và nhiều tôn giáo khác tại nước ta. Là người Công giáo, Hiệp sĩ Đại Thánh giá có thể chia sẻ quan niệm của mình về thi đua yêu nước?
Hiệp sĩ Đại Thánh giá Gioan Baotixita Lê Đức Thịnh: Các tôn giáo tại nước ta đều xác định vai trò, vị thế của mình trong lòng dân tộc Việt Nam, gắn bó, đồng hành, đồng tiến với dân tộc, góp phần phục vụ lợi ích dân tộc. Hội đồng Giám mục Việt Nam đã xác định rõ con đường “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”. Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI gửi tới Giáo hội Việt Nam huấn từ: Người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt. Với các tôn giáo khác, họ cũng đưa ra phương châm hoạt động, Hội thánh Tin lành là “Phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc”;  Cao Đài: “Nước vinh- Đạo sáng”; Phật giáo Hòa Hảo: “Vì đạo pháp, vì dân tộc”;...
Theo tôi, những đường hướng ấy là nền tảng để đồng bào các tôn giáo cùng với chu toàn bổn phận với giáo hội sẽ tích cực đóng góp vào các lĩnh vực của đời sống xã hội theo phương châm “tốt đời, đẹp đạo”. Do vậy, khi phát động thi đua yêu nước sống tốt đời, đẹp đạo, tôi cho rằng, điều cốt yếu là phải thôi thúc, khuyến khích được ý thức tích cực này thành hành động có ích cho cộng động và xã hội. 
Vậy, để góp phần thực hiện đường hướng “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”, Hiệp sĩ Đại thánh giá đã hành động thế nào?
- Tôi tự hào có 3 người mẹ, đó là mẹ thân sinh ra mình, mẹ Tổ quốc và mẹ Giáo hội. Ba người mẹ đó thôi thúc tôi trong các hoạt động để góp phần làm cho đạo và đời ngày càng tốt đẹp hơn.
Là người Công giáo nhưng cũng là người công dân được sinh ra tại Việt Nam, tôi ý thức rằng, xây dựng quê hương, đất nước là việc mà mỗi giáo dân hay công dân đều nên làm, đó cũng là vinh dự và trách nhiệm cao cả, bởi Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nhắn nhủ:  “Bằng đời sống xây nền trên đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng công ích, anh chị em giáo dân phải chứng tỏ rằng là người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt” và Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng nhấn mạnh: Người Công giáo Việt Nam phải là người yêu nước. 
Nội dung “yêu nước” theo tôi cần được đặt trong một ý thức cao là yêu con người, yêu dân tộc và vượt trên tất cả những khác biệt, thậm chí những định kiến, hướng về tương lai để cùng đồng tâm xây dựng đất nước. Hình ảnh một người giáo dân tốt đồng thời là người công dân tốt sẽ góp phần làm cho Giáo hội Công giáo tại Việt Nam ngày càng tỏ rạng hơn trong lòng dân tộc. Tôi tin rằng, đây cũng là điều mà Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và Giáo hội đều mong muốn và mời gọi mỗi người Công giáo trở nên như vậy.
 
Hiệp sĩ Đại Thánh giá Gioan Baotixita Lê Đức Thịnh ủng hộ xây nhà Đại đoàn kết cho người nghèo tại tỉnh Điện Biên.
Hiệp sĩ Đại Thánh giá Gioan Baotixita Lê Đức Thịnh ủng hộ xây nhà Đại đoàn kết cho người nghèo tại tỉnh Điện Biên.

Thời gian vừa qua, Hiệp sĩ Đại Thánh giá đã đồng hành cùng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và nhiều giáo xứ  để xây nhà tình thương giúp người nghèo, trực tiếp dành tình cảm đến thăm hỏi, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, với  tổng số tiền hỗ trợ lớn. Vậy, theo Hiệp sĩ Đại Thánh giá, làm thế nào để nhân lên những việc làm thiện lành này trong xã hội?
- Cảm ơn anh đã động viên! Nhưng tôi thật sự chưa bao giờ thống kê về những gì mình hỗ trợ, bởi dù có là gì thì việc làm đó cũng chỉ là góp chút mọn cùng Giáo hội thực hiện đường hướng Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam: “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”. Qua Thư chung, người Công giáo Việt Nam được mời gọi bày tỏ lòng yêu nước qua chính những gì mình có thể làm để góp phần vào hạnh phúc của đồng bào.
Làm việc thiện là từ tấm lòng bác ái chân thành của bản thân, nhưng theo tôi, nếu chỉ dừng lại ở cá nhân đó thì chưa đủ mà còn phải khởi xướng và nhân lên trong cộng đoàn. Mình làm tốt rồi thu hút người khác cùng tham gia thì thi đua yêu nước mới thực sự lan tỏa để có nhiều nguồn lực hơn trong hoạt động giúp đỡ người kém may mắn, chứ một vài cá nhân thì chỉ như muối bỏ biển.
 
Hiệp sĩ Đại Thánh giá Gioan Baotixita Lê Đức Thịnh và phu nhân tặng quà tại giáo hạt Đức Trọng (Lâm Đồng).
Hiệp sĩ Đại Thánh giá Gioan Baotixita Lê Đức Thịnh và phu nhân tặng quà tại giáo hạt Đức Trọng (Lâm Đồng).


Hiệp sĩ Đại Thánh giá từng nói: “Tìm hạnh phúc ngay từ sự khó khăn”?
- Vâng, tôi đã rút ra điều đó từ chính những gì mình trải qua và quan sát thấy trong đời sống xã hội.
Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nông nghiệp, rất nghèo, nhưng tôi không bao giờ than thở về điều này.  Từ tuổi thiếu niên, tôi đã đi làm giúp gia đình. Mỗi chuyến than tôi chở thuê xong lại thấy mình hạnh phúc vì vừa làm được một việc hữu ích trong lúc khó khăn. Cả gia đình đoàn kết, nỗ lực và yêu thương, tôi cảm nhận được hạnh phúc từ điều này, đó chính là động lực để tôi vươn lên mỗi ngày. Nỗ lực của bản thân, gia đình cùng với ơn Chúa giúp tôi vươn lên tới cuộc sống no ấm. Và giờ đây, tôi luôn cảm nhận được hạnh phúc khi giúp được người khác. Khi cho đi cũng chính là lúc mình nhận được nhiều nhất.
Theo tôi, càng khó khăn thì càng cần phải gắn bó vượt qua, từ trong gia đình đến xã hội cũng thế. Gia đình lúc khó khăn mà không gắn bó, yêu thương thì sẽ dẫn đển đổ vỡ. Đất nước hoạn nạn mà người dân không đoàn kết thì sẽ mãi luẩn quẩn trong khó khăn. Ngược lại khi biết đoàn kết để mỗi người đều nỗ lực thì dù khó đến mấy cũng sẽ tìm thấy hạnh phúc và đi đến thành công, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Đoàn kết, Đại đoàn kết- Thành công, Đại thành công.
Hiệp sĩ Đại Thánh giá còn được biết đến với vai trò cầu nối Đạo- Đời để cùng chăm lo cho người dân trong đó có giáo dân. Vậy kinh nghiệm trong hoạt động này là gì?
- Theo tôi, khi tham gia vào công việc, mình cần xác định lợi ích của giáo dân cũng là của công dân Việt Nam để có cái nhìn khách quan. Tiếp đến là lấy lợi ích chung và đoàn kết dân tộc làm điểm kết nối trong đối thoại, gặp gỡ giữa chính quyền và tổ chức Công giáo. 
Nhà nước ta nhất quán thực hiện chính sách tôn trọng tự do tôn giáo, và không ngừng phát huy giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống tốt đẹp của tôn giáo vào quá trình phát triển đất nước. Quan hệ Việt Nam - Vatican vừa đạt được bước tiến triển rất tốt đẹp. Giáo hội Công giáo Việt Nam quyết tâm gắn bó, đồng hành, đồng tiến cùng dân tộc, xây dựng đất nước. Vì thế nếu có việc xảy ra ở đâu đó, theo tôi chỉ là do chưa hiểu đúng và kịp thời về nhau. Lúc này, đối thoại là cách tốt nhất cho cả hai. Tôi đã tìm gặp cán bộ và linh mục và cả bà con giáo dân để giải thích về nguyện vọng và chính sách, qua đó giúp các bên gặp nhau trong ý tưởng rồi đến hành động để cùng đi đến kết quả mà cả hai đều thấy hợp pháp và có tình. 
Để góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, tôi tổ chức đưa đồng bào tôn giáo nơi vùng sâu, vùng xa đi  thăm quan Thủ đô, gặp gỡ, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng với các vị lãnh đạo ở Trung ương. Qua đó, giúp đồng bào cảm nhận được nhiều hơn, rõ hơn sự phát triển của đất nước cùng chính sách đúng đắn của Nhà nước và sự quan tâm của các vị lãnh đạo với đồng bào các tôn giáo, đồng bào các dân tộc.
Cảm ơn Hiệp sĩ Đại Thánh giá về cuộc trò chuyện này!
An Luých (thực hiện)
Thông tin khác:
Thời cơ mới - kỳ vọng mới (10/10/2023)
Mấy suy nghĩ về Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam (10/10/2023)
Phát huy vai trò của đồng bào Công giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc (10/10/2023)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam qua các kỳ Đại hội (10/10/2023)
Tin tưởng một kỳ Đại hội (09/10/2023)
Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc và là động lực ơn gọi (09/10/2023)
Nhà thờ Mằng Lăng - Công trình kiến trúc tôn giáo cổ kính ở Phú Yên (08/10/2023)
Hà Nội tiếp tục tuyển sinh lớp 10 theo phương thức thi tuyển (08/10/2023)
Bình Phước tập trung nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. (08/10/2023)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log