Tin tức - Hoạt động

Điểm sáng thực hiện phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Cập nhật lúc 17:55 10/07/2023
Trà Vinh là tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống (chiếm hơn 31% dân số toàn tỉnh), điều kiện phát triển kinh tế – xã hội khó khăn, nhưng toàn tỉnh đã tích cực triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (gọi tắt là Chương trình mục tiêu quốc gia) và đã đạt được những kết quả ban đầu rất thiết thực.
Tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc đồng bào dân tộc Khmer Trà Vinh. Ảnh: Như Ngọc
Tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc đồng bào dân tộc Khmer Trà Vinh. Ảnh: Như Ngọc

Tích cực tổ chức triển khai

Năm 2022, là năm đầu tiên tỉnh Trà Vinh tổ chức triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Các đơn vị từ huyện đến xã đã tích cực triển khai công tác điều tra, khảo sát các đối tượng được thụ hưởng chính sách, do đó, ban đầu đã tổng hợp được hồ sơ số đối tượng để làm căn cứ cho công tác giải ngân và triển khai thực hiện.

Kết quả thực hiện năm 2022 cho thấy, toàn tỉnh đã giải ngân được 61.136/167.392 triệu đồng trong tổng nguồn vốn Ngân sách Trung ương triển khai năm 2022 (đạt 36,52%), trong đó, vốn đầu tư phát triển 52.681 triệu đồng, vốn sự nghiệp 8.455 triệu đồng; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 466 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt 825 hộ; đầu tư xây dựng 51/51 công trình hạ tầng thiết phục vụ sản xuất; duy tu bảo dưỡng 21/21 công trình; thành lập mới và duy trì 40 tổ truyền thông cộng đồng giúp phụ nữ nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình, cải thiện sinh kế, tăng thu nhập...

Riêng công tác giải ngân vốn đầu tư, dù thời gian rất ngắn nhưng nhìn chung các địa phương đã rất tích cực tổ chức thực hiện, một số dự án cơ bản đã hoàn thành, một số dự án đã đạt tỷ lệ giải ngân khá cao. Đối với chính sách hỗ trợ đất ở, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức hỗ trợ thì các địa phương tiến hành hỗ trợ đất ở cho 77 hộ, hỗ trợ nhà ở cho 796 hộ, hỗ trợ đất sản xuất cho 17 hộ.

Các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Khmer tại các đơn vị được giám sát đã cơ bản giải quyết được những khó khăn, đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân tại địa phương, như: xây dựng và sửa chữa nhà; khuyến khích đồng bào Khmer phát triển sản xuất, chăn nuôi, tự chủ về kinh tế; các công trình kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hạ tầng giao thông được kết nối tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, kết nối phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Năm 2022, tỉnh giảm 4.803 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, trong đó, có trên 3.200 hộ dân tộc Khmer. Toàn tỉnh hiện còn 5.404 hộ nghèo, chiếm 1,88%, hộ nghèo dân tộc Khmer 3.239 hộ, chiếm 3,89% so với tổng số hộ nghèo. Năm 2023, tỉnh Trà Vinh phấn đấu giảm 0,5% số hộ nghèo, trong đó, hộ nghèo dân tộc Khmer giảm trên 1%.

Trên 625 tỷ đồng phát triển kinh tế, giảm nghèo năm 2023
 
Một địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc Khmer tại huyện Cầu Ngang, Trà Vinh. Ảnh: N Ngọc
Một địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc Khmer tại huyện Cầu Ngang, Trà Vinh.     Ảnh: N Ngọc
Theo Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, tổng mức vốn phát triển kinh tế và giảm nghèo tại tỉnh này là hơn 625,8 tỷ đồng để thực hiện 9/10 dự án theo Chương trình mục tiêu quốc gia (tỉnh không thực hiện Dự án 2: Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết nên chỉ còn 9 dự án), gồm:

Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Mục tiêu hỗ trợ đất ở cho hơn 40 hộ, nhà ở cho hơn 525 hộ; chuyển đổi nghề cho hơn 275 hộ, nước sinh hoạt phân tán cho hơn 38 hộ; đầu tư xây dựng 2 công trình nước tập trung; giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số 1% theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia; 2 ấp ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn.

Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Tỉnh sẽ hỗ trợ 1 dự án trồng cây dược liệu quý; hỗ trợ xây dựng mô hình khởi nghiệp, tạo việc làm tăng thu nhập cho hơn 60% đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo dân tộc Kinh, cận nghèo ở ấp đặc biệt khó khăn.

Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng mới 58 công trình, 16 công trình chuyển tiếp; duy tu bảo dưỡng 36 công trình, cải tạo nâng cấp 6 công trình chợ…

Dự án 5: Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tỉnh sẽ đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng 6 trường Phổ thông Dân tộc nội trú, mua sắm trang thiết bị chuyển đổi số, đào tạo bồi dưỡng cho giáo viên, cán bộ trường…

Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Theo kế hoạch, tỉnh sẽ cải tạo nhà văn hóa – khu thể thao đã xuống cấp vùng dân tộc thiểu số; hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy 1 nội dung văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ bị mai một; hỗ trợ 4 điểm  du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ hoạt động cho các đội văn nghệ tại các thôn vùng dân tộc thiểu số…

Dự án 7: Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em. Tỉnh sẽ hỗ trợ đào tạo bác sĩ chuyên khoa I và  cử nhân điều dưỡng cho trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã; tổ chức nói chuyện chuyên đề về dân số; tập huấn kiến thức sàng lọc trước sinh, sơ sinh… Chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em, tối thiểu 95% phụ nữ có thai được phổ biến kiến thức, khám thai định kỳ, hỗ trợ y tế, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể gầy còm dưới 2%, thể nhẹ cân dưới 5%, thể thấp còi dưới 7%.

Dự án 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Chỉ tiêu đề ra là có ít nhất 98% phụ nữ dân tộc thiểu số được tuyên truyền tư vấn tiếp cận dịch vụ sinh đẻ an toàn; tổ chức các lớp về phát triển năng lực lồng ghép giới, thúc đẩy bình đẳng giới trong cộng đồng; nâng cao năng lực truyền thông…Cùng với đó, thành lập mới 63 tổ tiết kiệm vay vốn thôn bản, thí điểm 20 tổ tiết kiệm vay vốn thôn bản và tài chính chính thức…

Dự án 9: Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn. Sẽ tổ chức 15 hội nghị, tọa đàm tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức, duy trì 4 mô hình tại xã vùng dân tộc thiểu số, xây dựng phóng sự bằng tiếng Khmer, phát hành tờ rơi, sổ tay tuyên truyền giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết…

Dự án 10: Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo kế hoạch sẽ tổ chức 14 hội nghị tuyên truyền trong đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng phóng sự tiếng Khmer, phát hành sổ tay phổ biến pháp luật dành cho đồng bào dân tộc thiểu số...
N. Ngọc
Thông tin khác:
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch (10/07/2023)
Đồng bào Công giáo Bình Định tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước (07/07/2023)
Phong trào thi đua trong đồng bào Công giáo Bắc Ninh hướng mạnh về cơ sở (07/07/2023)
Ấm áp nghĩa tình Tây Nguyên (06/07/2023)
Thiết lập điểm hỗ trợ đồng bào DTTS ứng dụng công nghệ thông tin (06/07/2023)
Bàn giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS phía Nam (05/07/2023)
Hỗ trợ 60 triệu đồng/căn nhà cho đồng bào dân tộc thiểu số (05/07/2023)
Ngày hội của các dân tộc ở Đắk Nông (04/07/2023)
Đắk Nông: Tập trung nguồn lực giảm nghèo bền vững trong vùng dân tộc thiểu số (04/07/2023)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log