Nhà máy điện mặt trời Solar 1 của Công ty Cổ phần BP Solar chính thức hòa vào lưới điện quốc gia. Ảnh: CTV |
Điện mặt trời tại Việt Nam thuộc nhóm ngành công nghiệp mới nổi. Tận dụng vị trí địa lý nằm ở gần xích đạo, có số giờ nắng cao, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Hiện đã có nhiều công trình đi vào hoạt động, gồm: Nhà máy quang điện mặt trời Thiên Tân tại Đạm Thủy, Đức Minh, Mộ Đức, Quảng Ngãi. Đây là nhà máy điện mặt trời đầu tiên ở Việt Nam, với tổng diện tích 24ha, công suất 19.2MW, được khởi công xây dựng 8/2015 - cung cấp 28 triệu KWh điện mỗi năm cho lưới điện quốc gia. Nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng tại Tân Châu, Tây Ninh có 1.3 triệu tấm pin với công suất 420 MW, sản lượng điện mỗi năm 690 kWh. Nhà máy điện mặt trời BP Solar 1 tại Phước Hữu, Linh Phước, Ninh Thuận có tổng diện tích 62 ha, tháng 1/2019 đi vào hoạt động, cung cấp lưới điện quốc gia 74 triệu KWh/ năm.
Điện gió tại Việt Nam cũng thuộc nhóm ngành công nghiệp mới nổi. Các chuyên gia cho rằng, nằm trong vùng khí hậu gió mùa và được định hình bởi đường bờ biển dài hơn 3.260km, Việt Nam có tiềm năng lớn trong phát triển điện gió, ước tính tiềm năng này vào khoảng 24GW. Tận dụng ưu thế này, Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược phát triển điện gió, chú ý nhiều tới các địa phương Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắc Lắc, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau… Hiện nhà máy điện gió Trung Nam ở Ninh Thuận đã được xây dựng xong. Đây là nhà máy điện gió lớn nhất nước ở thời điểm hiện tại. Nhà máy kết hợp với nhà máy điện mặt trời đang hoạt động ở Ninh Thuận hình thành tổ hợp năng lượng tái tạo lớn, đạt tổng sản lượng điện hàng năm lên tới 950kWh, được đấu nối trực tiếp với hệ thống điện lưới quốc gia thông qua trạm biến áp 220kV Tháp Chàm. Khác với dự án phát triển điện mặt trời, dự án điện gió có quá trình và quy trình phát triển phức tạp hơn và thời gian xây dựng cũng kéo dài hơn.