Tin tức - Hoạt động

Đồ gốm: Hồi kỳ của Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo

Cập nhật lúc 06:15 08/03/2022


Gần đây, tại các giáo xứ thuộc giáo phận Xuân Lộc, nhiều giáo dân chuyền tay nhau cuốn sách nhỏ có tựa đề “Đồ Gốm”, Hồi ký suy tư của Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo, nguyên Giám mục giáo phận Xuân Lộc, hiện là Viện trưởng Học viện Công giáo Việt Nam được Nhà xuất bản Đồng Nai phát hành vào những tháng cuối năm năm 2021. Ấn bản in lần thứ nhất với 1000 bản, quá ít so với số giáo dân muốn biết rõ về cuộc đời của vị Giám mục. Theo Wikepedia, Đức Giám mục Giuse Đinh Đức Đạo sinh năm 1945 tại Thức Hóa, Nam Định (Gp Bùi Chu), từ sớm đã vào Tiểu chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê Bùi Chu, sau đó vào Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn trong vòng một năm thì đi du học tại Rôma. Năm 1971, thầy được truyền chức linh mục tại Sài Gòn. Sau khi được truyền chức, cha tiếp tục sang du học Rôma và ở tại đây cho đến năm 2009. Trong gần 50 năm tại Rôma, cha giữ nhiều chức vụ như: Phó giám đốc rồi Giám đốc Trung tâm Linh hoạt Truyền giáo Quốc tế (C.I.A.M.), Giám đốc linh đạo của Foyer Phaolô VI, Giám đốc Văn phòng phối kết Tông đồ Mục vụ Việt Nam hải ngoại tại Bộ Truyền giáo, cha là thành viên tư vấn Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại Liên tôn... Trong thời gian này, cha được phong tước Đức ông. Trở về Việt Nam năm 2009.

Trong cuốn Hồi ký, Đức Giám mục đã kể lại chi tiết về gia đình ngài, về những suy nghĩ, tâm tư trước khi thụ phong linh mục, thời gian đi truyền giáo tại các nước, phục vụ tại giáo triều Rôma. Rất nhiều người muốn biết về lý do nào cha trở về Việt Nam cũng sẽ rõ hơn khi đọc Hồi ký này.

Khi trả lời phỏng vấn của một linh mục về lý do nào chọn tựa cuốn Hồi ký là “Đồ Gốm”, Đức cha cho biết nội dung có trong lời tựa (trang 9-11) như sau: “Tôi đã chọn hình ảnh Đồ Gốm để đặt tên cho những dòng tâm sự này, cốt ý để ca tụng sự cao cả của Thiên Chúa trong việc tạo dựng, hơn nữa còn cứu độ và chở che tôi trong suốt hành trình cuộc đời. Hình ảnh Đồ Gốm cũng giúp làm nổi bật tác động của Thiên Chúa trên cuộc đời tôi. Sự mỏng giòn và yếu đuối của phận người rõ như ban ngày, nhưng cũng chính qua đó mà lòng nhân từ đầy xót thương của Thiên Chúa càng được tỏa sáng. Điều lạ lùng đáng chú ý không phải là sự yếu đuối và ác độc của loài người, nhưng là lòng thương xót không bờ bến của Thiên Chúa trước những con người yếu đuối và ác độc (x. Mc 12,1-12). Chính nhờ vậy, tâm hồn tôi luôn tràn ngập an bình, tin tưởng, phó thác và hy vọng”.

Qua tập hồi ký độc giả được biết về cuộc đời của vị Giám mục từ thời thơ ấu tại quê nhà Thức Hóa, Bùi Chu. “Mẹ kể là mẹ sinh ra tôi vào tháng Ba đói (1945), mỗi khi nghe tôi khóc, những người đói ăn đã đứng sẵn ngoài cổng, biết là giờ ăn cơm nên kéo nhau vào. Mẹ đã chuẩn bị sẵn, mỗi người một nắm cơm. Nhờ vậy, họ sống qua ngày, chờ mùa gặt lúa. Tôi được thừa hưởng nơi mẹ tôi cả chất tình cha lẫn chất tình mẹ, nhưng chất tình mẹ xem ra mạnh hơn. Mẹ thương yêu tôi hết mực, nhưng không nuông chiều; mẹ lo lắng, chăm sóc cho tôi từng li, từng tí, nhưng không chiếm hữu mà để cho tôi tự do phát triển

...Năm 1954, cả gia đình di cư vào miền Nam; lúc đầu, gia đình tôi định cư tại giáo xứ Nghĩa Hòa, vùng Chí Hòa, thuộc giáo phận Sài Gòn. Sau một thời gian, không biết vì lý do gì, gia đình tôi chuyển đến vùng Hố Nai và định cư tại giáo xứ Bùi Chu, nay thuộc giáo phận Xuân Lộc. Khi đó, hai chị của tôi đều đã lập gia đình và sinh con. Chị thứ nhất lập gia đình với anh Chấn, còn chị thứ hai lập gia đình với anh Đình. Mẹ tôi và tôi ở với anh chị Đình, còn anh chị Chấn ở riêng.

Chỉ hơn một năm sau, anh chị Đình lại chuyển vào Sài Gòn mua đất và làm nhà ở giáo xứ Nam Hòa. Thế là chỉ còn mẹ và tôi ở lại giáo xứ Bùi Chu. Anh chị Chấn tuy vẫn còn ở tại giáo xứ Bùi Chu, nhưng ở riêng” (trang 15-16).

Về việc đi tu dâng mình cho Chúa, Đức cha kể về hai vị linh mục đã hướng dẫn từ bước đầu vào Tiểu chủng viện, cha Antôn Phạm Gia Thuấn nay đã nghỉ hưu, nguyên là chánh xứ Trung Chánh, TP.HCM đưa ngài đi thi vào tiểu chủng viện thánh Phanxicô Tân Phước- Phước Tỉnh, đậu hạng thứ nhì. Cha Đa Minh Vũ Nguyên Thiều (+) nguyên Chánh xứ Tân Phú, TP.HCM nhận ngài làm nghĩa tử. (trang 20-21). Lên Đại chủng viện ngài được cử đi du học tại Rôma sau một năm Triết tại Đại chủng viện thánh Giuse Saigon. Độc giả có thể thích thú theo dõi cuộc đời tu học của ngài từ mục 5 đến hết mục 9 chương I (trang 13-41).

Người tín hữu Việt Nam trên khắp thế giới khi nghe tin cha Giuse từng phục vụ tại giáo triều Rôma về Việt Nam thì rất ngạc nhiên. Sao một linh mục Giáo phận Saigon phục vụ tại Rôma lại được về Việt Nam? Việc trở về Việt Nam của Đức ông Giuse lúc đó cũng không hề đơn giản. Ngài cho biết có ba quyền bính có quyền quyết định cho ngài về là 1/ Đức Hồng y Ivan Dias, Bộ trưởng bộ Loan Báo Tin Mừng cho các Dân tộc, 2/ Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám mục Tổng giáo phận Saigon. 3/ Nhà nước Việt Nam. Để hiểu rõ xin đọc chương VI: Những ngã rẽ cuộc đời (trang 159-187). Dĩ nhiên bạn đọc bài này sẽ không khỏi thất vọng khi chưa được biết nhiều về cuộc đời của vị Giám mục “Joseph 3D” (tài khoản của ngài trên Facebook), đơn giản để các bạn tìm đọc “ĐỒ GỐM”, tập hồi ký lôi cuốn người đọc từ những trang đầu với lời Tri ân và lời tựạ đều chính ngài viết: Giuse Đinh Đức Đạo.

Sách dày 282 trang, khổ 13x 20,5 do Nhà xuất bản Đồng Nai ấn hành. Bìa in offset màu với hình chụp bức tranh họa đôi tay người thợ đang tạo hình chiếc bình gốm, dưới khoảng trời có chim bồ câu đang bay của nhà thiết kế Nguyễn Hà. Chỉ hình bìa thôi cũng bao hàm nội dung phong phú của cuốn sách là Hồi ký Suy tư Đức Giám mục Giuse Đinh Đức Đạo. Phải chăng đó là Thông điệp mà tác giả muốn gửi đến mọi người qua cuốn hồi ký “ĐỒ GỐM”.
 
Phanxicô Xaviê Đỗ Công Minh
Thông tin khác:
Người trẻ Công giáo trong mùa Chay (07/03/2022)
Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski: thăm công trình trùng tu nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn (07/03/2022)
Nhà thờ Đức Bà châu Phi Angiêri (06/03/2022)
Xe buýt điện đầu tiên của Việt Nam (05/03/2022)
Hạn chế đốt vàng mã để bảo vệ môi trường (05/03/2022)
Hải Dương: Việc đời, việc đạo "trăm người như một" (04/03/2022)
Mặt trận thủ đô cùng chăm lo cho người nghèo (03/03/2022)
Đức TGM Marek Zalewski: Gặp gỡ thiện nguyện viên phục vụ bệnh nhân Covid – 19 và chủ sự nghi thức trao dây Pallium (03/03/2022)
Đức Mẹ Măng Đen (03/03/2022)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log