Tin tức - Hoạt động

Hạn chế đốt vàng mã để bảo vệ môi trường

Cập nhật lúc 07:33 05/03/2022
Mùa xuân cũng là mùa lễ hội, nhưng kèm theo đó tại các đền, chùa thường bị khói nghi ngút do người đốt vàng mã, đốt hương quá nhiều. Điều này vừa lãng phí kinh tế vừa ảnh hưởng xấu tới môi trường và sức khỏe.
Nhiều gia đình chi hàng chục triệu đồng để sắm vàng mã cúng thần linh, tổ tiên. Ảnh: CTV
Nhiều gia đình chi hàng chục triệu đồng để sắm vàng mã cúng thần linh, tổ tiên. Ảnh: CTV
Tục lệ đốt tiền, vàng mã hay đồ mã hiện nay không còn nằm trong phạm vi cúng giỗ tại mỗi gia đình mà còn có tại nhiều chùa đền, nhất là dịp mùa lễ hội. Với quan niệm “trần sao âm vậy”, người ta đã đốt với số lượng lớn hàng mã, từ cái mũ, đôi giầy, đến cả nhà lầu, xe hơi… để gửi tới cõi âm.

Ước tính mỗi năm, người dân nước ta đốt tới 5000 tỷ đồng hàng mã. Mặc dù đây chưa phải là con số công bố chính thức nhưng thực tế cho thấy, lượng vàng mã mà người dân đốt trong các dịp hành lễ đền, chùa hay các dịp lễ vu lan là vô cùng lớn. Không chỉ lãng phí tốn kém, hủ tục đốt vàng mã còn ảnh hưởng xấu tới môi trường, bởi khói, bụi từ việc đốt vàng mã gây ra.

Điều đáng nói là đốt vàng mã đã được nhiều vị chức sắc trong Giáo hội Phật giáo khẳng định là việc làm này không có trong đạo Phật giáo, nhưng nhiều người vẫn chưa bỏ được thói quen này vì nó đã ăn quá sâu vào tiềm thức người đi lễ đền, chùa. Đốt vàng mã, hóa vàng là do tập tục dân gian từ xa xưa du nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam. Nhưng ngày nay tại Trung Quốc, người ta cũng đã hạn chế tối đa việc đốt vàng mã. Hành Thiên Cung, ngôi đền nổi tiếng thờ Quan Vũ tại Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) luôn có rất đông người dân đi lễ. Tuy nhiên, kể từ năm 2014, thay vì cách cầu nguyện truyền thống là đốt hương hoặc vàng mã, giờ đây, du khách đến với Hành Thiên Cung chỉ chắp tay, cúi đầu thực hiện nghi thức cầu nguyện. Trong những năm gần đây, chính quyền nhiều thành phố tại Trung Quốc đã ban hành các quy định cấm đốt vàng mã tại nơi công cộng, khu dân cư, danh lam thắng cảnh; cấm sản xuất, tiêu thụ, vận chuyển vàng mã; khuyến khích các hình thức tế lễ văn minh như sử dụng hoa tươi, tế lễ qua nhà tang lễ “ảo” trên Internet; đồng thời xử phạt nghiêm những người vi phạm… Vì vậy, đốt vàng mã đang ngày càng hiếm gặp tại nhiều khu dân cư ở các tỉnh và thành phố lớn của Trung Quốc.

Theo Phó Chánh Văn phòng Trung ương Giáo hội cho Đại đức Thích Nguyên Chính, Trợ lý Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hành giáo trong Phật giáo chỉ khuyên người còn sống làm nhiều việc phục thiện, lấy công đức để siêu độ vong linh, chứ không khuyên đốt nhiều vàng mã. Vì thế, thay vì mua sắm vàng mã đốt cho cha mẹ đã khuất thì nên dùng tiền đó để chia sẻ cho những người nghèo khó, lấy phúc lành thiết thực ấy hồi hướng cho gia tiên, như vậy sẽ lợi ích không chỉ cho người hiện tại mà còn cho cả người đã khuất.

Từ quan điểm trên,Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khuyến cáo, người dân cần hạn chế, tiến tới từ bỏ hẳn hủ tục đốt vàng mã để tránh lãng phí tiền bạc cũng như góp phần bảo vệ môi trường. Hiện nay ngay cả việc thắp hương, các chùa đều khuyến cáo hạn chế việc thắp nhiều hương, chỉ nên thắp một nén để giảm thiểu khói bụi, ô nhiễm không khí. Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam từng ra văn bản trong đó có nội dung về việc loại bỏ hủ tục đốt vàng mã tại các chùa chiền, giới tăng ni tích cực hướng dẫn nhân dân, phật tử không đốt vàng mã tại cơ sở thờ tự; đề nghị các chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ Tát đạo, hướng dẫn đồng bào phật tử và người dân từ bỏ mê tín dị đoan, không đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Đồng thời yêu cầu hệ thống các chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm phật đường… nhất là các tu viện đã được công nhận di tích lịch sử - văn hóa, tổ chức lễ hội mang tính văn minh, tiết kiệm, không phô trương hình thức, phát huy các giá trị văn hóa Phật giáo

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng đã khuyến cáo hạn chế đốt đồ mã, vàng mã. Cơ quan này còn kiến nghị kiểm soát, khuyến nghị các cơ sở kinh doanh đồ mã hạn chế kinh doanh những mặt hàng đồ mã không phù hợp với thuần phong mỹ tục và việc đốt các mặt hàng đồ mã không hợp thuần phong mỹ tục tại các cơ sở thờ tự, di tích, lễ hội, trong sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của nhân dân...

Nếu mọi người, mọi nhà cùng bỏ hủ tục đốt vàng mã thì không những sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền mà còn góp phần để môi trường sống được trong lành hơn.
 
Bùi An
Thông tin khác:
Hải Dương: Việc đời, việc đạo "trăm người như một" (04/03/2022)
Mặt trận thủ đô cùng chăm lo cho người nghèo (03/03/2022)
Đức TGM Marek Zalewski: Gặp gỡ thiện nguyện viên phục vụ bệnh nhân Covid – 19 và chủ sự nghi thức trao dây Pallium (03/03/2022)
Đức Mẹ Măng Đen (03/03/2022)
Các tổ chức tôn giáo tích cực triển khai giải pháp bảo vệ môi trường (02/03/2022)
Quê hương xứ sở, ngày ấy - Bây giờ... (02/03/2022)
Nhiều mô hình hay bảo vệ môi trường (28/02/2022)
Lương y như từ mẫu (28/02/2022)
Ngãi Điền (28/02/2022)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log