Chung sức, đồng lòng Mỹ Động là giáo xứ toàn tòng với hơn 1700 giáo dân, nằm trên địa bàn thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.
Hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều gia đình nơi đây đã tự nguyện hiến đất mở rộng đường giao thông, chỉnh trang bộ mặt nông thôn, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường qua việc bỏ rác, thu gom rác đúng nơi, đúng giờ quy định, thuốc bảo vệ sau khi sử dụng được gom vỏ đựng bỏ vào các điểm chứa được bố trí tại các đầu thửa ruộng…
Bên cạnh sự hỗ trợ ngân sách của nhà nước trong xây dựng nông thôn mới, giáo dân đã chung sức chung lòng góp kinh phí, ngày công lao động để làm đường giao thông, tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp…
Để chương trình xây dựng nông thôn mới sớm về đích, linh mục chính xứ Giuse Bùi Xuân Thắng đã vận động giáo dân đoàn kết, chủ động tham gia bàn bạc với tinh thần xây dựng cao, sau đó cùng nhau thực hiện. Nhờ đó, Mỹ Động chạm đích nông thôn mới từ rất sớm (năm 2016) và nhận Bằng khen vào năm 2017.
Linh mục Giuse Bùi Xuân Thắng bên nhà thờ giáo xứ Mỹ Động đang hoàn thiện. Ảnh: CTV |
Linh mục Giuse Bùi Xuân Thắng cũng đã tổ chức xây dựng ngôi nhà thờ mới với diện tích hơn 1000m2 đáp ứng nhu cầu tôn giáo của cộng đoàn. Nhà thờ cũ xây dựng từ năm 1909 đã quá lâu, vật liệu ngày ấy cũng không được tốt như bây giờ nên cơ sở bị xuống cấp, mục nát, tường bị bở gây mất an toàn. Vì vậy xây dựng ngôi thánh đường mới là phù hợp với nhu cầu thực tế. Linh mục đã kết hợp được kinh phí do giáo dân bản địa đóng góp và tiền dâng từ các nhà hảo tâm ngoài giáo xứ để xây dựng nhà thờ mới khang trang.
Trong đợt bão lũ xảy ra tại miền Trung năm 2020, linh mục đã kêu gọi bà con quyên góp tiền để ủng hộ đồng bào. Ngài đã cùng đại diện giáo phận Hải Phòng vào miền Trung chia sẻ, ủng hộ vật chất giúp bà con vùng lũ. Trong các đợt dịch COVID-19 xảy ra trên địa bàn, linh mục cùng bà con giáo xứ Mỹ Động quyên góp tiền và hiện vật như nước sát khuẩn, khẩu trang ủng hộ địa phương phòng chống dịch, tổng số tiền ủng hộ tương đương 100 triệu đồng.
Ngài cũng nhắc nhở bà con công giáo phải luôn tự ý thức giữ khoảng cách, đeo khẩu trang theo đúng quy chế 5K, việc hành lễ hàng ngày, hàng tuần cũng được điều chỉnh để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, chủ yếu giáo dân tham dự các buổi hành lễ trực tuyến từ trung tâm giáo phận Hải Phòng hoặc Tổng giáo phận Hà Nội.
“Rau làng Hà, quà làng Mỹ” Người dân ở làng Mỹ Động nói riêng, nhiều người ở thị xã Kinh Môn nói chung còn truyền nhau câu ca “rau làng Hà, quà làng Mỹ” để ca ngợi làng trồng rau ngon (làng Hà), và các món quà ngon ở làng Mỹ (Mỹ Động).
Trên cánh đồng của làng Mỹ Động, người dân ở đây đang trồng loại cây mà thoạt nhìn thì ai cũng tưởng là hành lá, nhưng hỏi ra mới biết, bà con ở đây gọi đó là cây mủa.
Nghe cái tên khác lạ và ấn tượng, chúng tôi tò mò hỏi nguồn gốc vì sao người dân ở đây lại gọi cây hành lá là cây mủa thì các bà, các cô bảo, đó là cái tên quen gọi từ xa xưa lưu truyền đến bây giờ. Hỏi mấy vị cao niên trong làng, cũng không ai biết vì sao lại gọi cây hành lá là cây mủa.
Cây mủa của làng Mỹ Động không phải bán lẻ ra chợ để làm gia vị mà được bán cả tấn cho các nhà máy sấy khô, băm nhỏ đóng gói trong các gói mì tôm, phở ăn liền…
Khác với cây hành lá bình thường khi sấy bị đổi màu, cây mủa khi được sấy khô, vẫn giữ nguyên màu xanh của lá, trông đẹp và hấp dẫn. Đây cũng chính là loại gia vị giúp đồ ăn thơm ngon hơn mà ít ai biết đến.
Mỗi lứa mủa từ khi trồng đến lúc thu hoạch mất hơn 1 tháng, tùy theo giá thị trường từng thời điểm nhưng nếu được giá thì mỗi sào cũng được gần10 triệu đồng.Như vậy so với một số loại cây trồng khác thì cây mủa được cho là mang lại hiệu quả kinh tế cao và cũng là loại cây làm nên nét đặc trưng của nông nghiệp Mỹ Động.
Lúc nông nhàn, người dân Mỹ Động còn có thêm nghề làm một số loại bánh như bánh đa, bánh kê, bánh dợm, bánh dày, bánh gio… Các loại bánh này được bán chủ yếu ở Hải Dương và Hải Phòng.
Bà Nguyễn Thị Sắt chuyên làm bánh gio từ khi bà còn nhỏ tuổi. Mỗi ngày bà làm khoảng 200 cái bánh gio theo đơn đặt hàng của khách quen, doanh thu khoảng 800.000đ/ngày. Bánh được nấu bằng bếp củi, lá dong gói bánh gia đình cũng tự trồng nên đảm bảo sạch sẽ, an toàn. Bánh vừa trong, vừa dẻo, vị thanh mát và rất thơm, không hề có vị nồng của nước vôi trong như một số bánh gio khác (một thành phần không thể thiếu của bánh gio).
Với công việc làm bánh hiện nay, số tiền lãi thu được đối với nhà bà Sắt chỉ là tạm đủ ăn, nhưng bà vẫn duy trì nghề truyền thống với mong muốn bảo tồn văn hóa của làng, của gia đình.
Tuy không khá giả nhưng bà Sắt đã sẵn sàng hiến gần 300m2 đất của gia đình mình để xây dựng nhà dòng.