"Hầu hết các đài đều không khai thác được hết thời lượng quảng cáo/ngày trên kênh chương trình theo quy định cho phép của Luật Quảng cáo (10% tổng thời lượng phát sóng/ngày; 5% tổng thời lượng phát sóng đối với kênh truyền hình trả tiền); có đài, thời lượng quảng cáo trên kênh chỉ đạt vài phút/ngày", Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho hay.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại Hội thảo
Các "ông lớn" MXH lấy đi phần lớn doanh thu quảng cáo của báo chíThứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nêu thực tế: Dù là báo in, báo điện tử hay phát thanh, truyền hình, vẫn dựa khá nhiều vào nguồn thu quảng cáo. Có lúc, doanh thu từ quảng cáo luôn chiếm trên 60%, thậm chí với một số cơ quan báo chí là 90%.
Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan báo chí đang phải đối diện với nguy cơ sụt giảm doanh thu mạnh mẽ, trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Google đã lấy đi khoảng 70% doanh thu quảng cáo của báo chí chính thống.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, các "ông lớn" mạng xã hội đã khai thác nguồn thu mạnh mẽ từ nội dung báo chí, doanh thu chủ yếu là họ được hưởng, còn các cơ quan báo chí thu về không nhiều.
"Mỗi cơ quan báo chí hãy tìm ra phân khúc, sức mạnh của mình để tạo ra mô hình kinh doanh phù hợp. Nhìn chung, không có mô hình kinh doanh nào là đúng với tất cả mọi cơ quan báo chí, nhưng nếu biết tận dụng lợi thế của mình thì sẽ mang lại hiệu quả", ông Lê Quốc Minh nói.
Tìm kiếm doanh thu từ độc giảChủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng nêu một số phương thức mà các cơ quan báo chí lớn trên thế giới hiện đang áp dụng để cách tạo ra nguồn thu mới. "Trong bối cảnh hiện nay, rất nhiều cơ quan báo chí lớn trên thế giới đang tìm cách đa dạng hóa nguồn thu, trong đó đặc biệt chú ý đến việc tìm kiếm doanh thu từ độc giả và coi đây là là nguồn thu an toàn", ông Lê Quốc Minh gợi ý.
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí trên thế giới cũng quan tâm tới các hoạt động kinh doanh khác như: Tổ chức sự kiện, thương mại điện tử, cấp phép thương hiệu, hợp tác với các nền tảng công nghệ-trí tuệ nhân tạo, tổ chức nghiên cứu, thậm chí cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin... "Đây chính là những xu hướng mà các cơ quan báo chí, truyền thông tại Việt Nam có thể tham khảo, thử nghiệm để tìm ra cách tạo thêm nguồn thu trong thời gian tới", ông Lê Quốc Minh chỉ rõ.
Nhà báo TS. Đồng Mạnh Hùng - Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) - chia sẻ thực tế rằng, các đài phát thanh hiện nay đang còn lúng túng trong việc chuyển đổi số cũng như làm kinh tế từ số.
Ở Việt Nam, những năm gần đây, kinh tế truyền thông số phát triển với tốc độ nhanh và các cơ quan báo chí cũng không nằm ngoài xu thế chuyển đổi số, hòa theo sự phát triển của kinh tế báo chí số để tồn tại, tìm cách chuyên nghiệp hóa, chuyển đổi số mạnh mẽ để phát triển.
Do đó, chuyển đổi số trong báo chí là vấn đề tất yếu, báo chí là lĩnh vực đặc thù và cần một chiến lược chuyển đổi số riêng trên cơ sở phát triển kinh tế báo chí số để giải quyết các bài toán khó cho các cơ quan báo chí. Việc phát triển kinh tế báo chí truyền thông không chỉ cần nhìn từ một vài trường hợp cụ thể, từ riêng một lĩnh vực hay loại hình riêng biệt mà cần được nhìn nhận ở quy mô tổng thể, chiến lược và toàn diện của hệ thống báo chí quốc gia, gắn với bối cảnh phát triển kinh tế số mạnh mẽ hiện nay.
Hiện nay, cả nước có 6 cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện, 127 báo, 670 tạp chí; 72 cơ quan phát thanh, truyền hình. Tuy khác nhau về loại hình nhưng phần lớn cơ quan báo chí đang sụt giảm về nguồn thu, nhất là các đài truyền hình và cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về tài chính.