Thánh Maximilian Kolbe (1894-1941) |
Một việc hi hữu đã xảy ra ngay tại Quảng trường Thánh Phêrô Vatican, trước sự hiện diện của trên 150.000 cử tọa trong buổi Lễ tuyên chân phước cho linh mục Maximilian Kolbe vào năm 1972: người tử tù Fraciszek Gajowniczek mà trước đây 31 năm (1941 - 1972) thánh Kolbe hy sinh chết thế mạng cho anh ta tại trại tâp trung Auschwitz, đã có mặt và lúc này thổn thức lên tiếng: “Tôi muốn bày tỏ lòng tri ân của tôi, vì món quà sự sống mà tôi đã nhận được...” để minh chứng cho hành động quả cảm hy sinh mạng sống của ngài vì người khác.
Hành vi tự hiến mạng của cha Kolbe tại trại Auschwitz, chứng tỏ ngài rất coi trọng sự sống con người, chúng ta càng khâm phục và cần tìm hiểu về cuộc đời người anh hùng này.
Từ ngày 7/01/1894, cậu bé Maximilian Kolbe sinh ra tại Zdusnka Wola, Ba Lan. Ban đầu bố mẹ cứ lo lắng không biết cuộc sống sau này của con mình sẽ ra sao? Bởi sức khỏe của cậu không được tốt như các trẻ cùng trang lứa. Khi lên 16 tuổi cậu xin nhập Chủng viện dòng Phanxicô, sau những năm học Triết và Thần học ở Rôma, thầy được tuyển chọn lên hàng linh mục ngày 28/4/1918. Từ đây ngài đã mau chóng thành lâp tổ chức Đạo binh Đức Mẹ Vô Nhiễm, chống lại bệnh thờ ơ tôn giáo của thời đại vùng trời châu Âu, tích cực cổ vũ lòng tôn sùng Chúa và Đức Maria bằng con đường truyền thông, qua tờ nguyệt san “Người Hiệp Sĩ của Đức Mẹ Vô Nhiễm”, phát hành mỗi lần gần một triệu bản vào năm 1938. Trước đó, ngài còn thiết lập một trung tâm Thánh Mẫu và tiếp tục qua Nhật Bản năm 1930 thiết lập một trung tâm tương tự, trước khi trở về lại Ba Lan năm 1936.
Bên cạnh việc điều hành Trung tâm và cổ động báo chí, như một phương tiện truyền thông hữu hiệu cho công việc loan báo Tin Mừng. Khi Đức Quốc Xã xâm lược Ba Lan vào 01/9/1939, mở đầu cho cuộc Thế chiến thứ II, cha Maximilian Kolbe và các tu sĩ dòng Phanxicô không tránh khỏi tầm ngắm của quân phát xít, vì họ thừa biết mức độ ảnh hưởng, cũng như những công việc Tông đồ của cha đang làm. Ngay từ những năm đầu Thế chiến xẩy ra, cha và các anh em trong nhà dòng Phanxicô đã giúp đỡ nơi ăn chốn ở cho hơn 3.000 người tị nạn, phần lớn số đó là người Do Thái.
Khi bị bắt lần thứ nhất, cha đang làm Chủ nhiệm cho tờ báo “The Knight Immaculate” và tờ “The Little Daily”. Đây là 2 tờ báo được phát hành trong vùng trước khi phát xít chiếm đóng Ba Lan. Họ bắt cha và nhiều tu sĩ Phanxicô, nhưng chưa đầy 3 tháng tất cả đều được trả tự do.
Đến ngày 17/02/1941, cha bị bắt lại và lần này giam ở trại tập trung Auschwitz nơi đã từng giết chết 6 triệu người Do Thái trong các phòng hơi ngạt, cha Kolbe bị nhốt tại đây, vì Đức Quốc Xã xem cha thuộc giới trí thức, có mức độ ảnh hưởng lớn lao. Từ ngày hôm đó, phúc tử đạo của cha bắt đầu hé mở nơi trại tập trung kinh hoàng nhất của chế độ diệt chủng
Trại tập trung Auschwitz đề ra một trong những nguyên tắc bất di bất dịch của trại, hễ có 1 tù nhân bỏ trốn thì 10 người tù khác sẽ phải chết.
Vào ngày 31/7/1941, có một tù nhân trốn thoát, thế là 10 tù nhân trong trại ngẫu nhiên bị gọi tên ra phải lãnh án tử hình. Khi đọc đến tên Gajowniczek thì người tù này lên tiếng khóc than: “... Tôi còn vợ và con”. Cha Kolbe may mắn không thuộc nhóm này nhưng sau khi nghe người tù này than khóc, thì có một cuộc đối thoại diễn ra giữa viên cai tù và Kolbe, mà những người sống sót kể lại như sau:
- Xin ông cho phép tôi chết thay người trẻ tuổi đã có vợ con!. Kolbe lên tiếng.
- Anh là ai ? Viên cai ngục kinh ngạc nhìn cha.
- Tôi là linh mục Công giáo!
- Anh muốn chết thay cho ai?
- Người này! - Cha nhìn và chỉ vào người tù vừa than khóc
- Tại sao ? – Viên cai tù hỏi lại.
- Bởi vì đời tôi không còn giúp ích gì mấy! Trong khi ông này còn có gánh nặng gia đình!
Viên cai tù suy nghĩ trong ít phút rồi đưa tay ra hiệu đồng ý, cho tù nhân can đảm số 16.670 được bước vào hàng thay chỗ cho Trung sĩ Franciszek Gajowniczek.
10 tù nhân bị lột hết quần áo, nhốt vào căn hầm, kể từ giờ phút đó những người này bị bỏ đói, không còn gì để ăn và kinh khủng nhất là chẳng có nước để uống,
Từ hầm giam, người ta ngỡ ngàng nghe được những bài thánh ca cất lên thay cho tiếng oán trời trách đất, cha đã giúp họ cầu nguyện để chết đói trong bình an. Ngày 14/08/1941 cửa hầm giam được mở ra sau 12 ngày, mọi người đã chết, trừ một mình cha Kolbe. Cha ngồi dưới dất, đầu tựa vào tường, dù thân mình tàn tạ ủ rũ nhưng khuôn mặt vẫn bình tĩnh. Viên cai ngục bắt Ngài đưa tay ra và chích cho cha một mũi thuốc độc ân huệ. Sau đó họ đưa xe đến đưa xác ngài cùng các bạn tù đem đi hỏa thiêu trong lò và nắm tro tàn bị ném tung trong gió 4 phương. Vậy là cha đã được đón nhận triều thiên Nước Trời, ân thưởng cho một linh mục thánh thiện, một nhà báo tài năng và là vị tử đạo kiên cường.
Linh mục Maximilian Kolbe, được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II tôn phong lên bậc Hiển thánh vào ngày 10/10/1982, cũng từ đó cha thánh được nhận làm bổn mạng cho các nhà văn, nhà báo trên toàn thế giới.
Ngày 14/8 hằng năm, Giáo hội long trọng mừng kính cha thánh Maximilian Kolbe (1894 - 1941) xin đồng hành với chúng con, cách riêng cho những ai đang hành nghề báo chí, biết dùng phương tiện truyền thông hiện đại ngày nay, mang Tin Mừng cho mọi người đến gần Thiên Chúa, để mở mang Giáo hội ngày càng thăng tiến hơn.