Trước đây, tình hình kinh tế của địa phương còn nhiều khó khăn, sản xuất nông nghiệp hiệu quả kinh tế thấp, dịch vụ thương mại, tiểu thủ công nghiệp phát triển chậm, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, nhất là tình trạng hộ nghèo sống trong những căn nhà tạm bợ, dột nát không yên tâm mỗi khi mùa mưa, lũ về. Từ khi thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, Tân Quới đã có bước chuyển mình về mọi mặt, đời sống đồng bào có đạo không ngừng được cải thiện, từng bước vươn lên khá giàu, đời sống dân trí nâng lên, cơ sở hạ tầng phát triển với tốc độ nhanh, đáp ứng nhu cầu đời sống xã hội.
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm hơn hết là việc chăm lo cải thiện đời sống cho người nghèo có điều kiện vươn lên hòa nhập với cộng đồng. Năm 2006, Đảng ủy xã đề ra nghị quyết chuyên đề về xóa nhà tạm bợ, dột nát, với phương châm “Toàn xã hội chăm lo cho người nghèo”. Bên cạnh, kết hợp tranh thủ sự ủng hộ của các bậc chân tu có uy tín trong cộng đồng, nhằm phát huy vai trò các vị chức sắc, chức việc các tôn giáo trong công tác từ thiện xã hội. Ngay sau khi triển khai thực hiện đã được các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng, đặc biệt là sự đồng thuận cao của các vị chức sắc, chức việc các tôn giáo đã tự nguyện đảm nhận những trọng trách như: Trưởng Ban trị sự Phật giáo Hòa Hảo nhận làm Tổ trưởng tổ cưa xẻ gỗ sản xuất khung nhà tình thương và cất nhà cho hộ nghèo; Linh Mục Giaó xứ Fatima nhận cất 35 căn nhà cho giáo dân; Linh Mục Giaó xứ Tân Quới phân công giao nhiệm vụ cho thành viên Hội đồng Giaó xứ, Trưởng các xóm đạo phối hợp với MTTQ và các đoàn thể xã tổ chức vận động tiền trong Giaó xứ…Từ những nghĩa cử cao đẹp đó đã mang lại những kết quả nổi bật thể hiện trên các lĩnh vực chăm lo cho người nghèo: Triển khai xây dựng được 324 căn nhà tình thương, trị giá hơn 2 tỷ đồng; vận động các nhà hảo tâm, các tổ chức, cá nhân đóng góp 527 triệu đồng dùng để mua cây bạch đàn và tol, hỗ trợ hơn 5 tấn lương thực, thực phẩm cho tổ cưa xẻ gỗ; mua xe chuyển viện miễn phí cho nhân dân trị giá 300 triệu đồng (hiện nay đã nâng lên 4 chiếc), hàng năm chuyển bệnh miễn phí hàng trăm ca cho nhân dân trong xã và các xã lân cận; thành lập 04 tổ tương trợ táng giúp cho người qua đời từ 1,5 – 2,5 triệu đồng; vận động tín đồ hiến 0,4 ha đất làm nghĩa địa nhân dân, trị giá gần 200 triệu đồng; tổ chức trồng hơn 30.000 cây bạch đàn lấy gỗ theo tuyến dân cư và đê bao tiểu vùng sản xuất, vừa chống sói mòn sạt lỡ, vừa lấy gỗ sử dụng (trên 8 năm tuổi, đang khai thác sử dụng). Ngoài ra, các tôn giáo còn phối hợp xây dựng hệ thống đèn chiếu sáng công cộng được 315 ngọn, tạo cảnh mỹ quang nông thôn chiều dài 10 km, với kinh phí 140,160 triệu đồng, chi phí tiền điện hàng tháng từ 3 – 3,5 triệu đồng do tín đồ giáo dân và nhân dân đóng góp; hỗ trợ khuyến học, khuyến tài mỗi năm trên 70 triệu đồng…
Kết quả phấn khởi trên chính là sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền, MTTQ, các đoàn thể với các tổ chức tôn giáo đã cộng đồng trách nhiệm chăm lo đời sống cho người nghèo ngày càng tốt hơn. Cùng với việc tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, đồng bào tín đồ các tôn giáo đã góp phần làm chuyển biến đời sống dân sinh, phát triển kinh tế-xã hội, tạo diện mạo mới nơi cù lao Tân Quới.