Hội nghị năm nay quy tụ gần 60 nhà đào tạo bao gồm đức cha chủ tịch Ủy ban Giáo sĩ Chủng sinh Giuse Đỗ Quang Khang, cha thư ký Ủy ban Giáo sĩ Chủng sinh Giuse Phạm Văn Trọng, quý cha giám đốc, phó giám đốc và quý cha giáo thuộc 11 đại chủng viện của các giáo phận tại Việt Nam.
Các tham dự viên tham gia Hội nghị. |
Hội nghị cùng lắng nghe học hỏi, chia sẻ và trao đổi các thắc mắc liên quan đến 06 đề tài thuyết trình bao gồm: Viết lại câu chuyện cuộc đời (Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến); Đồng tính với ơn gọi tu trì (Bác sĩ Têrêsa Nguyễn Lan Hải); Đồng hành - Điều kiện - Thuận lợi - Khó khăn (linh mục Đaminh Nguyễn Đức Hạnh (SJ); Đa dạng tính dục (Bác sĩ Maria Huỳnh Đoàn Phương Trúc); Đồng tính nam dưới góc nhìn y học giới tính (Bác sĩ Trần Phương Thảo); My journey - beyond conflict to fulfillment (Hành trình của tôi- từ mâu thuẫn đến thênh thang và lộng gió) (Thạc sĩ Dương Trần Minh Đoàn).
Hội nghị quy tụ gần 60 nhà đào tạo thuộc 11 Đại chủng viện tại Việt Nam. |
Hội nghị đã lượng giá công việc và đúc kết trong những ngày qua.
(1) Mỗi đề tài là một góc nhìn riêng của mỗi thuyết trình. Dù là Kitô hữu hay không phải là Kitô hữu, tất cả các thuyết trình viên đều gián tiếp khẳng định quan điểm luân lý của Giáo hội Công giáo:
+ Cũng giống như mọi người, người có khuynh hướng đồng tính, “có một nhân vị nền tảng. Họ là thụ tạo của Chúa, và nhờ ơn Chúa họ còn là con cái Chúa và được hưởng gia nghiệp đời đời” (Bộ Giáo Lý Đức Tin, Về việc chăm sóc mục vụ những người đồng tính, số 16); vì thế, “họ phải được đón nhận với sự tôn trọng, thông cảm và tế nhị. Phải tránh bất cứ dấu hiệu phân biệt đối xử nào với họ” (GLCG số 2358);
+ Dẫu vậy, hành vi đồng tính luyến ái đều là không thể chấp nhận vì gây ra những xáo trộn về đạo đức cho gia đình và xã hội. Họ cần phải tự chủ và luôn ý thức bổn phận trách nhiệm của mình để đem lại hạnh phúc cho mình và những người mà họ có trách nhiệm (x. GLCG 2358-2359)
(2) Các trao đổi xoay quanh các câu hỏi: “Làm thế nào để nhận biết một ứng sinh linh mục có khuynh hướng đồng tính?”, “Đâu là nguyên nhân và cơ chế đưa đến đồng tính?” hay “Có thể thay đổi khuynh hướng đống tính luyến ái của một ứng sinh linh mục hay không?”… chưa có được câu trả lời chắc chắn do giới hạn của các nghiên cứu trên toàn thế giới hiện nay. Tuy nhiên, đó là 01 cơ hội để các tham dự viên hiểu thêm về hiện tượng đồng tính trong xã hội. Đồng thời, các đề tài cũng khơi gợi cho các nhà đào tạo các giải pháp cần thiết cho việc đào tạo linh mục trước thực trạng đồng tính ngày nay.
Cho dẫu việc đào tạo linh mục trong một xã hội nhiều biến động ngày nay phải đối diện với nhiều khó khăn, nhưng các nhà đào tạo luôn vững tin vào sự hiện diện chở che của Thiên Chúa trong công cuộc đào tạo linh mục của Giáo hội hoàn vũ nói chung và của Giáo hội Việt Nam nói riêng.