Các đại biểu tham dự sự kiện. |
Sự kiện có sự tham gia của đông đảo đại diện từ các ban, bộ, ngành Trung ương và đại biểu đến từ hầu hết 63 tỉnh, thành phố Việt Nam, cùng các chuyên gia của Liên hiệp quốc và các đối tác quốc tế của Việt Nam. Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu sẽ tham gia tập huấn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và thảo luận về các nội dung hoạt động có thể triển khai trong thời gian tới đối với từng nhóm nhiệm vụ, giải pháp, hướng tới xây dựng Kế hoạch triển khai Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, hoà bình và an ninh ở các cấp.
Việc ban hành Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, hoà bình và an ninh là định hướng chính sách quan trọng, khẳng định quyết tâm và cam kết của Việt Nam trong việc bảo đảm và thúc đẩy hơn nữa vai trò, tiếng nói của phụ nữ, đặc biệt trong lĩnh vực hoà bình và an ninh. Nhằm cụ thể hoá và xây dựng các dòng hành động và lộ trình triển khai Chương trình hành động trong thời gian tới, Hội thảo sẽ góp phần thúc đẩy thảo luận, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về chiến lược và phương pháp xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết, phù hợp với yêu cầu và điều kiện của từng cơ quan, địa phương.
Phát biểu khai mạc sự kiện, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt khẳng định những dấu ấn đậm nét của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử từ thời kỳ kháng chiến bảo vệ Tổ quốc đến những đóng góp lớn lao trong quá trình xây dựng, tái thiết và phát triển đất nước.
Tiếp nối truyền thống lịch sử đó, Thứ trưởng nhấn mạnh Việt Nam luôn đề cao việc bảo vệ và phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng và củng cố hoà bình, an ninh của đất nước. Trên bình diện quốc tế, Việt Nam luôn thể hiện tiếng nói tích cực thúc đẩy Chương trình nghị sự Phụ nữ, hoà bình và an ninh, trong đó có việc chủ trì thông qua Nghị quyết 1889 của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và thúc đẩy thông qua Cam kết Hà Nội năm 2020 với 75 nước đồng bảo trợ.
Để phát huy hơn nữa kết quả đạt được, Thứ trưởng cho rằng cần xây dựng một Kế hoạch triển khai với những hành động cụ thể, với các biện pháp theo dõi và đánh giá hiệu quả, nguồn lực bền vững, cùng sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, toàn xã hội với tầm nhìn đến năm 2030 để hiện thực hoá các mục tiêu đề ra trong Chương trình hành động.
Phát biểu tại thông điệp ghi hình gửi Hội thảo, bà Sima Bahous, Giám đốc Điều hành UN Women đánh giá cao Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam như một bước đi cụ thể nhằm thúc đẩy sự tham gia đầy đủ, bình đẳng và có ý nghĩa của phụ nữ trong các lĩnh vực chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh. UN Women sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam mở rộng quan hệ đối tác, tận dụng nguồn lực quốc tế và đảm bảo rằng không có phụ nữ hay trẻ em gái nào bị bỏ lại phía sau.
Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về phụ nữ, hòa bình và an ninh là văn bản chính sách với mục tiêu nhằm bảo đảm và thúc đẩy hơn nữa bình đẳng giới và nâng cao vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực hoà bình, an ninh trong giai đoạn 2024 – 2030. Chương trình hành động gồm 4 mục tiêu là tăng cường sự tham gia của phụ nữ, ứng phó tốt hơn với bạo lực trên cơ sở giới, tăng cường lồng ghép quan điểm về giới trong các công tác cứu trợ và phục hồi, tăng cường hợp tác quốc tế.