Tin tức - Hoạt động

Rằm tháng Bảy lễ Vu Lan

Cập nhật lúc 13:25 13/08/2024
Kể từ khi Phật giáo được truyền vào Việt Nam, ngày lễ Vu Lan (ngày Rằm tháng Bảy âm lịch hằng năm) đã trở thành truyền thống của tinh thần báo hiếu, báo ân, phù hợp với tinh thần tín ngưỡng thờ tổ tiên thiêng liêng của người dân Việt.
Lễ Vu Lan, ngày để tri ân và báo hiếu cha mẹ.
Lễ Vu Lan, ngày để tri ân và báo hiếu cha mẹ.

1. Lễ Vu Lan - Truyền thống dân tộc
Lễ Vu Lan trùng hợp với ngày Rằm tháng Bảy Xá tội vong nhân theo phong tục Á Đông. Theo tín ngưỡng dân gian, đây là ngày mở cửa ngục, ân xá cho vong nhân nên có lễ cúng cô hồn cho các vong linh không nhà cửa, không nơi nương tựa, không có thân nhân trên dương thế; đây cũng là ngày mọi tù nhân ở Địa ngục có cơ hội được xá tội, thoát sanh. Vì thế, ngoài mâm cúng ông bà, tổ tiên trong nhà thì vào lễ Vu Lan mọi người còn cúng thêm mâm ngoài trời gọi là cúng chúng sinh dành cho những cô hồn, ma đói không nơi nương tựa.
Đối với Phật giáo, trong dịp lễ Vu lan, phật tử thường cầu siêu cho người đã khuất, làm phúc bố thí, phóng sinh để tích phước cầu an, cầu mong cho cha mẹ được tăng phúc tăng thọ, hóa giải nghiệp chướng... Ngoài ra, trong dịp lễ Vu Lan, khi đến chùa, các phật tử sẽ được cài lên áo một bông hoa hồng: màu đỏ tượng trưng cho người còn mẹ và màu trắng cho ai đã mất mẹ. Với những ai may mắn được cài bông hồng đỏ trên ngực áo thì được nhắc nhở hãy cố gắng hết lòng vâng lời, hiếu kính, lễ phép với cha mẹ. Còn người cài hoa trắng sẽ thấy như một sự nhắc nhở không bao giờ quên ơn cha mẹ, đồng thời giữ nền nếp gia phong, anh em hòa thuận.
Ngày nay, Đại lễ Vu Lan đã được hiểu với ý nghĩa rộng hơn: Kêu gọi ý thức xã hội về tinh thần đền ơn đáp nghĩa của Đức Phật, khuyến khích con người tri ân, đền ơn bốn nguồn ân đức, đó là: Tri ân và đền ơn cha mẹ sinh thành; thầy cô giáo những người dạy dỗ, truyền đạt tri thức cho con người; tri ân các bậc tiền bối đã dựng xây đất nước, các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh mang lại độc lập, chủ quyền thiêng liêng cho đất nước và cuối cùng là tri ân chính đồng loại con người.
Trong thời đại ngày nay, tinh thần đạo hiếu cần được đề cao, biểu dương mạnh mẽ hơn để truyền thống đó luôn được bồi đắp, ngày càng trở thành sức mạnh văn hóa của dân tộc hôm nay và mãi mãi về sau.
 
Vu Lan của người Công giáo, chúng ta vui mừng cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một người Mẹ.
"Vu Lan" của người Công giáo, chúng ta vui mừng cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một người Mẹ.

2. Lễ Vu Lan với người Việt Nam Công giáo
Người Công giáo Việt Nam tuy không mừng lễ Vu Lan cách trọng thể như anh chị em Phật giáo nhưng nhiều người cũng biết ít nhiều về dịp lễ Vu Lan. Như vậy, nếu gạt đi màu sắc tôn giáo của Vu Lan, ta vẫn nhìn thấy ở nó chất chứa giá trị truyền thống về đạo hiếu từ lâu vốn đã ăn sâu vào trong tâm hồn người Việt, tín hữu Công giáo không là ngoại lệ. Người Công giáo nhìn nhận lễ Vu Lan như một dịp nhắc nhớ về công ơn cha mẹ và phần nào thôi thúc người tín hữu đền ơn đáp nghĩa sinh thành. 
Người Công giáo không mừng lễ Vu Lan nhưng lại sống “tinh thần Vu Lan”. Ở đây, ta hiểu “tinh thần Vu Lan” tức là tinh thần hiếu thuận theo nghĩa rộng. Nếu lọc đi ý nghĩa tôn giáo mà giữ lại ý nghĩa đạo đức của Vu Lan là dịp để báo hiếu và nhớ ơn các đấng sinh thành thì người Công giáo thật sự có “sống tinh thần Vu Lan”. Người Công giáo không giới hạn “tinh thần Vu Lan” trong một khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng là quanh năm suốt tháng. 
Trong thánh lễ hằng ngày, vị chủ tế luôn đọc đi đọc lại lời nguyện tuyệt vời sau: “Xin Chúa cũng nhớ đến …các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân bằng quyến thuộc chúng con đã ly trần trong tình thương của Chúa. Xin cho hết thảy được vào hưởng ánh sáng tôn nhan Chúa” (Kinh Nguyện Thánh Thể). Thánh lễ là cao điểm của Phụng vụ, là nơi quy hướng và tập trung tất cả sự thánh thiêng của Giáo hội. Chính trong cử hành quan trọng như vậy, Giáo hội Việt Nam lại nhắc nhớ con cái mình về công ơn của các bậc tiên nhân. 
Hoặc có thể kể đến những bài Thánh ca cầu cho cha mẹ được ngân vang trong thánh đường sau mỗi lễ dành cho thiếu nhi chẳng hạn? Giáo hội Việt Nam thừa hưởng đạo hiếu của dân tộc nên từ sớm đã khuyến khích và gieo mầm hiếu thuận nơi con cái của mình: “Xin Chúa í a chúc lành/ Cho đời cha mẹ của con/ Công ơn là như núi non/ Dưỡng nuôi con bao ngày vuông tròn” (Cầu cho cha mẹ - Nhạc sĩ Phanxicô). 
Đến đây, ta cũng nói đến một nhầm lẫn thường có trong tâm trí những người không Công giáo. Vì người Việt mỗi khi đến giỗ của ông bà thường tổ chức rất long trọng, có những người mời đến gần chục bàn chỉ để tổ chức giỗ. Trong khi đó, khi người Công giáo không có thói quen mời giỗ long trọng như vậy, người ta thường cho rằng người Công giáo không trọng đạo hiếu. Đây là một nhầm lẫn sai lạc và cần được làm rõ. Sở dĩ, người Công giáo không cúng kiến hay bày cỗ vào lễ giỗ là do quan điểm về cuộc sống đời sau có khác biệt với tư tưởng dân tộc. Theo tín ngưỡng dân gian, người ta thường cho rằng người chết vẫn có thể về “hưởng dùng” cách thiêng liêng những của vật dâng cúng nên thường bày mâm cỗ rất thịnh soạn. Còn người Công giáo Việt Nam, với quan điểm của mình, người thân đã qua đời không “hưởng dùng” như vậy. Điều mà con cháu có thể làm cho các bậc tiền nhân chính là cầu nguyện, là xin lễ với ý cầu cho các vị sớm hưởng nhan Chúa mà thôi. Chính vì lẽ đó, người Công giáo không tổ chức giỗ, bày mâm cỗ long trọng. Nhưng vào ngày các ngày giỗ, người Công giáo thường tập họp gia đình cùng nhau ăn bữa cơm, cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau hướng lòng về người đã mất. Nhất là trong tháng 11, tháng Giáo hội dành riêng cho các linh hồn tín hữu đã qua đời, người tín hữu được mời gọi cầu nguyện cách đặc biệt cho các vị không còn sống nơi dương thế nữa. 
Tóm lại, người Công giáo Việt Nam ý thức rất rõ về ý nghĩa của Vu Lan. Nếu không dừng lại ở việc xem đó là một dịp lễ của tôn giáo bạn, nhưng nhìn sâu hơn nơi thông điệp về đạo hiếu thì lễ Vu Lan rất hợp lẽ với những gì Giáo hội hằng răn dạy con cái mình. Đó là lòng hiếu thảo, thái độ biết ơn và nỗ lực sống tử tế để không phụ ơn các ngài.
FX. Đỗ Công Minh (st)
Thông tin khác:
Cùng nhau thi hành sứ vụ (13/08/2024)
Hướng dẫn Thi hành Điều lệ Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028 (12/08/2024)
Lần đầu tiên Việt Nam công bố Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh (10/08/2024)
Thường trực Ban Bí thư Lương Cường làm việc với Đảng đoàn MTTQ Việt Nam (08/08/2024)
Ý cầu nguyện tháng Tám 2024 của Đức Giáo hoàng: Cầu cho các nhà lãnh đạo chính trị (06/08/2024)
Tòa Thánh lên tiếng về sự xúc phạm người Kitô giáo trong lễ khai mạc Olympic (06/08/2024)
Cuộc gặp gỡ của năm tôn giáo để tôn vinh tình huynh đệ tại Thế Vận hội Olympic Paris (06/08/2024)
Hội đồng Giám mục Việt Nam giới thiệu biểu tượng (Logo) chính thức (06/08/2024)
Vị Giám mục của hòa giải (05/08/2024)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log