Đoàn cảnh sát này gồm khoảng 130 nhân viên, có nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự quanh khu vực Vatican, đồng thời cũng bảo vệ an ninh cho ĐTC trong các cuộc viếng thăm tại Ý, cũng như cứu xét và cấp giấy phép cư trú cho các linh mục và tu sĩ nước ngoài.
Hiện diện trong buổi tiếp kiến có Bộ trưởng Nội vụ, Luciana Lamorgese và Cục trưởng Cảnh sát Franco Gabrielli, cũng như gia đình của các cảnh sát.
Lịch sử phục vụ của Phân bộ Cảnh sát Ý cạnh Vatican
Đức Thánh Cha lưu ý rằng dịp kỷ niệm ngày thành lập Sở Cảnh sát này là một dịp để tạ ơn Chúa về công lao của nhiều cảnh sát Ý trong suốt 75 năm đã giữ mối quan hệ bền vững và nhiệt thành giữa Tòa thánh và Nước Ý.
Ngoài việc thành lập Quốc gia thành Vatican, Hiệp định Laterano năm 1929 cũng đưa ra các sắp xếp cụ thể cho quảng trường thánh Phê-rô, khách hành hương và khách du lịch được vào quảng trường dưới sự giám sát của chính quyền Ý. Sau đó, vào tháng 3/1945, Văn phòng an ninh công cộng biệt đặc biệt được thành lập. Ngày nay là Phân Bộ Cảnh sát Ý cạnh Vatican.
Đức Thánh Cha đánh giá hoạt động của Phân bộ Cảnh sát là dấu hiệu sự hợp tác hiệu quả giữa Ý và Tòa thánh, và giữa Phân bộ Cảnh sát cạnh Vatican và các cơ quan của Vatican chịu trách nhiệm về trật tự và an ninh công cộng cho Đức Giáo hoàng.
Cảm ơn
Ngài bày tỏ lòng biết ơn đối với các quan chức vì sự phục vụ siêng năng, chuyên nghiệp và hy sinh của họ, đặc biệt sự kiên nhẫn của họ trong cách cư xử với những người có nguồn gốc và văn hóa đa dạng. Ngài cũng cảm ơn họ đã dấn thân đồng hành với ngài trong các chuyến viếng thăm ở Roma và ở Ý; ngài thừa nhận rằng đó là “một công việc khó khăn” để đảm bảo rằng chuyến đi của Đức Giáo hoàng không làm mất đi tính cách cụ thể của “cuộc gặp gỡ với Dân Chúa.”
Các giá trị thiêng liêng và nhân bản
Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích các nhân viên an ninh xem công việc của họ như một lời nhắc nhở thường xuyên về những giá trị cao nhất - những giá trị nhân văn và thiêng liêng cần được đón nhận và làm chứng hàng ngày. Ngài cũng hy vọng rằng công việc khó khăn của họ, được hoàn thành với sự hy sinh và chấp nhận nguy hiểm, sẽ được thúc đẩy bởi đức tin Ki-tô giáo, là “kho tàng thiêng liêng quý giá nhất” được ủy thác cho gia đình họ để truyền lại cho con cái.
Hồng Thủy - Vatican News