Gần đây, một một vụ bạo lực học đường diễn ra giữa các học sinh ở một Trường quốc tế (hệ trung học phổ thông) tại thành phố Hồ Chí Minh khiến rất nhiều phụ huynh, học sinh và cộng đồng bức xúc.
Mạng xã hội xuất hiện hàng loạt clip liên quan đến sự việc một nữ sinh học tại trường Quốc tế ở TP.HCM bị đàn chị bạo hành. Gần đây, một một vụ bạo lực học đường diễn ra giữa các học sinh ở một Trường quốc tế (hệ trung học phổ thông) tại thành phố Hồ Chí Minh khiến rất nhiều phụ huynh, học sinh và cộng đồng bức xúc. Rất nhiều thông tin phản hồi tiêu cực về trường hợp này xuất hiện trên mạng và khiến cho nhiều người phản ứng mạnh bằng cách vào công cụ tìm kiếm cụm từ “trường quốc tế” để đánh giá chất lượng. Tuy nhiên, sự hàm hồ của đám đông đã dẫn đến một sự cố nhầm lẫn đáng tiếc là trường Đại học quốc tế, thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là đang trong mùa tuyển sinh. Nhà trường bị oan đã lên tiếng để lấy lại thanh danh, nhưng đôi khi sự kiện đã bị đẩy đi quá xa. Sự đính chính đã không thể minh oan ngay cho cơ sở đào tạo này khi có hàng nghìn bình luận và rất nhiều đánh giá chất lượng qua review ở mức 1 sao. Sự lan tràn tâm lý đám đông trong việc đánh giá chất lượng cơ sở đào tạo này được cho là từ phát sóng trực tiếp tố cáo nhà trường của nữ phụ huyng có con bị đánh. Bà cho rằng nhà trường là phản ứng chối bỏ trách nhiệm khi xảy ra vụ việc. Cuộc livestream này đã thu hút đến 4 triệu 4 lượt xem, hơn 90.800 lượt like, hơn 36.000 lượt bình luận và 17.600 lượt chia sẻ. Ngoài ra, hàng loạt fanpage, trang tin điện tử đăng tải vụ việc và nhận được sự quan tâm, chia sẻ rộng rãi của cư dân mạng. Điều này cho thấy sức ảnh hưởng mạnh mẽ của truyền thông mạng, nó có sức công phá và tạo dư luận ghê gớm. Tuy nhiên vấn đề đặt ra ở đây là tính xác thực của thông tin đến đâu. Những thông tin đưa ra trên trang cá nhân có phải đều là sự thật? Rõ ràng người theo dõi khó có thể kiểm chứng ngay và chính xác những thông tin này. Hơn thế họ sẽ bị ảnh hưởng của cảm xúc người trong cuộc cuốn theo, làm mờ ý thức lý tính, cuối cùng bị cuốn vào tâm lý đám đông và họ cho mình quyền tài phán, kết án một vấn đề nào đó. Hiện trạng trên cũng cho thấy văn hóa đối thoại trên không gian mạng hiện nay đang gặp vấn đề trở ngại lớn về mặt ngôn ngữ và và kiểm chứng. Ở đó nếu theo dõi, người ta sẽ thấy nhan nhản những lời lẽ khiếm nhã, những bình luận mất lịch sự mang đầy tính chủ quan, theo cảm xúc yêu ghét của người xem. Đã có những trường hợp phát sóng trực tiếp qua internet chỉ để thỏa mãn cá nhân, gây xúc phạm đến danh dự người khác và bị khởi tố. Hiện nay, nhiều người cho mình quyền phán xử người khác và tự do thể hiện cái tôi cá nhân trên mạng. Nhưng có ai biết rằng, khi nhiều người cùng tham gia vào một trò chơi có tính chất tâm lý đám đông như vậy, có thể ảnh hưởng lớn đến danh dự của cá nhân và tổ chức. Trở lại trường hợp của phụ huynh có con bị bạo lực, nếu như người đánh giá cân nhắc hơn có thể đã không xảy ra nhầm lẫn đáng tiếc, làm ảnh hưởng đến cả một cơ sở đào tạo. Người ta nói mạng là ảo, nhưng chưa bao giờ các hệ quả nó lại thật như vậy. Mặt khác, con người ngày nay được mệnh danh là “cư dân mạng” trong thời cách mạng 4.0, nhưng xem ra hành trang văn hóa và kiến thức để đáp ứng là một công dân toàn cầu trong thế giới số hóa cần phải được bồi đắp hơn bao giờ hết. Công nghệ có thể đem cho người ta tiện ích lớn qua mở rộng tri thức. Dù vậy trong thế giới ảo đó có rất nhiều “rác” công nghệ mà người tham gia rất dễ dàng bị ô nhiễm. Hãy cẩn trọng hơn trước khi bình luận đánh giá một ai đó, vì những căn cứ bạn biết, chưa chắc đã phải là sự thật!.
Hạnh Nguyên
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội .
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com