Tin tức - Hoạt động

Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Giám mục giáo phận Hải Phòng

Cập nhật lúc 16:14 21/03/2022
18 giờ ngày 19.3.2022, Văn phòng Báo chí Tòa Thánh thông báo Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức cha Vinhsơn Nguyễn Văn Bản làm Giám mục Chánh tòa giáo phận Hải Phòng, kiêm Giám quản Tông tòa giáo phận Ban Mê Thuột


Đức cha Vinhsơn Nguyễn Văn Bản, 66 tuổi, là Giám mục Chánh tòa giáo phận Ban Mê Thuột từ năm 2009 cho đến nay. Giáo phận Hải Phòng trống tòa từ tháng 11.2018, khi Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Hà Nội.
 
TIỂU SỬ ĐỨC CHA VINHSƠN NGUYỄN VĂN BẢN

Đức cha Vinhsơn Nguyễn Văn Bản sinh ngày 26.11.1956 tại giáo xứ Tuy Hòa, giáo phận Qui Nhơn, là con thứ bảy trong số chín người con của ông bà Nguyễn Văn Biện và Maria Hoàng Thị Lụa. Ngài theo học tại Tiểu Chủng viện Qui Nhơn từ năm 1968 đến 1975, rồi học triết và thần học tại Trung tâm Huấn luyện Mằng Lăng, Tuy An từ năm 1975 đến 1988.

Ngài thụ phong linh mục ngày 16.9.1993, làm phó xứ Tuy Hòa từ năm 1993 đến 1996. Từ năm 1996 đến 2005, ngài theo học tại Học viện Công giáo Paris và tốt nghiệp Thạc sĩ Thần học. Năm 2005, ngài trở về, phụ trách huấn luyện các chủng sinh của giáo phận Qui Nhơn và giảng dạy tại Đại Chủng viện Sao Biển, Nha Trang. Từ ngày 5 đến 26.10.2008, ngài làm chuyên viên của Thượng Hội đồng Giám mục thế giới kỳ thứ 12 tại Rome.

Ngày 21.2.2009, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI bổ nhiệm ngài làm Giám mục giáo phận Ban Mê Thuột. Lễ tấn phong giám mục tổ chức tại nhà thờ Chánh tòa Ban Mê Thuột ngày 12.5.2009, do Đức cha Stêphanô Nguyễn Như Thể, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế chủ phong; Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri, Giám mục Đà Nẵng và Đức cha Giuse Võ Đức Minh, Giám mục Phó Nha Trang, phụ phong.

Khẩu hiệu Giám mục của Đức cha Vinhsơn Nguyễn Văn Bản là “Spiritu ambulate - Bước theo Thần Khí”, với ý nghĩa mong muốn được thuộc trọn về Chúa và Giáo hội theo tinh thần của thánh Phaolô tông đồ, trích đoạn theo thư thánh Phaolô gởi Galate: Thánh Phaolô mời gọi người tín hữu sống trong sự tự do mà Ðức Kitô đem lại, chứ đừng quá lệ thuộc vào cách suy nghĩ của người đời, vì thế, ngài mời gọi Kitô hữu trung thành với lựa chọn ban đầu là bước theo Thần Khí để cái chết của Ðức Kitô tiếp tục phát sinh sự sống nơi đời sống của mình.

Đức Giám mục Vinhsơn Nguyễn Văn Bản đảm trách cương vị Chủ tịch Ủy ban Thánh nhạc thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam trong ba nhiệm kỳ liên tiếp: 2010 - 2013, 2013 - 2016 và 2016 - 2019. Trong nhiệm kỳ 2019 - 2022, ngài đảm trách vai trò Chủ tịch Ủy ban Kinh Thánh.
**

SƠ LƯỢC VỀ GIÁO PHẬN HẢI PHÒNG

Năm 1679, Đức Innocens XI (1676-1689) chia giáo phận Đàng Ngoài làm hai: Đông Đàng Ngoài và Tây Đàng Ngoài, lấy sông Hồng và sông Lô làm ranh giới. Linh mục François Deydier Phan, thuộc Hội Thừa sai Paris, được đặt làm Giám mục tiên khởi của giáo phận Đông Đàng Ngoài, lúc đó Tòa Giám mục ở Phố Hiến (tên một cảng nằm trên tả ngạn sông Hồng, phía nam thị xã Hưng Yên ngày nay); sau đời Đức cha Deydier, Tòa Giám mục thường đặt ở vùng Bùi Chu, đôi khi ở Kẻ Sặt, Hải Dương.

Ngày 5.9.1848, Đức Piô IX (1848-1878) ban Chiếu thư chia tỉnh Nam Định và tỉnh Hưng Yên, lập thành giáo phận Trung, phần đất còn lại giữ tên cũ là giáo phận Đông, do Đức cha Jeronimo Hermosilla Liêm, Giám mục tiên khởi người Tây Ban Nha, coi sóc. Ngày 6.11.1861, ngài tử đạo tại khu Năm Mẫu (Hải Dương). Trong thời Đức cha Liêm, giáo phận có diện tích rộng, lúc này giáo dân đã lên tới con số 45.000, ở rải rác trong 327 xứ và họ trên tổng số dân là 3 triệu người. Tòa Giám mục khi ở Nam Am, khi ở Kẻ Mốt (thuộc Bắc Ninh ngày nay). Giáo phận Đông đã có các trường Lý Đoán (Đại Chủng viện) và La Tinh (Tiểu chủng viện) ở Đông Xuyên, Kẻ Mốt, Tử Nê.

Ngày 29.5.1883, Đức Lêô XIII (1878-1889) công bố Chiếu thư lập giáo phận Bắc. Phần còn lại gồm các tỉnh Hải Dương (bấy giờ gồm cả Kiến An), Quảng Yên và Hải Ninh (tức Móng Cái), vẫn giữ tên cũ là giáo phận Đông do Đức cha Jose Terrès Hiến coi sóc. Tòa Giám mục đặt ở Hải Dương. Hải Phòng khi ấy là “sở cha chính”, nhưng năm 1880, cha chính Salvador Masso Tế đã xây nhà thờ Chánh tòa.

Năm 1890, Đức cha Terrès Hiến dời Tòa Giám mục từ Hải Dương ra Hải Phòng, còn “sở cha chính” chuyển sang Liễu Dinh một thời gian rồi đưa về Kẻ Sặt. Hàng giáo sĩ năm 1892 có Đức cha Terrès Hiến, 32 linh mục triều, 8 thừa sai, 2 cha dòng người Việt, 82 thầy giảng, 20 chủng sinh thần học, 20 chủng sinh triết, 20 tiểu chủng sinh, 281 học sinh trường thử và 41.120 giáo dân.

Ngày 3.12.1924, Tòa Thánh đổi tên giáo phận Đông theo địa hạt hành chính của nơi đặt Tòa Giám mục, thành giáo phận Hải Phòng, lúc bấy giờ do Đức cha Francisco Ruiz de Azua Minh (1919-1929) coi sóc.

Giáo phận Hải Phòng nằm trên thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Hải Dương và một phần tỉnh Hưng Yên với diện tích là 9.079,10 km2. Giáo phận hiện có 134.000 giáo dân, 98 giáo xứ, 350 nhà thờ, 112 linh mục triều, 3 linh mục dòng, 9 cộng đoàn dòng tu và 1 tu hội, 61 chủng sinh.
**

SƠ LƯỢC VỀ GIÁO PHẬN BAN MÊ THUỘT

Ngày 29.1.1934, Đức cha Jannin Phước, Giám mục Kon Tum, dẫn một phái đoàn đến Ban Mê Thuột để nghiên cứu tình hình và chọn địa điểm xây dựng một cơ sở Công giáo tương lai. Sau đó Đức cha Jannin nhờ thầy Hiền, một thầy giảng (Yao phu) thuộc họ đạo Mang Yang, đi giúp lập giáo họ Ban Mê Thuột. Thầy đến nhiệm sở ngày 15.5.1934, cùng với bổn đạo Ban Mê Thuột xây cất nhà nguyện. Giáo họ Ban Mê Thuột chính thức được thành lập vào ngày 15.8.1934.

Ngày 30.3.1937, Đức cha Jannin Phước, Giám mục địa phận Kon Tum, nâng giáo họ Ban Mê Thuột lên hàng giáo xứ và chủ sự nghi thức bổ nhiệm cha Phêrô Nguyễn Đắc Cẩn làm cha sở tiên khởi. Ngày 22.4.1942, Tòa Thánh bổ nhiệm Đức cha Sion Khâm làm Giám mục Kon Tum. Ngài nhậm chức tháng 5.1942 và ngày 26.7.1942, bổ nhiệm cha Romeuf Phương coi sóc giáo xứ Ban Mê Thuột.

Ngày 22.06.1967, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI ra sắc chỉ “Qui Dei Benignitate” thiết lập giáo phận Ban Mê Thuột; và bổ nhiệm Đức cha Phêrô Nguyễn Huy Mai làm Giám mục tiên khởi với sắc chỉ “Qui Omnium Catholicae”. Lễ tấn phong giám mục được cử hành tại Vương Cung Thánh Đường Sài Gòn ngày 15.8.1967. Lễ nhậm chức tại nhà thờ Chánh tòa Ban Mê Thuột ngày 22.8.1967. Bổn mạng Giáo phận Ban Mê Thuột là các thánh tử đạo Việt Nam.

Giáo phận Ban Mê Thuột hiện có 182 linh mục triều, 42 linh mục dòng đang mục vụ. Số giáo xứ chính thức: 112, được chia thành 8 giáo hạt. Hiện tại, số giáo dân hơn 470.000 người, theo thống kê của Tòa Giám mục Ban Mê Thuột năm 2022.
 
 
Thông tin khác:
Malaysia khánh thành nhà nguyện Kitô giáo đầu tiên trong bệnh viện (22/03/2022)
ĐTC thăm trẻ em tị nạn Ucraina tại bệnh viện Bambino Gesù của Vatican (22/03/2022)
Tạo đột phá về cơ chế, đa dạng hóa các nguồn lực để phát triển nhà ở xã hội (21/03/2022)
Thái Nguyên: Hiện thực hóa ước mơ về nhà ở cho hộ nghèo (21/03/2022)
Tự Lực Văn Đoàn (20/03/2022)
Thi ảnh về đề tài xây dựng nông thôn mới (20/03/2022)
Nhiều hoạt động thiết thực bảo vệ môi trường tại Thanh Hóa (20/03/2022)
Xăng dầu tăng giá ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp (19/03/2022)
Người trẻ và văn hóa đọc: Thói quen tích cực cần lan tỏa (18/03/2022)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log