Lượng người mua xăng chen chúc từ chiều 10/3 tại nhiều cây xăng. Ảnh: CTV |
Từ đầu năm nay, giá xăng, dầu được điều chỉnh 7 đợt và tính từ ngày 25/12/2021 đến lần tăng giá gần nhất (11/3/2022), làm cho giá xăng hơn 6.500 đồng/lít. Cụ thể tính đến lần tăng giá ngày 11/3/2022 giá xăng RON 95 lên mức 29.824 đồng/lít, giá xăng E5 RON 92 lên đến 28.985 đồng.
Xăng, dầu tăng giá đã gây ra những tác động không nhỏ tới đời sống của người dân, nhất là với gia đình có thu nhập thấp và trung bình, khi mà nhiều hàng hóa được điều chỉnh tăng giá do tác động của tăng giá xăng. Những gia đình này buộc phải cân đối lại tài chính và thắt chặt chi tiêu hằng ngày.
“Ngày trước tôi đi mua rau chỉ có 5.000 - 7.000 đồng, giờ lên 10.000 - 12.000 đồng là chuyện bình thường. Trước kia mua 100.000 đồng là đầy bình xăng xe máy rồi, nhưng bây giờ phải thêm 40.000 đồng nữa mới được đầy bình” - Chị Nguyễn Thu Uyên chia sẻ
Đối với các doanh nghiệp, việc giá xăng dầu ở mức cao cũng tác động lớn đến chi phí sản xuất, kinh doanh. Anh Nguyễn Văn Điền, Giám đốc Công ty Cổ phần Tự động hóa An Huy - cho biết: “Xăng tăng giá khiến cho chi phí vận chuyển vật tư tăng cao dẫn đến giá thành sản phẩm cũng tăng đáng kể. Doanh nghiệp đang cố gắng tối ưu mọi chi phí nhất có thể để giảm chi phí đầu vào nhưng vẫn xác định sẽ rất khó khăn. Vì thế chúng tôi đang tìm cách thương lượng với khách hàng để điều chỉnh giá sản phẩm thích ứng với tác động từ tăng giá xăng dầu”
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, giá xăng dầu tăng mạnh đang tác động đến những yếu tố đầu vào của doanh nghiệp ngoài giá nguyên phụ liệu tăng; trong đó có chi phí vận chuyển từ xưởng sản xuất, nguyên liệu, chi phí chạy dầu của nhiều máy móc thiết bị... với mức giá dầu tăng mạnh như hiện nay khiến chi phí doanh nghiệp nhìn chung bị đội lên khoảng 20-25%, gồm cước vận chuyển, chi phí nguyên phụ liệu sản xuất. Nhiều doanh nghiệp đã phải tính toán phần chi phí đội lên này vào cơ cấu giá thành sản xuất, điều này đồng nghĩa với giá thành sản phẩm và giá hàng hóa sẽ tăng, cuối cùng đời sống người dân sẽ bị ảnh hưởng.
Bộ Tài chính đánh giá, xăng dầu tăng giá đã tạo áp lực lên các dịch vụ vận tải hành khách, hàng hóa đường bộ. Hiện các doanh nghiệp vận tải đều đang tính toán để tăng giá cước
Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông vận tải có hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố tham mưu cho UBND theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu. Trên cơ sở đó, tăng cường tổ chức rà soát kê khai giá của doanh nghiệp để đánh giá việc tăng giá có phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào hay không, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong các yếu tố hình thành giá.
Để hạn chế hiệu ứng từ tăng giá dây chuyền tác động đến giá cả của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ trên thị trường, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp về quản lý, điều hành để bình ổn giá, hạn chế những biến động của mặt bằng giá gây tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Trong đó, Bộ Công thương tiếp tục triển khai các biện pháp điều hành để ổn định nguồn cung. Nắm bắt dự báo, diễn biến giá xăng dầu thế giới để có phương án điều hành phù hợp. Sử dụng Quỹ bình ổn giá hợp lý, linh hoạt để hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước. Đồng thời tổ chức thực hiện và chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, lợi dụng diễn biến giá xăng dầu để tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý,...