Tin tức - Hoạt động

Người trẻ và văn hóa đọc: Thói quen tích cực cần lan tỏa

Cập nhật lúc 06:29 18/03/2022
Sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin hiện đại đã tạo ra những thay đổi trong đời sống con người, đặc biệt là giới trẻ trong việc tiếp cận và tiếp nhận thông tin, giải trí. Việc đọc sách cũng vì thế mà thay đổi sâu sắc. Người trẻ cùng câu chuyện văn hóa đọc dù không mới nhưng luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Sách – kho tàng tri thức quý báu

Văn hóa đọc hiểu một cách đơn giản là đọc sách có văn hóa, “là thái độ, là cách ứng xử của chúng ta đối với tri thức sách vở” (theo PGS.TS nhà ngôn ngữ học Phạm Văn Tình). Từ lâu sách đã hiện diện trong đời sống con người, những tri thức, hình ảnh, sự việc, sự kiện mà chúng ta đang được tiếp nhận ngày nay một phần lớn chính là do được xây dựng từ nền tảng kiến thức lưu truyền trong những trang sách cổ xưa.

Đối với những người trẻ, nâng cao văn hóa đọc, tích lũy tri thức là yếu tố quan trọng giúp hình thành nên những lớp công dân có hiểu biết và trí tuệ cao, từ đó góp phần phát triển đất nước ngày càng hiện đại. Đơn giản hơn chính là điều kiện đời sống, vốn kiến thức và kỹ năng của bản thân mỗi người đều được cải thiện theo chiều hướng tích cực. Anh Nguyễn Hạo Nam (26 tuổi, giảng viên tại Thành phố Hồ Chí Minh) hiện đang sở hữu một kho tàng sách với gần 13 nghìn quyển đủ các thể loại từ văn học nghệ thuật, văn hóa xã hội đến thể loại kì ảo, khoa học viễn tưởng,…Anh cho biết bản thân đã bắt đầu đọc và sưu tầm sách từ khi học lớp 3, đến nay đã được 19 năm

“Đối với anh, sách là thế giới. Nhờ đọc sách, cách diễn đạt và vốn từ tiếng Việt của anh cũng trở nên phong phú hơn, không gặp khó khăn khi học Sử - Địa vì anh đã từng đọc qua trong những cuốn sách. Cũng nhờ việc đọc sách và truyện tranh mà anh đã có hứng thú với lịch sử - văn hóa Nhật Bản và anh đã chọn chuyên ngành Ngôn ngữ Nhật khi học đại học. Anh nghĩ nếu không nhờ đọc sách và truyện tranh, anh đã không thể chọn cho mình một công việc và chuyên ngành phù hợp” – anh Nam chia sẻ thêm.

Những con chữ, kiến thức trong sách không còn là thứ gì đó khô khan, khó hiểu, khó tưởng tượng nếu như chúng ta chịu khó dành thời gian ra để nghiền ngẫm, tìm hiểu một cách sâu sắc. Đọc được một quyển sách hay cũng giống việc kết thêm được một người bạn tốt, như đang “trò chuyện với các bộ óc tuyệt vời nhất của những thế kỷ đã trôi qua” (Rene Descartes).

Bạn Ngọc Diễm (21 tuổi, du học sinh Nga) cho biết: “Mỗi khi đọc một tác phẩm nào đó, mình đều dành thời gian để suy ngẫm thật kỹ những lời văn, câu từ mà tác giả viết ra. Bên cạnh đó, khi có dịp về Việt Nam thì mình đều cố gắng mua và mang thêm sách sang đây, đặc biệt là những quyển văn học Nga kinh điển. Cùng với việc đọc bản tiếng Nga của sách, mình vừa trau dồi được ngôn ngữ, vừa có thể giải trí”.

Lan tỏa hơn nữa văn hóa đọc trong giới trẻ

Trong thời kỳ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ như hiện nay, ngoài những tiện lợi mà nó đem lại cho đời sống con người thì một sự thật rằng chính văn hóa nghe – nhìn với sự hấp dẫn, đa dạng về hình thức, chất lượng đã và đang dần lấn át đi văn hóa đọc truyền thống của giới trẻ. Theo số liệu khảo sát của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (ISEE), khi được hỏi vào thời gian rảnh thường làm việc gì, kết quả thu được cho thấy chỉ có 15% số bạn trẻ trả lời là đọc sách, còn lại chủ yếu là lên mạng, xem phim, nghe nhạc,…

Nhằm khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách đồng thời nâng cao ý thức về tầm quan trọng của việc đọc sách, khẳng định giá trị của sách, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là “Ngày Sách Việt Nam”. Trong những năm qua, cũng đã có rất nhiều các hội sách diễn ra để lan tỏa mạnh mẽ hơn văn hóa đọc trong cộng đồng nói chung và với giới trẻ nói riêng như: Hội sách Hà Nội, hội sách “Dọn kho đón Tết” do Công ty Sách Nhã Nam tổ chức ở cả ba miền, các hội chợ sách cũ,…Tại đây, các bạn trẻ có thể tìm kiếm cho mình những đầu sách hay, phong phú về thể loại với mức giá rất hợp túi tiền.

Trên Facebook, trang mạng xã hội được nhiều người Việt Nam sử dụng nhất hiện nay, rất nhiều hội nhóm về chủ đề sách được thành lập. Đây là cơ hội để giao lưu, học hỏi và chia sẻ giữa những người yêu thích sách với nhau. Có những bạn học sinh mới 12, 13 tuổi cũng đã tham gia, có thể là chia sẻ cảm nhận về các tác phẩm văn học được học trên lớp. Nhiều nhóm có lượng thành viên và lượt tương tác “khủng”, cho thấy mức độ quan tâm việc đọc sách đang gia tăng với chiều hướng tích cực như: “Mọt Sách Giấy – Review và Săn Sale sách” với hơn 163 nghìn thành viên, “Nhã Nam Reading Club” hơn 137 nghìn thành viên, “Hội Yêu Sách” 134 nghìn thành viên,…

ều thư viện sách tại địa phương được lập ra với mục đích giúp đỡ những người yêu sách, đặc biệt là các em thiếu nhi có cơ hội được tiếp cận với sách dễ dàng hơn. Một mô hình cũng đang nhận được nhiều sự quan tâm từ các bạn trẻ chính là quán cà phê sách - sự kết hợp giữa văn hóa đọc và văn hóa cà phê. Anh Hoàng Đạt (36 tuổi, chủ một quán cà phê sách tại Hà Nội) cho biết, bản thân anh là người yêu thích việc đọc sách, nhất là trong một không gian tĩnh lặng. Chính đam mê này đã thôi thúc anh nghỉ việc tại ngân hàng và mở quán cà phê sách Station Green Coffee - một nơi được cây xanh bao bọc, tạo nên khung cảnh rất yên bình.

“Theo anh đọc là một hành vi chủ động bởi mình tự chọn sách, cầm sách, mở sách và làm chủ câu văn để nắm bắt nội dung. Các bạn trẻ đến quán anh thì tự chọn đọc thể loại sách theo sở thích, bạn mơ mộng thì đọc tiểu thuyết, có những bạn thích khởi nghiệp hay kinh doanh thì đến ngồi đọc các cuốn sách để được truyền cảm hứng. Anh nghĩ việc đọc là cần thiết, nó nuôi dưỡng tâm hồn, tư duy và cả khơi những ước mơ cho mỗi người nữa” - anh Đạt chia sẻ thêm

Tích cực lan tỏa văn hóa đọc trong giới trẻ là việc làm cần thiết, chính điều này góp phần nâng cao tri thức để các bạn có thể thích ứng và bắt kịp với sự phát triển của xã hội hiện đại ngày nay, góp sức giúp đất nước ngày càng đi lên. Giống như nhà chính trị Mahatma Gandhi (Ấn Độ) đã từng nói: “Không cần phải đốt sách để phá hủy một nền văn hóa. Chỉ cần buộc người ta ngừng đọc mà thôi”.
 
Thùy Dương
Thông tin khác:
Nguy cơ thất truyền nghề làm cốm truyền thống (17/03/2022)
Lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh thăm nhà nghiên cứu Giuse Nguyễn Đình Đầu (17/03/2022)
Phân ưu (16/03/2022)
Bình Dương: Trao sổ tiết kiệm, tặng quà cho 40 trẻ em mồ côi do Covid - 19 (16/03/2022)
Đại sứ quán Việt Nam tại Nga tiếp tục phối hợp đón đồng bào sơ tán từ Ukraine (16/03/2022)
Ấm áp những căn nhà đại đoàn kết tại huyện Điện Biên Đông (16/03/2022)
Chào mừng tháng thanh niên 2022 (15/03/2022)
Mạng lưới đường bộ cao tốc Nam Bộ (15/03/2022)
Tôn giáo trong cuộc chiến tại Ucraina (14/03/2022)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log