Giáo sư Lương Tấn Thành- một con người tài năng, đức độ, khiêm nhường… nhiệt huyết hăng say trong lao động khoa học, song cũng hết mình trong phong trào kính Chúa yêu Nước, sống tốt đời đẹp đạo. Sau một thời gian rất ngắn lâm bệnh, đã được tập thể y bác sỹ bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Lão khoa tận tình cứu chữa nhưng vì tuổi cao, bệnh già ông đã ra đi ở tuổi 84 vào hồi 14 giờ 10 phút ngày 20/4/2010 tại nhà riêng. Sáng 24/4, gia đình, bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Lão khoa, Ủy ban MTTQVN, Ủy ban ĐKCGVN toàn quốc và Hà Nội, bà con khối phố, phường Nguyễn Trung Trực… đã tổ chức tiễn biệt Giáo sư, Thầy thuốc nhân dân Lương Tấn Thành về nơi an nghỉ cuối cùng tại nhà tang lễ số 5 Lê Thánh Tông- Hà Nội.
Giáo sư Lương Tấn Thành sinh 20/3/1927 tại phố Hàng Mã- Hà Nội, là con của một gia đình Công giáo, công chức Hà Nội gốc; có nếp sống giản dị, Giáo sư Lương Tấn Thành học phổ thông tại trường Bưởi, năm 1949 là sinh viên Khoa Y dược- ĐH Dược Hà Nội; 6/1954, tốt nghiệp với danh hiệu thủ khoa. Những năm tháng kháng chiến, đã ở lại giúp bệnh nhân phục vụ chiến đấu. Tháng 10/1954, ông đã cùng Đoàn Y tế Thủ đô tiếp quản bệnh viện Bạch Mai, đón chào bộ đội trở về. Cũng vào dịp này, ông được giao ngay một công việc quan trọng là phụ trách toàn bộ lĩnh vực sinh hóa của bệnh viện Bạch Mai. Từ ngày đó đến ngày nghỉ. Với tư cách Trưởng khoa, ông cùng anh em trong khoa, xây dựng khoa Hóa sinh ở đây từ một khoa tồi tàn ở những năm đầu tiếp quản, nay là một khoa hiện đại. Trong nhưng năm khó khăn, ông đã nghiên cứu thành công giấy thử phân ‘hiện nhanh’ dùng trong xét nghiệm nước tiểu; việc làm này có ý nghĩa đặc biệt, giúp cho bệnh nhân thử, nhận kết quả ngay tại trạm… đỡ tốn kém thời gian, công sức lên tuyến trên. Ông còn bàn bạc với Kĩ sư Vũ Trọng Đăng chế tạo ra ‘máy điện dẫn’ đầu tiên tại Việt Nam… Ông quan tâm, đòi hỏi cộng sự trung thực, chính xác. Ông là chuyên gia đầu ngành về sinh hóa lâm sàng, ông được phong hàm giáo sư năm 1991, tham gia giảng dạy đại học, sau đại học, đào tạo, chủ trì hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh, làm chủ biên cuốn Kiểm tra chất lượng xét nghiệm… Ông còn tham gia cùng các đoàn khảo sát Bộ Y tế, tư vấn cho bộ nhiều ý kiến hay, thiết thực; ông cũng tham gia nhóm ghép thận đầu tiên tại nước ta. Ông luôn có một đời sống thanh thản, giản dị, luôn đi lại bằng chiếc xe đạp phô-giô.
Ngoài ra, Giáo sư Lương Tấn Thành còn nhiệt tình tham gia các phong trào xã hội như: Phó Chủ tịch Hội Hóa sinh Việt Nam, Ủy viên BCH chư thập đỏ Hà Nội; Ủy viên Ủy ban MTTQVN, Ủy viên MTTQ Hà Nội và phường nhiều khóa, Ủy viên HĐND thành phố nhiều khóa. Về phong trào thi đua kính Chúa yêu Nước, ông cũng thật nhiệt thành, tham gia phát biểu chân tình được nhiều đại biểu là các linh mục, tu sỹ và giáo dân trân trọng lắng nghe, ông đã tín nhiệm được nhiều kì đại hội của phong trào bầu vào cương vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban ĐKCGVN, Phó Chủ tịch Ủy ban ĐKCG Hà Nội nhiều khóa. Ông được Nhà nước đánh giá cao, tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba; Huân chương kháng chiến chống mỹ; Huân chương Đại đoàn kết Toàn dân…
Nói về gia đình giáo sư: Người bạn đời ông vốn là giáo viên Xanh Maria nhưng vì yêu chồng, yêu nghề của chồng, bà đã theo học và về cùng cống hiến nhiều năm tại Bệnh viện Bạch Mai; ông bà có hai người con gái đều là những người con chăm ngoan, hiếu học… cả con gái và con rể đều là tiến sỹ ngành y, các cháu cũng nối nghiệp… đều thành tài.
Giáo sư Lương Tấn Thành mất đi là một mất mát lớn trong ngành y; phong trào kính Chúa yêu Nước mất đi một nhân sỹ mẫu mực… Trước khi đưa giáo sư về nơi an nghỉ cuối cùng, linh cữu giáo sư được đưa về nhà thờ giáo xứ Cửa Bắc để Cha xứ làm lễ an táng. Trong Thánh lễ, hai cha chính, phó đã dành thời gian chia sẻ cùng gia đình và các tổ chức giáo sư đã từng tham gia, hoạt động về tham dự Thánh lễ về tấm gương mẫu mực của giáo sư. Xin vĩnh biệt Giáo sư Lương Tấn Thành!



