Nhà thờ giáo xứ Điền Hộ. Ảnh: Đăng Định |
Giáo xứ Điền Hộ nằm trên địa bàn xã Nga Điền, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Mảnh đất này được coi là cầu nối giữa Thanh Hóa và Ninh Bình. Nơi đây có nhiều phong cảnh đẹp, đồng thời cũng là nơi sinh ra nhiều mục tử nhiệt thành, có tấm lòng yêu mến Giáo hội. Đức cha cố Bartôlômêô Nguyên Sơn Lâm (nguyên Giám mục giáo phận Thanh Hóa) là một trong những gương sáng ấy. Đây là một giáo xứ có truyền thống sốt sắng vế đời sống đức tin.
Lịch sử hình thành và phát triển Điền Hộ tên chữ là Tòng Chính, một phần đất biển bồi. Đời vua Thiệu Trị, cha Kỳ đang coi sóc xứ Hảo Nho (Ninh Bình) về họ Chính Đại làm phúc. Sau khi quan sát tình hình địa lý, ngài đã xin Đức cha Liêu cử giáo dân họ Chính Đại vào kinh đô Huế gặp vua, xin được khai khẩn vùng đất bồi để lập nên làng Tòng Chính. Về sau, giáo dân Chính Đại và nhiều nơi khác đã về lập nghiệp tại đó.
Cộng đoàn giáo dân Điền Hộ ban đầu thuộc giáo xứ Hảo Nho (còn gọi là Thần Phù) thuộc tỉnh Ninh Bình. Năm 1886, Đức cha Gendrau Đông lập thành giáo xứ trực thuộc giáo phận Tây Đàng Ngoài. Giáo xứ nhận tước hiệu Đức Mẹ Mân Côi làm bổn mạng.
Năm 1932, khi tách giáo phận Thanh Hóa khỏi Phát Diệm, giáo xứ Điền Hộ thuộc về giáo phận Thanh Hóa, gồm 9 giáo họ: Tòng Chính, Mông Ân, Tân Tòng, Sơn Tiên, Chính Đại, Nhân Sơn, Phước Nam, Tân An, và Trung Chính. Sau năm 1950, các giáo họ Phước Nam, Tân Ân, Trung Chính, và Mông Ân tách khỏi Điền Hộ và thành lập giáo xứ Phước Nam.
Giáo xứ Điền Hộ hiện nay Khởi đầu thành lập năm1886, giáo xứ Điền Hộ có ngôi nhà thờ với tháp chuông và tường xây. Từ sau năm 1930, số giáo dân tăng nhanh, nhà thờ trở nên chật hẹp nên cha xứ Vũ Đăng Khoa cho xây dựng ngôi nhà thờ mới, hoàn thành vào năm 1940.
Thời gian và chiến tranh đã làm cho ngôi nhà thờ bị xuống cấp. Năm 1994, cha Phêrô Vũ Tiến Phúc đã khởi công xây lại và đã được Đức cha Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm cung hiến ngày 25/6/1997.
Khai mạc tuần chầu giữa Mùa Chay thánh tại giáo xứ Điền Hộ. Ảnh: CTV |
Trước đây, đời sống của giáo dân gặp nhiều khó khăn do điều kiện thời thế, nên nhiều người đã di cư vào Nam sinh sống. Nhưng ngày nay, nhờ có chợ Điền Hộ, giáo dân đã phát triển được các nghề truyền thống như: nấu bún mọc, nấu rượu, chăn nuôi và dệt chiếu. Nhờ thế, đời sống của bà con giáo dân cũng đang dần đi vào ổn định. Việc học hành của con em được chú trọng hơn, số lượng sinh viên đã và đang theo học các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp mỗi ngày một gia tăng.
Mặc dù dân số chỉ có hơn 2.000 người (số liệu thống kê năm 2011), nhưng Điền Hộ luôn được coi là xứ lớn và có bề dày truyền thống về đạo đức cũng như tinh thần hiếu học trong giáo phận Thanh Hóa.