Đất lành - chim về xây tổ. Ảnh: Ngoc Hiếu |
Nơi đàn cò bay về Tôi đưa mấy người bạn về Bát Xát vào một buổi sớm cuối năm. Sau những ngày giá rét, thời tiết đã ấm dần lên. Từ phía đường chân trời, giữa nền xanh của đồi núi, bỗng xuất hiện những chấm trắng di động mỗi lúc một rõ dần. Đó là đàn cò. Sáng nào, đàn cò cũng từ phía cánh rừng mỡ, rừng keo gần hồ Tả Sín, thị trấn Bát Xát bay ngược lên cánh đồng xã Bản Qua kiếm mồi. Chúng không đáp ngay xuống ruộng mà còn bay lượn trên không trung, biểu diễn vũ điệu đặc biệt chào đón bình minh. Từng đôi cò trắng sải cánh đùa giỡn nhau, khi vút bổng lên cao, khi sà xuống thấp sát mặt ao, bờ ruộng. Mặt trời lên, lơ lửng như lòng đỏ trứng gà khổng lồ. Sương sớm dần tan, vũ điệu của đàn cò càng thêm sôi động. Ở Bát Xát cách đây hơn chục năm trước không ai thấy có đàn cò trắng đông như vậy. Mấy năm qua, cò trắng bay về Bát Xát mỗi lúc một nhiều, nhất là dịp tháng 9, tháng 10 âm lịch và gần Tết Nguyên đán. Lúc đầu, thấy cò trắng bay về, người thì bảo “động rừng”, người thì nói chắc đàn cò ở đâu bay về đây tránh rét, khi trời ấm lên chúng lại bay đi thôi. Vậy mà kỳ lạ, đàn cò không bay mất, mà “định cư” ngay ở rừng mỡ, rừng keo gần hồ Tả Sín, thị trấn Bát Xát.
Không ai đếm được chính xác mỗi đàn cò có bao nhiêu con, nhưng số lượng lên tới hàng trăm con. Điều thú vị là không chỉ có loại cò trắng nhỏ lông đen pha trắng mà nhiều nhất là loại cò lớn, toàn thân phủ lông trắng tinh, chân và mỏ vàng, có con trên đầu có chùm lông tuyết trắng dài. Tôi còn nhớ sáng mùng Một Tết năm ngoái, khi gia đình đang làm lễ cúng gia tiên, trầm hương nghi ngút, tôi nhìn ra ngoài cửa sổ phát hiện một đàn cò lạ bay về. Chúng bay liệng trên bầu trời, con nào sải cánh cũng rộng, to như con ngan trống. Khi đàn cò đậu xuống rỉa lông, làm trĩu cả cành xoan ngoài đồng. Thì ra đó là giống cò nhạn quý hiếm, trọng lượng mỗi con lên tới 3 kg. Mẹ tôi bảo, đàn cò nhạn bay về đúng dịp đầu xuân năm mới là “lộc của trời”, báo hiệu điềm lành, năm mới sẽ có nhiều tài lộc, thời tiết thuận hòa, mùa màng bội thu…
Khám phá “vườn chim” Năm nay, cò trắng bay về nhiều hơn. Mấy anh bạn là nghệ sĩ nhiếp ảnh trong tỉnh và ở các tỉnh khác lên cũng không bỏ qua cơ hội vào Bát Xát “săn ảnh” cò trắng. Khoảnh khắc tuyệt vời nhất là được ngắm đàn cò tắm nắng đón mặt trời mọc, ghi lại cảnh chúng nhảy múa, đùa giỡn, bay lượn, kiếm ăn, rồi bay về rừng trong hoàng hôn tím. Thế rồi hình ảnh đàn cò Bát Xát xuất hiện trên báo chí tỉnh và trung ương, khiến nhiều người ngỡ ngàng. Gần đây, hồ Tả Sín thu hút nhiều du khách đến tham quan, đông nhất là ngày nghỉ cuối tuần. Đến đây, du khách không chỉ được câu cá, du thuyền trên hồ ra đảo, ngắm cảnh sơn thủy hữu tình, mà còn được tận mắt chứng kiến và khám phá “vườn chim”. Buổi sáng, đàn cò bay đi khắp các cánh đồng để kiếm ăn. Buổi chiều, chúng lại bay về rừng cây ngủ. Cò bố, cò mẹ tha tôm, cá về cho cò con, chúng cất tiếng kêu vang, gọi nhau làm huyên náo, xào xạc cả cánh rừng.
Anh Nguyễn Xuân Long, du khách từ Hà Nội lên Lào Cai du lịch, khi theo bạn vào Bát Xát chơi đã rất thích thú vì được ngắm đàn cò trắng tuyệt đẹp. Anh Long chia sẻ: “Tôi đã đi du lịch nhiều nơi, lần này được về “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” ngắm cò trắng, cảm giác rất bất ngờ, thú vị. So với Vườn Quốc gia Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp đã nổi tiếng từ lâu, hay Vườn chim Thung Nham, thuộc Khu du lịch sinh thái Tràng An (tỉnh Ninh Bình), thì số lượng cò trắng ở Bát Xát ít hơn, số loài cũng chưa phong phú bằng, nhưng lại có nét đẹp riêng vì đây là đầu nguồn biên giới, núi rừng hùng vĩ, hoang sơ. Nếu đàn cò được bảo vệ tốt, thì trong tương lai không xa, đây sẽ trở thành khu du lịch sinh thái hấp dẫn”. Hồ Tả Sín luôn là nơi đàn cò trắng tập trung đông nhất, được biết nơi đây đã được huyện quy hoạch trở thành hồ du lịch sinh thái, là điểm vui chơi, khám phá thiên nhiên cho du khách gần xa. Hiện nay, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát đã được thành lập, cò trắng cùng các loài chim, thú khác có môi trường sống an toàn, các khu rừng nguyên sinh được bảo vệ, đây cũng là cơ hội để phát triển các tour du lịch sinh thái trên vòng cung Bát Xát.
Chung tay bảo vệ “kho báu” Để tìm hiểu kỹ hơn về đàn cò trắng, tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Bá Viện, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bát Xát. Ông Viện chia sẻ: Có lẽ, chưa ở đâu giữa lòng thị trấn, cách thành phố chưa đầy 15 km lại có một đàn cò số lượng lớn như thế sinh sống. Đây là kho “vàng trắng biết bay” của Bát Xát, dù có bao nhiêu tiền cũng không mua được. Hiện nay, địa bàn sinh sống và kiếm ăn của đàn cò trắng rất rộng. Chúng tập trung đông nhất là ở khu vực thị trấn Bát Xát và xã Bản Qua, rồi từ cánh đồng Bản Vược, ngược lên thung lũng lúa Mường Vi, Bản Xèo và cánh đồng Piềng Láo ở xã Mường Hum. Nơi đầu nguồn sông Hồng, các cánh đồng xã Cốc Mỳ, Trịnh Tường, lên tới tận A Mú Sung cò đều bay trắng lóa.
- Tại sao cò trắng lại bay về Bát Xát nhiều như vậy? Phải chăng ở đây có điều gì hấp dẫn chúng? - Tôi băn khoăn hỏi.
Ông Nguyễn Bá Viện cho biết: Các cụ bảo “Đất lành chim đậu” mà. Mấy năm qua, cò trắng bay về Bát Xát ngày càng nhiều, chứng tỏ môi trường sinh thái ở đây trong lành, là mảnh đất lý tưởng để chúng sinh sống. Ngày trước, đồng bào vùng cao còn lạc hậu, hay phá rừng làm nương, săn bắn động vật hoang dã để bán, khiến nhiều loài chim, thú có nguy cơ tuyệt chủng. Nhờ chính sách trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc của Nhà nước và Luật Bảo vệ và Phát triển rừng được triển khai hiệu quả, nên màu xanh của rừng Bát Xát dần được khôi phục. Rừng hồi sinh, không khí trở nên trong lành, sông, suối đầy ắp nước, đồng ruộng phì nhiêu, là môi trường sống thuận lợi để đàn cò phát triển. Để bảo vệ “Vườn chim”, Hạt Kiểm lâm huyện đã tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân, nghiêm cấm chặt phá rừng, đặc biệt là những khu rừng nơi đàn cò sinh sống. Ngoài ra, cán bộ kiểm lâm thường xuyên tuần tra, xử lý những kẻ săn bắt, bẫy cò để bán, nhất là vào thời điểm mùa lúa chín, cuối thu, đầu đông khi cò trắng bay về nhiều. Hiện nay, nông dân Bát Xát coi đàn cò trắng là niềm tự hào, dù vào vụ cấy, thỉnh thoảng cò trắng vẫn xuống ruộng dẫm mạ, nhưng bà con cũng chỉ làm hình nộm xua chúng đi chỗ khác kiếm ăn, chứ không ai dám bẫy cò.
Y Tý - vùng đất hấp dẫn du khách khi đến với Bát Xát. Ảnh: Trần Hậu |
Chiều muộn, tôi đứng trên tầng cao ngôi nhà giữa thị trấn Bát Xát phóng tầm mắt nhìn ra xung quanh là núi rừng xanh thẳm. Xa xa, lấp lóa trong nắng chiều, từng đàn cò trắng dàn hàng hình mũi tên sải cánh bay về rừng. Chưa bao giờ tôi thấy mảnh đất biên cương lại đẹp và bình yên như vậy. Mùa xuân năm nay đến sớm, hoa đào đã nở trên những sườn núi cao, đón nắng, đón gió. Tôi cũng hồi hộp đón mùa xuân mới, đón những cánh chim trắng bay về.
TUẤN NGỌC