Thánh lễ đặt viên đá xây dựng nhà thờ giáo xứ Nghi Sơn. Ảnh: CTV |
Lịch sử hình thành và phát triển Nghi Sơn là một hòn cù lao hoang sơ đầy sỏi đá, cách đầt liền 1km. Trước kia, đã có một nhóm người đến đây làm nghề mò cua, bắt cá để sinh sống. Về sau, có một số người theo đạo ở Ba Làng đến cù lao này làm nghề chai lưới, do nhận thấy điều kiện làm ăn sinh sống thuận lợi, nên đã ở lại lập nghiệp. Sau đó lại có vài chiếc bồ lô làm nghề câu cá của những người có đạo ở Cửa Hội (Nghệ An), Cửa Xót, Cửa Nhượng (Hà Tĩnh) ra làm nghề và trú ngụ. Họ đã cùng nhau hợp thành một xóm đạo làng chài và dựng ngôi nhà nguyện làm bằng cột tre, lát đá cho cộng đoàn đọc kinh sớm tối. Nghi Sơn, trước kia gọi là Biện Sơn đã đi vào lịch sử với tuyến phòng thủ nổi tiếng Biện Sơn - Tam Điệp của vua Quang Trung đánh bại quân xâm lược nhà Thanh vào năm Mậu Thân (1788).
Các gia đình cố Cung, cố Thông, cố Lãm và những người có đạo từ xa đến hợp thành họ đạo Biện Sơn thuộc giáo xứ Cửa Bạng (Ba Làng). Vào khoảng năm 1890, giáo họ xây nhà thờ dài khoảng 4 gian, tường đá, lợp ngói.
Năm 1961, sau khi được cha Stêphanô Bảng trùng tu và cơi nới thêm, ngôi nhà thờ mới dài, rộng và khang trang hơn.
Năm 1973, vì nhà thờ cũ qua thời gian đã bị xuống cấp lại bị bom đạn chiến tranh tàn phá nên cha Đôminicô Phạm Khắc Bằng đã cho giáo dân xây dựng lại ngôi nhà thờ mới với những vật liệu lấy từ Tiểu Chủng viện Ba Làng. Công trình được hoàn thành vào tháng 10/1974.
Năm 1988, thôn Biện Sơn được tách ra từ xã Hải Thượng trở thành xã Nghi Sơn. Họ đạo Biện Sơn chuyên thành giáo họ Nghi Sơn thuộc giáo xứ Ba Làng.
Năm 1996, cha J.B Lưu Văn Khuất cho đại tu, nâng cấp ngôi nhà thờ và được cung hiến ngày 01/7/1997 trong một thánh lễ long trọng do Đírc cha Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm chủ sự.
Ngày 28/12/2007, giáo họ Nghi Sơn được tách ra từ giáo xứ Ba Làng, lập thành giáo xứ Nghi Sơn với 3 giáo họ: Nghi Sơn, Hải Hà và Ngọc Sơn.
Giáo xứ Nghi Sơn hiện nay
Giáo xứ Nghi Sơn hiện nay có 1.946 giáo dân (theo sổ tất niên giáo phận năm 2011), phân bố trong 3 giáo họ: Nghi Sơn, Ngọc Sơn và Hải Hà. Đời sống kinh tế của giáo dân nơi đây chủ yếu dựa vào ngư nghiệp, đánh bắt, nuôi trồng và buôn bán thủy hải sản. Một số ít làm việc tại khu công nghiệp mới Nghi Sơn và khu công nghiệp lọc hóa dầu. Với vị trí giao thương thuận lợi và tiềm năng kinh tế biển dồi dào, đời sống kinh tế của bà con giáo dân Nghi Sơn cũng có những bước phát triển hơn so với các giáo xứ khác trong giáo phận.
Ngày 20/10/2011, bằng văn thư bổ nhiệm, Đức Giám mục giáo phận Giuse Nguyễn Chí Linh đã sai cha Giuse Bùi Quang Tạo về làm chính xứ Nghi Sơn. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ ngày thanh lập, giáo xứ có cha xứ ở chính thức (trước đây các cha chỉ kiêm nhiệm).
Nghi Sơn hiện có một nhà thờ xứ, một nhà phòng hai tầng và một nhà học giáo lý. Họ Ngọc Sơn có một nhà nguyện bốn gian do gia đình nhà ông Phaolô Trần Văn Thuận dâng tặng. Mọi sinh hoạt phụng vụ đều tập trung tại nhà thờ giáo xứ.
Là một xứ đạo nhỏ bé, nhưng các hoạt động sinh hoạt tôn giáo của giáo xứ Nghi Sơn diễn ra đều đặn và sôi nổi, với sự tham gia nhiệt tình của các hội đoàn như Lòng Thương Xót Chúa, Đạo Binh Đức Mẹ, Hiền mẫu, thiếu nhi... Ngoài ra, vào các dịp lễ Tết, cha xứ cùng hội đồng giáo xứ còn đi thăm hỏi, tặng quà các gia đình khó khăn trong giáo xứ không phân biệt lương, giáo.
Tuy thời gian được thành lập chưa lâu, nhưng Nghi Sơn đã trờ thành một phần máu thịt của giáo phận Thanh Hóa. sống đan xen trong một xã đảo với phần lớn những người lương dân, Nghi Sơn luôn ý thức được trách nhiệm làm sứ giả cho Tin Mừng của Chúa ngay trên mảnh đất quê hương mình.