Là huyện tập trung đông đồng bào Công giáo của thành phố Hải Phòng, Tiên Lãng có hơn 2500 hộ Công giáo với hơn 12.000 giáo dân sinh hoạt tôn giáo tại 30 xứ, họ đạo. Mặc dù đặc điểm chủ yếu của huyện vẫn là kinh tế nông nghiệp, nhưng qua sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đặc biệt là sự năng động trong kinh tế thị trường, đến nay Tiên Lãng có hơn 300 hộ Công giáo giỏi làm kinh tế với mức thu nhập trên 50 triệu đồng/năm, trong đó có nhiều hộ doanh thu hàng tỷ đồng như hộ các ông: Vũ Văn Tuấn, Lê Văn Toàn (giáo xứ Đông Xuyên); Đỗ Văn Tuyên (giáo họ Tỉnh Lạc); Vũ Văn Thành (giáo họ An Dụ); Nguyễn Thế Doãn (giáo xứ Đông Côn)… Đông Xuyên và Bạch Xa là hai giáo xứ tập trung nhiều gia đình giỏi làm kinh tế của Tiên Lãng.
Song song với những phát triển kinh tế, các giáo xứ đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong chăm lo phát triển giáo dục cho con em. Trong quá trình giao lưu và hội nhập không phân biệt tôn giáo, người Công giáo Tiên Lãng đã nhận thức được tầm quan trọng của tri thức, của việc học hành. Hành trang cho con em lập nghiệp và sống đạo không còn bó hẹp trong sào ruộng hay lũy tre làng chật hẹp mà phải là hành trang về kiến thức khoa học, phương pháp tư duy để theo kịp sự phát triển của xã hội. Từ nhận thức đó, với sự định hướng và động viên của các linh mục, các gia đình đã quan tâm chăm lo nhiều hơn tới việc học hành của con em và trở thành phong trào rộng khắp các xứ đạo. Đến nay tất cả các xứ đạo đều có quỹ khuyến học- khuyến tài. Khóa học 2010-2011, toàn huyện có hàng trăm em thi đỗ đại học, cao đẳng. Khóa học 2009-2010 có ba em đỗ thủ khoa đại học: Phạm Thị Trinh (giáo họ Hoa Đôi), Đặng Thị Nhữ (giáo họ Tam Đa), Đào Thị Thuộc (giáo họ Dương Áo). Một số xứ đạo thường xuyên có nhiều học sinh giỏi như xứ Đông Xuyên, xứ Bạch Xa. Đặc biệt, ở giáo xứ Tiên Đôi có một gia đình Công giáo chồng là Tiến sỹ Y khoa, vợ là Tiến sỹ Địa lý, hai con đều là sinh viên giỏi.
Dân trí nâng cao, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo cũng đi vào chiều sâu với những hiệu quả thiết thực như thực hiện văn minh, tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, giữ gìn vệ sinh môi trường xóm làng sạch đẹp, chấp hành tốt quy định pháp luật và ý thức trách nhiệm phòng chống tệ nạn xã hội. Hiện 100% các xứ, họ đạo đều có tổ thu gop rác, đường làng rải nhựa hoặc bê tông thuận tiện đi lại; không còn tình trạng tổ chức cỗ bàn đám cưới, đám tang kéo dài nhiều ngày. Tất cả các xứ, họ đạo ở Tiên Lãng đã khai trương xây dựng làng văn hóa. Nhiều xứ, họ đạo được công nhận là làng văn hóa cấp huyện lần I, lần II như giáo xứ Đông Côn (xã Tiên Minh), giáo họ An Dụ (xã Tiên Tiến), giáo họ Dương Áo (xã Hùng Thắng). Ngoài ra, các xứ đạo còn tích cực ủng hộ quỹ Vì người nghèo và ủng hộ đồng bào bị thiên tai. Ngoài sự ủng hộ theo phát động của mặt trận tổ quốc, đồng bào Công giáo còn giúp đỡ đồng bào bị bão lụt theo lời mời gọi của Tòa Giám mục Hải Phòng, năm 2009-2010 số tiền giúp đỡ này là hơn 76 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Hữu Tản- Trưởng ban Đoàn kết Công giáo huyện Tiên Lãng, góp phần quan trọng vào những kết quả tích cực trong phong trào thi đua yêu nước nói trên chính là sự đoàn kết của đồng bào Công giáo và nhân dân trong huyện, là sự quan tâm phối hợp giữa chính quyền, Ban Đoàn kết Công giáo với giáo xứ, giáo họ để kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của giáo dân. Qua đó tạo được sự hiểu biết lẫn nhau để cùng phối hợp thực hiện các phong trào vì mục tiêu chung là xây dựng quê hương, xứ đạo, nâng cao chất lượng cuộc sống giáo dân.
An Luých