TS. Phạm Huy Thông – Trưởng ban Tư duy Tôn giáo, Trung tâm Khoa học Tư duy (CTS), Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ĐKCGVN thành phố Hà Nội
PV: Thưa TS, TS có thể cho biết vắn tắt ý nghĩa ngày lễ Giáng sinh trong đạo Công giáo?
TS. PHT: Ngày lễ Giáng sinh hay còn gọi là lễ Noen, Christmas chính là ngày kỷ niệm Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, sinh tại Bethlehem xứ Judia, nay thuộc Palestine vào khoảng năm thứ 4 trước công nguyên. Cả nhân loại mấy ngàn năm cả người sống và người đã qua đời đều mong ngày Chúa giáng trần để cứu vớt thân phận mình. Họ đang sống trong tội lỗi tông truyền của Tổ tông, nên người chết thì đang bị giam cầm, người sống thì đang trong thảm cảnh mất ơn nghĩa của Chúa. Chúa đến đã giải thoát họ. Nói sao được hết niềm vui của cha ông ta xưa khi chứng kiến cảnh huy hoàng trên trời vang tiếng hát, đàn ca, dưới thế tràn ngập ánh sáng Giáng sinh và khắp nơi tưng bừng lời ca của các thiên thần: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời/ Bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Lc 2, 14). Chúa giáng trần đúng là để tôn vinh Chúa trên trời nhưng cũng là vì bình an, niềm vui của loài người dưới thế. Các nhà thần học giải thích rằng, Chúa xuống thế làm người không những để cứu loài người nhưng còn là nâng con người xác bùn đất lên ngang hàng với Chúa.
Buổi đầu Giáo hội sơ khai, chưa có kỷ niệm ngày lễ Giáng sinh. Mãi đến thế kỷ thứ III, người ta mới lấy ngày 25-12 làm ngày Giáng sinh vì đó cũng là ngày ăn mừng thần mặt trời đem lại ánh sáng. Theo nhà bác học Isac Newton thì đó là ngày đông chí và 9 tháng sau biến cố Truyền tin là hợp lý. Năm 354, Đức Giáo hoàng Cilerius mới chính thức công bố ngày 25-12 là ngày lễ Giáng sinh. Từ đó đến nay, Giáng sinh là ngày hội không chỉ của người Công giáo mà còn là ngày hội văn hóa. Các gia đình quy tụ với nhau như ngày họp mặt hàng năm. Tại Việt Nam, ngay từ năm đầu tiên đạo Công giáo có mặt ở Việt Nam ở Thăng Long năm 1627 đã có lễ Giáng sinh. Từ ngày ấy, đặc biệt từ sau những năm đổi mới, Giáng sinh đã là ngày hội của các tầng lớp nhân dân nhất là giới trẻ. Nào là các buổi ca nhạc Noen, thi người đẹp Noen. Các trung tâm thương mại dựng cây thông Noen từ rất sớm và cũng xuất hiện dịch vụ ông già Noen đi tặng quà cho trẻ em đêm Giáng sinh. Còn nhà thờ nào cũng rực rỡ Hang đá, cây thông Noen, đèn Giáng sinh và hoan ca Giáng sinh đêm canh thức.
PV: Thủ đô Hà Nội là một trong các địa phương có phong trào thi đua yêu nước sôi động của người Công giáo trong năm 2016, TS có thể giới thiệu một số kết quả của người Công giáo Thủ đô trong năm qua?
TS. PHT: Người Công giáo Thủ đô có gần 200 ngàn người sinh hoạt tại 3 giáo phận là Hà Nội, Hưng Hóa và Bắc Ninh. Trong năm 2016, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQVN các cấp cũng như sự chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, phong trào thi đua yêu nước của người Công giáo đã có những khởi sắc mới.
Vì năm 2017 sự là năm Đại hội Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hà Nội khóa VII, nhiệm kỳ 2017-2022 ở cả cấp quận, huyện và thành phố nên ngay từ đầu năm 2016, chúng tôi đã phát động phong trào thi đua lập thành tích chào mừng sự kiện trọng đại này. Có hai phong trào. Với tập thể đó là “Xây dựng xứ họ đạo tiên tiến”, với cá nhân đó là “Mỗi người Công giáo Thủ đô là một công dân tốt”. Thành phố đã tổ chức ký giao ước thi đua cho 29 Ban ĐKCG, sau đó các quận, huyện thị về triển khai ký giao ước với từng xứ họ trên địa bàn. Cuối năm, các đơn vị tự đánh giá rồi đưa ra bình xét, chấm điểm với các đơn vị bạn trong toàn thành phố qua 3 cụm thi đua. Kết quả có hơn 80% số Ban ĐKCG đạt loại xuất sắc, gần 60% trong tổng số 81 giáo xứ, 428 giáo họ đạt tiêu chuẩn “xứ, họ đạo tiên tiến”. Phong trào thi đua làm giàu được đẩy mạnh. Nếu năm 2010, người Công giáo giàu nhất Hà Nội có doanh thu 200 triệu đồng thì nay có nhiều hộ đạt 1-2 tỷ. Hoạt động từ thiện được nhân lên ở tất cả các xứ đạo. Caritas Hà Nội đã mổ mắt miễn phí cho 2.000 bệnh nhân không kể giáo, lương. Caritas Hưng Hóa đã tặng 300 xe lăn cho người tàn tật. Trong trận lũ ở miền Trung vừa qua, nhiều đoàn từ thiện Công giáo đã vào chia sẻ với bà con. Số tiền ủng hộ lên tới 20 tỷ đồng và hàng chục tấn quần áo. Năm nay, không chỉ Ủy ban ĐKCG thành phố mà các Ban ĐKCG cũng tổ chức được các chuyến giao lưu trao đổi kinh nghiệm công tác với tỉnh bạn, tổ chức được nhiều buổi tập huấn, nói chuyện chuyên đề về Hiến pháp 2013, về tình hình tôn giáo sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, về bầu cử, bảo vệ môi trường…Với tư cách là tổ chức có nhiệm vụ phản ánh tâm tư nguyện vọng của giáo dân lên các cấp, năm qua nhiều nguyện vọng của giáo dân đã được phản ánh và đã được lắng nghe như việc cấp đất cho giáo xứ Tình Lam, họ Hoàng Xá (Quốc Oai), xây nhà thờ Nam Dư, Yên Duyên (Hoàng Mai)…
PV: Theo TS, làm thế nào để nhân niềm vui Giáng sinh ra rộng khắp không chỉ trong đạo mà ngoài cả xã hội nữa?
TS. PHT: Đức Thánh Cha Phanxicô khi bế mạc Năm Thánh Lòng Thương xót, Ngài đưa ra thông điệp về 6 mối phúc thật trong thời đại ngày nay trong đó có cổ vũ người Công giáo dấn thân cho người nghèo bị gạt ra bên lề, bị bỏ rơi, cho bảo vệ “ngôi nhà chung” là trái đất chúng ta. Ngài cũng quyết định lấy chủ nhật 23 thường niên là ngày cho người nghèo. Thông điệp của Giáng sinh cũng nhắc nhở mỗi người Công giáo phải biến lời chúc phúc bình an, hòa bình của Chúa cho nhân loại thành hiện thực để niềm vui đón Chúa đến cho từng nhà, từng người. Rõ ràng thế giới sau hơn hai ngàn năm Chúa đến vẫn chưa có hòa bình. Mỗi ngày vẫn có những cuộc xung đột, hận thù nổ ra cuốn đi nhiều mạng người. Điều đau khổ là không ít những cuộc xung đột đó lại nhân danh tôn giáo tình thương. Rồi tai nạn giao thông, sản xuất công nghiệp, thiên tai bão lũ vẫn đe dọa bình an của nhân loại. Người Công giáo, một mặt vẫn cầu nguyện liên lỉ với Chúa, mặt khác vẫn phải trực tiếp tham gia cộng tác với nhau và với Chúa để đưa bình an đến cho thế gian vì Chúa tạo dựng nên con người giao phó cho con người cộng tác với Ngài để cai quản thế giới này.
PV: Xin cảm ơn TS
PV (Thực hiện)