Tin tức - Hoạt động

Hiệu quả từ thực hiện chính sách dân tộc ở Thái Nguyên

Cập nhật lúc 13:24 05/11/2022
Chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được triển khai thực hiện theo kế hoạch đã đem lại hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện trực tiếp cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở các khu vực khó khăn có điều kiện sớm thoát nghèo và ổn định cuộc sống
 
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên thăm đồng bào DTTS tại xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên.
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên thăm đồng bào DTTS tại xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên.

Thái Nguyên là tỉnh thuộc vùng trung du miền núi Bắc Bộ, có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (3 thành phố, 6 huyện). Có 51 dân tộc cùng sinh sống với dân số trên 1,3 triệu người, trong đó có 50 DTTS với trên 384.000 người. Đồng bào DTTS chủ yếu sinh sống tập trung ở 5 huyện miền núi, vùng cao: Định Hoá, Võ Nhai, Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ.
Trong những năm qua, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện theo kế hoạch đã đem lại hiệu quả thiết thực, cơ sở hạ tầng được cải thiện, bước đầu đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và phục vụ đời sống của đồng bào các dân tộc, nhất là hệ thống đường giao thông, điện sinh hoạt, trường học, trạm y tế... Các chính sách dân tộc đã tạo điều kiện trực tiếp cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các khu vực khó khăn có điều kiện sớm thoát nghèo và ổn định cuộc sống, góp phần tích cực cho công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Một trong những chương trình mang lại dấu ấn tích cực trong thực hiện chính sách dân tộc ở Thái Nguyên đó là “Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi” (còn gọi là Chương trình 135). Chương trình đã mang đến sự đổi thay tích cực cho các xã, xóm đặc biệt khó khăn của tỉnh. Kết quả, số vốn thực hiện từ năm 2013 - 2020 là trên 783 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; đầu tư xây dựng trên 800 công trình giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, nước sinh hoạt;..., góp phần làm khởi sắc diện mạo vùng đồng bào DTTS và miền núi đã thay đổi căn bản; đời sống của đồng bào từng bước được cải thiện; niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố.
Báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên cho biết, trong 6 năm qua, kết quả trong công tác dân tộc của được đánh giá cao. Cụ thể, đầu giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh có 124 xã thuộc khu vực DTTS và miền núi, 542 thôn đặc biệt khó khăn, đến đầu giai đoạn 2021-2025 chỉ còn 110 xã thuộc khu vực DTTS và miền núi và 142 thôn đặc biệt khó khăn. Giảm từ 36 xã đặc biệt khó khăn năm 2017 xuống còn 14 xã năm 2021. 100% các xóm bản vùng DTTS và miền núi được sử dụng điện lưới quốc gia. Có 73/100 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, cao gấp 3 lần bình quân chung cả nước cho vùng này; tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS và miền núi  giảm nhanh, bình quân từ 3-4%/năm, đến đầu năm 2022 chỉ còn 8.481/95.051 hộ nghèo là đồng bào DTTS, chiếm tỷ lệ 8,92%; 33/33 phòng học tạm ở các xã đặc biệt khó khăn được xây mới...
 
Hạ tầng nông thôn tại xã Phú Cường (Đại Từ, Thái Nguyên), nơi có đồng bào DTTS và người Công giáo sinh sống.
Hạ tầng nông thôn tại xã Phú Cường (Đại Từ, Thái Nguyên), nơi có đồng bào DTTS và người Công giáo sinh sống.
Theo lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên, để thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc, hàng năm, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiệm vụ công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đặc biệt là công tác an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp của các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, giảm nghèo. Các chương trình, chính sách đầu tư vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã phát huy được hiệu quả, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng mục đích, đúng đối tượng.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ quyết liệt triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, giai đoạn 1 từ năm 2021 - 2025. Theo đó sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và xã hội về công tác dân tộc, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Thường xuyên kiện toàn hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao chất lượng cán bộ vùng dân tộc thiểu số. Đồng thời, tăng cường các nguồn lực đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số; nhân rộng những mô hình hỗ trợ sản xuất hiệu quả, thiết thực giúp đồng bào nâng cao thu nhập, phát triển đời sống văn hóa xã hội. Trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: Giải quyết những bức xúc, khó khăn nhất liên quan đến đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho vùng đồng bào; tập trung các nguồn lực, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; tăng cường đầu tư phát triển, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, phù hợp với tập quán từng dân tộc và tiềm năng lợi thế từng vùng...
Bùi An
Thông tin khác:
Lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chúc mừng tân Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam (03/11/2022)
Thủ tướng Chính phủ ban hành công điện về quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu (02/11/2022)
Mục tiêu cụ thể về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Sóc Trăng (02/11/2022)
Bổ nhiệm Giám mục phụ tá Tổng Giáo phận Tp. Hồ Chí Minh (01/11/2022)
Hà Giang giảm mạnh hộ nghèo nhờ thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ (31/10/2022)
80 tác phẩm đoạt Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ XV (30/10/2022)
Bổ nhiệm Giám mục giáo phận Thái Bình (29/10/2022)
Kỷ niệm 60 năm Công đồng Vatican II (27/10/2022)
Thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại Hà Giang (27/10/2022)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log