Tin tức - Hoạt động

Thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại Hà Giang

Cập nhật lúc 15:24 27/10/2022
Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH&HNCHT) hiện vẫn còn tồn tại ở các huyện như: Mèo Vạc, Hoàng Su Phì, Yên Minh, Đồng Văn, Xín Mần… Năm 2020, toàn tỉnh Hà Giang có tới 599 trường hợp tảo hôn; trước đó,từ năm 2015 đến năm 2019, địa phương này đã có 2.348 cặp tảo hôn.
Pa nô phổ biến pháp luật nhằm đấu tranh với hủ tục, ngăn ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở Mèo Vạc, Hà Giang.
Hà Giang là tỉnh miền núi có 19 dân tộc anh em cùng chung sống, dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 87,67%; trong đó, dân tộc Mông chiếm 34,24%, Dao 14,88%, Nùng 9,53%... Có 5 DTTS dưới 10.000 người gồm: Pà Thẻn, Lô Lô, Bố Y, Pu Péo, Cờ Lao. Hầu hết đồng bào DTTS chủ yếu sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng núi cao, địa hình chia cắt và thường hay xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khí hậu khắc nghiệt, thiếu đất sản xuất và nước sinh hoạt. 
Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH&HNCHT) hiện vẫn còn tồn tại ở các huyện như: Mèo Vạc, Hoàng Su Phì, Yên Minh, Đồng Văn, Xín Mần… Năm 2020, toàn tỉnh Hà Giang có tới 599 trường hợp tảo hôn; trước đó,từ năm 2015 đến năm 2019, địa phương này đã có 2.348 cặp tảo hôn.
Theo các chuyên gia về dân số và sức khỏe, TH&HNCHT là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi cũng như tỷ lệ tử vong của bà mẹ liên quan đến thai sản. Trẻ em sinh ra có thể mắc những căn bệnh như dị tật, tan máu bẩm sinh. Qua đó, khiến chất lượng dân số suy giảm, suy thoái nòi giống, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. TH&HNCHT cũng gây ra nhiều hệ lụy với đời sống: Khi trẻ chưa đủ tuổi trưởng thành, thiếu hiểu biết về kiến thức, kỹ năng sống để nuôi con, nên khó làm tròn trách nhiệm làm cha, mẹ, khó xây dựng được gia đình hạnh phúc bền vững.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến TH&HNCHT, nhưng nguyên nhân cơ bản vẫn là yếu tố kinh tế, nhận thức của người dân về hôn nhân; các tập tục tồn tại lâu như: kết hôn sớm để có thêm lao động, tục cướp vợ, người trong họ tộc lấy nhau thách cưới sẽ ít hơn, không có việc làm cũng là nguyên nhân dẫn đến kết hôn và sinh con sớm.
Ngoài ra còn có những nguyên nhân như trình độ dân trí, điều kiện giao lưu với các dân tộc khác hạn chế, sự khác biệt ngôn ngữ, không thông thạo tiếng phổ thông; nhiều gia đình, nhất là phụ nữ thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản...
Để ngăn chặn, giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, Hà Giang đã thực hiện nhiều giải pháp: tạo sinh kế cho người đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh phổ biến pháp luật và tuyên tuyền về hệ lụy của TH&HNCHT; thành lập mô hình Câu lạc bộ “Phòng chống tệ nạn TH&HNCHT”, Câu lạc bộ Tiền hôn nhân tại cơ sở.
Đặc biệt, Hà Giang đang thực hiện có hiệu quả Quyết định số 498/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025”. Theo đó, Ủy ban nhân dân các cấp tỉnh Hà Giang, Ban Dân tộc đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể ở các địa phương vùng dân tộc thiểu số chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục sức khỏe giới tính, ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên cơ sở phối hợp thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể ở các địa phương trong vùng dân tộc thiểu số đã chủ động phối hợp với với các ngành: Tư pháp, Y tế, Giáo dục, Bộ đội Biên phòng… tổ chức tập huấn nâng cao năng lực về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đội ngũ cán bộ truyền thông xã, thôn có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao, nhằm cung cấp thông tin, kiến thức pháp luật liên quan về lĩnh vực hôn nhân, tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; phối hợp với tăng cường công tác tuyên truyền thông qua việc biên soạn, phát hành các tờ gấp; cuốn sổ tay; áp phích có nội dung liên quan đến sức khỏe sinh sản.
 
Tuyên truyền không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại Hà Giang
Tuyên truyền không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại Hà Giang
Nhiều địa phương phân công nhiệm vụ cho cán bộ chuyên trách dân số, tư pháp xã thường xuyên theo dõi, quản lý đối tượng vị thành niên, thu thập thông tin, dự báo trước các trường hợp kết hôn, cặp có khả năng kết hôn trước tuổi, kết hôn cận huyết thống để tư vấn, can thiệp kịp thời; đồng thời nâng cao ý thức tự giác trong thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình. Tại các trường, học sinh được cán bộ cơ sở, thầy, cô giáo, Đoàn Thanh niên của nhà trường tổ chức các buổi thảo luận, trao đổi, trả lời những thắc mắc giúp học sinh bày tỏ những quan điểm về sức khỏe sinh sản, dấu hiệu thay đổi tâm sinh lý tuổi mới lớn.
Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang, Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025” tập trung thực hiện ở 7 huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, Quang Bình, Hoàng Su Phì, Xín Mần, đến nay đã tạo được chuyển biến tích cực về trách nhiệm của cộng đồng xã hội vùng đồng bào DTTS trong thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình, giúp người dân nhận rõ tác hại của TH&HNCHT không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe thế hệ sau, mà còn vi phạm pháp luật, từ đó nâng cao nhận thức trong đồng bào DTTS để giảm thiểu được nhiều trường hợp TH&HNCHT. 
Bình An
Thông tin khác:
Tuyên Quang: Hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện công tác dân tộc- miền núi (26/10/2022)
Quảng Nam: Nhiều quyết sách phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị vùng dân tộc thiểu số (26/10/2022)
Sắp diễn ra Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ (25/10/2022)
Đại hội đại biểu người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tỉnh Quảng Bình lần thứ II (23/10/2022)
Mừng 105 năm Đức Mẹ Fatima (21/10/2022)
Chung tay vì người nghèo bằng sự sẻ chia và cảm thông sâu sắc nhất (21/10/2022)
Bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc Cơ Tu (20/10/2022)
Xây dựng Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại bản làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số (20/10/2022)
Đại hội đại biểu Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thành phố Hải Phòng lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2022-2027 (19/10/2022)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log