Bài hát được sáng tác lần đầu vào năm 1840 với tên gọi "One Horse Open Sleigh". |
Mỗi mùa Giáng sinh về tôi lại được nghe bài hát Jingle Bells. Với tôi kỷ niệm từ những năm 70 lại vọng về. Tôi học Trường Sư phạm Sài Gòn khóa 8 vào năm 1969-1971. Giáo sư dạy môn tiếng Anh là thầy Phạm Hữu Bính. Cuối năm 1970, khoảng tháng 11, anh bạn tôi, trưởng ban văn nghệ của lớp Nhị 2 là Nguyễn Văn Thứ và tôi là phó ban được thầy Bính gửi cho một tập nhạc tiếng Anh trong đó có bài Jingle Bells. Thầy dặn chúng tôi về tìm hiểu và tập cho lớp vào tiết học sau đó để mừng lễ Noen. Chúng tôi, những chàng trai tuổi vừa đôi mươi với cây đàn Guitar, tối đến trên căn gác gỗ nhà tôi ở quận Tân Bình cùng nhau dượt đi dượt lại cho thật nhuần nhuyễn để tập cho lớp. Trước tiên là học phát âm chuẩn tiếng Anh. Thứ đi thâu băng cassette bản nhạc gốc ngoài tiệm về phát đi phát lại cho nhau nghe. Anh có tài đàn hay, hát giỏi. Chúng tôi tập hát một bè rồi hát hai bè để “quảng cáo” cho bài hát. Sau một tuần lễ, hai chúng tôi lên gặp giáo sư phụ trách, hát cho thầy nghe trước. Thầy nghe xong sửa một vài chỗ phát âm tiếng Anh cho đúng và nói sẽ dành hẳn một tiết học để chúng tôi hát và tập cho lớp. Bài hát được cả lớp hát thật hay và được chọn trình diễn trong buổi tổng kết đệ I Lục cá nguyệt của trường (sơ kết học kì I hiện nay).
Trong mùa Giáng sinh không thể thiếu ông già Noen, con nai Rudolph, cây thông, hoa mừng, quà cáp và những ngày chuẩn bị mừng lễ lại càng không thể thiếu âm thanh vọng lên của bản nhạc Jingle Bells. Bài hát nguyên bản không có chứa một câu chữ nào đó đề cập đến ngày lễ lớn này, vì thực ra nó được viết để hát trong một ngày lễ khác biệt hẳn lễ Giáng sinh. Mời độc giả cùng nhìn lại hoàn cảnh ra đời và tác giả của bài hát.
Mùa đông năm 1840, anh James S. Pierpont, sinh viên trưởng tại Medford tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ rất có năng lực về âm nhạc, chàng thanh niên Pierpont được giao nhiệm vụ sáng tác một sản phẩm âm nhạc đặc biệt để hát trong dịp lễ Tạ ơn (Thanksgiving). Nhìn qua khung cửa nhà của cha anh tại số 87 đường Mystic, anh thấy vài người thanh niên đang lái những chiếc xe trượt tuyết từ trên đồi cao xuống. Để chia sẻ cái lạnh bên ngoài trời lúc đó, anh bước ra khỏi nhà. Nhìn họ anh nhớ lại nhiều lần cũng đã đua xe trượt tuyết như một môn chơi thể thao vui nhộn với những tiếng chuông kêu leng keng. Không chỉ nhìn, anh còn nhảy vào cuộc tham gia cuộc chơi với họ. Trò chơi chấm dứt khoảng thời gian một giờ sau và anh là người chiến thắng.
Khi bước trở về nhà, tâm trí anh đã hiện ra một khúc nhạc, và khi ngồi cạnh lò sưởi cho ấm áp anh đã ngân nga một vài đoạn ngắn. Cảm thấy như có cái sườn làm nền cho bản nhạc mà nhà thờ của thân phụ anh cần đến, anh khoác áo lạnh vào người rồi băng qua những con đường lũ tuyết đến nhà bà Otis Waterman, người đàn bà duy nhất ở thị trấn Medford có chiếc đàn dương cầm. Lúc gặp bà ra mở cửa, anh nói: “Tôi vừa bình ra một khúc nhạc trong đầu đây”. James là người quen biết với bà từ lâu, bà biết James muốn gì nên vội vã cho anh bước vào nhà.
Ngồi xuống cạnh chiếc đàn cũ kỹ, James tấu lên từng nốt nhạc của bài ca. Bà Waterman lắng nghe chăm chú, rồi cất tiếng nói: “Đúng là những tiếng leng keng vui tai anh thấy ngoài kia mà.” Ít phút sau khi anh đờn xong bản nhạc, bà bảo anh: “Bài hát này rồi sẽ thành công khắp nơi đấy.”
Tối hôm đó, anh trình bày những nốt nhạc leng keng ghép lại với những gì anh quan sát được khi đua xe trượt tuyết lúc ban ngày và nhớ lại tất cả những chiếc xe trượt băng do ngựa kéo nữa. Sau đó là bài hát “One Horse Open Sleigh (Chiếc xe một ngựa trượt)” ra đời.
James đem bài hát đó cho ca đoàn nhà thờ Medford. Đến vào ngày lễ tạ ơn thì toàn bộ bài nhạc sẽ có phần âm thanh hòa âm được trình diễn. Tại vùng New England lúc bấy giờ, lễ tạ ơn là ngày lễ quan trọng nhất nên có rất nhiều người tham dự. Họ nhiệt liệt hoan nghênh bài hát đó nên được nhiều người yêu cầu James và đoàn trình diễn một lần nữa vào dịp lễ Giáng sinh. Mặc dầu bài hát đề cập đến cảnh ngựa đua xe trượt băng, tiếng chuông đeo cổ ngựa, có vẻ như không thích hợp với không khí nhà thờ chút nào, nhưng lần trình diễn này lại là một thành công lớn đến nỗi một số khách tới nhà thờ dự lễ đã xin bản nhạc mang về địa phương của mình. Vì bài ca được hát vào ngày 25/12 là ngày lễ Giáng sinh nên họ dạy cho anh em bạn bè hát như một bài nhạc mừng Giáng sinh thực thụ.
Pierpont không ngờ đâu là bản nhạc của mình lại có sức truyền lan đến thế, anh chỉ biết một điều là người ta thích bản nhạc “mùa đông” của anh, nên khi chuyển đến Savannah tiểu bang Georgia anh mang theo bản nhạc này. Anh tìm được người chịu xuất bản bài hát đó năm 1857, nhưng tiếp tục đến năm 1864 khi báo Salem Evening News đăng bài tường thuật câu chuyện về bản nhạc đó thì anh James mới biết được là mình đã viết được một tác phẩm đặc biệt. Vào thời điểm đó, bài ca đã nhanh chóng phổ biến thành bản nhạc phổ thông nhất vùng New England rồi lan tràn xuống phía Nam. Trong khoảng 20 năm sau đó, “Jingle Bells” có thể là bản nhạc hát vào mùa Giáng sinh được phổ biến nhất trong nước.
Cây thông Noel tại nhà thờ Hà Phát (Biên Hòa, Đồng Nai). |
Ngày nay, hình như nơi nào cũng thấy bài hát Jingle Bells. Nhờ anh chàng James Pierpont và lời yêu cầu người biên tập ra một bản nhạc cho ngày lễ tạ ơn mà ta đã có được Jingle Bells, và mỗi lần nhìn thấy hình ảnh tuyết và chiếc xe trượt băng người ta lại nghĩ ngay đến ngày lễ Giáng sinh.
Tại Việt Nam, lời bài hát Jingle Bells bằng tiếng Việt cũng được cất lên mỗi mùa Giáng sinh có tựa đề: Tiếng chuông ngân do nhạc sĩ Trường Kỳ đặt lời:
Mừng ngày Chúa sinh ra đời/ Nào cùng nắm tay tươi cười/ Hoà bình đến cho muôn người/ Cùng cất tiếng ca mừng vui
Mừng ngày Giáng sinh an hoà/ Mừng hạnh phúc cho muôn nhà/ Từ thành phố hay đồng quê/ Muôn nơi vang tiếng hát ca vang lừng.
Đêm Noen đêm Noen ta hãy cùng vui lên/ Đêm Noen ơi đêm Noen, ơn trên ban hoà bình cho trần thế/ Đêm Noen chuông vang lên chuông giáo đường vang lên/ Đêm Noen đêm Noen ta hãy chúc nhau an bình.