Chị Jrang K'Sớp ở xã Đạ M'Rông, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng cho biết, vài năm trước gia đình được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 40 triệu đồng để chuyển đổi vườn cà phê già cỗi sang trồng dâu nuôi tằm. Với số vốn trên, cùng một phần vốn gia đình tích cóp được, gia đình chị đã đầu tư cho các chi phí cần thiết để chuẩn bị trồng dâu, nuôi tằm. Mỗi năm được 7 lứa tằm, gia đình chị hơn thu lãi từ nghề này được 40 triệu đồng, số tiền tuy khiêm tốn nhưng đã là bước khởi đầu cho gia đình chị có thu nhập để từng bước vươn lên thoát nghèo.
Trồng dâu nuôi tằm đang góp phần giảm nghèo cho nhiều hộ dân tộc thiểu số tại Lâm Đồng |
Tại huyện Lạc Dương, một địa phương có tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh trong hai năm 2021 và 2022, chúng tôi ghi nhận được nhiều mô hình phát triển kinh tế từ vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội, đa số các hộ dân tộc thiểu số vay vốn để chuyển đổi cơ cấu trồng trọt, chăn nuôi. Trong đó nhiều hộ trồng các cây cho giá trị kinh tế lớn để tăng hiệu quả sử dụng đất, như hoa, dâu tây, đây cũng hướng hỗ trợ cần câu cơm để các gia đình vươn lên thoát nghèo, nhờ đó nhiều địa phương đã có tỷ lệ giảm nghèo cao như các huyện Đam Rông (7,84%), Cát Tiên (3,4%), Lạc Dương (2,77%), Di Linh (1,57).
Theo tìm hiểu của Phóng viên, hiệu quả giảm nghèo từ những huyện trên có phần quan trọng từ việc địa phương đã kết hợp giữa các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được triển khai lồng ghép với các chương trình Xây dựng nông thôn mới, Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, tập trung đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững;… Được biết, tổng nguồn vốn thực hiện cho Chương trình giảm nghèo bền vững năm 2023 của tỉnh Lâm Đồng là 65,683 tỷ đồng. Các địa phương, đơn vị, các chủ đầu tư đang triển khai các thủ tục giải ngân để thực hiện Chương trình giảm nghèo theo kế hoạch đề ra.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2022-2025 với kinh phí hơn 1.700 tỷ đồng. Chương trình được thực hiện với nhiều dự án để sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển, phát triển toàn diện giáo dục – đào tạo, y tế, văn hóa, nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số. Trong đó, năm 2023, tổng nguồn vốn bố trí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là trên 334 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn bố trí thực hiện Chương trình năm 2022 là 231,4 tỷ đồng. Đối với nguồn kinh phí năm 2022 chưa giải ngân, UBND tỉnh đã có văn bản cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công đến ngày 31/12/2023.
Đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng |
Theo thông tin từ Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh có 1,3 triệu dân, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 25%. Hiện nay, các địa phương và đơn vị được giao làm chủ đầu tư các nội dung, tiểu dự án, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang khẩn trương xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện. Công tác tuyên truyền về các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi được triển khai sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ. Các đơn vị, địa phương thực hiện kịp thời, đồng bộ các chính sách an sinh xã hội và các chương trình, dự án khác đối với vùng nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo. Tăng nguồn lực đầu tư của địa phương, huy động toàn xã hội tham gia giúp vùng nghèo, mang lại nhiều kết quả thiết thực.