Trở lại ấp Đường Đào (xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau), chúng tôi được đi giữa không gian mới khang trang sạch đẹp, thân thiện môi trường, với những con đường bê tông nhưng vẫn xanh mát bởi những hàng cây, những bờ rào cây xanh cắt tỉa gọn gàng. Thấp thoáng là những căn nhà mới như khẳng định thêm sức sống mới của một vùng quê đang trên đà phát triển.
Những khởi sắc hôm nay khiến chúng tôi nhớ lại giai đoạn trước, nơi đây vốn là vùng quê nghèo khó, có gần 70% dân số là đồng bào dân tộc Khmer. Những con đường nhỏ sơ sài, nhiều căn nhà ở tạm bợ. Những năm gần đây, nhờ những chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số, cùng ý chí vươn lên của đồng bào Khmer đã làm cho vùng quê này có nhiều khởi sắc, kinh tế gia đình phát triển. Từ sự hỗ trợ của nhà nước, đường giao thông, cầu giao thông, lưới điện, trạm xá, trường học được đầu tư xây dựng hoặc nâng cấp... Nhiều hộ có ý chí thoát nghèo đã được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thới Bình hỗ trợ cho vay vốn để chăn nôi dê, chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp, nên đã thoát nghèo và có bước tiến đáng kể về phát triển kinh tế.
Tại Ấp 7, xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình, gia đình ông Thạch Ngọc Đức là một điển hình vươn lên thoát nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer nhờ mô hình trồng lúa, nuôi tôm. Ngoài ra, còn kết hợp nuôi cá chình, cá bống tượng và chăn nuôi, mỗi năm đem về cho gia đình từ 200 triệu đồng. Ông Đức cho biết từ nguồn vốn vay của ngân hàng, cùng quyết tâm thoát nghèo, gia đình ông đã làm ăn nên từ mô hình sản xuất nói trên, nay ông trả được nợ, thoát được nghèo và xây được căn nhà khang trang.
Cùng với những chuyển biến tích cực về kinh tế, đồng bào Khmer tại xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình cũng quan tâm nhiều hơn tới việc học hành của con em. Nhiều gia đình trong cộng đồng Khmer không chỉ có con em học giỏi, mà còn học cao, trong đó có những gia đình có 3 con tốt nghiệp đại học. Tại ấp Đường Đào, vài năm gần đây, năm nào cũng có em thi đỗ đại học. Ông Lê Văn Huyện, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Hồ Thị Kỷ cho biết, xã Hồ Thị Kỷ là địa bàn có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, nếu như giai đoạn trước, có nhiều em bỏ học thì nay các gia đình đồng bào dân tộc Khmer quan tâm chăm lo cho con cái học hành. Hầu hết con em được học đến đại học, một phần quan trọng là do tác động tích cực từ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Trần Hoàng Nhỏ, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Cà Mau cho biết: Hiện nay, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh sống tập trung nhiều tại khu vực nông thôn, với hơn 9.000 hộ, chiếm trên 76% tổng số hộ dân tộc thiểu số của tỉnh. Thời gian vừa qua, tỉnh Cà Mau đã triển khai nhiều chương trình phát triển kinh tế- xã hội, văn hóa, giáo dục, chính sách an sinh xã hội, qua đó đã góp phần làm thay đổi bộ mặt các vùng quê, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Năm 2022, Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Cà Mau là 50.468 triệu đồng; trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 42.612 triệu đồng, vốn đối ứng ngân sách tỉnh 4.356 triệu đồng và vốn huy động 3.500 triệu đồng.
Các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, chính sách an sinh xã hội được các cấp, các ngành và các địa phương chỉ đạo triển khai thực hiện khá quyết liệt đã góp phần giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo nói chung, hộ nghèo, hộ cận nghèo dân tộc thiểu số nói riêng phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo; đồng thời góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.
Đến cuối năm 2022, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh 7.407 hộ, chiếm 2,41%, giảm 0,73%; trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 1.042 hộ, chiếm 14,06% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh và chiếm 8,66% tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số (giảm 2,07%). Tổng số hộ cận nghèo toàn tỉnh 5.710 hộ, chiếm tỷ lệ 1,86%; trong đó, hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số 550 hộ, chiếm 9,63% tổng số hộ cận nghèo toàn tỉnh và chiếm 4,57% tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến tặng quà cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer. tại Cà Mau |
Năm 2023, tỉnh Cà Mau phấn đấu giảm hộ nghèo đa chiều tối thiểu 0,8%. Để thực hiện đạt mục tiêu này, tỉnh đang tập trung thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững như tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo; dạy nghề, tạo việc làm; hỗ trợ về giáo dục và đào tạo, y tế, nhà ở; trợ giúp pháp lý cho người nghèo; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo... với tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 là trên 89,5 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 75,4 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 7,6 tỷ đồng và huy động hợp pháp khác trên 6,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Cà Mau triển khai các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững gồm: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững./