Nhiều chương trình, chính sách đã được triển khai phù hợp với điều kiện thực tế, từ đó thay đổi tập quán sản xuất, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương.
Học sinh dân tộc Lô Lô tại trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Bảo Lâm, Cao Bằng |
Cao Bằng là tỉnh miền núi biên giới với 10 huyện thành phố, 161 xã phường thị trấn, tỉnh có nét rất đặc thù là toàn tỉnh có hơn 53 vạn dân, trong đó có đến 95% là đồng bào dân tộc: Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán chỉ, Lô Lô...
Mọi chính sách đều liên quan đến đồng bào DTTS
Đối với Cao Bằng, các chủ trương chính sách, chương trình chung của Đảng và Nhà nước hay các chính sách cơ chế riêng của địa phương thì với Cao Bằng đều liên quan trực tiếp đến vấn đề dân tộc và người thụ hưởng các chủ trương, chính sách, chương trình này chủ yếu là đồng bào các DTTS. Vì vậy, những năm qua các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và cả hệ thống chính trị trong tỉnh dưới sự quan tâm chỉ đạo chung của Đảng và Nhà nước, Cao Bằng đã triển khai thực hiện rất tích cực, quyết liệt tất cả các chương trình, chính sách đã và đang có để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, chăm lo đời sống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Nhiều chương trình, chính sách đã được triển khai phù hợp với điều kiện thực tế, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của người dân, được người dân nhiệt tình tham gia hưởng ứng. Nhờ vậy, bước đầu đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của người dân, từ đó thay đổi tập quán sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội. Sản xuất miến tại huyện Hà Quảng góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS |
Đơn cử như ở bản Lũng Củm, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, mấy năm gần đây, đồng bào Dao đỏ đã dần xóa bỏ lối sản xuất thuần nông lạc hậu, đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật, đưa giống cây trồng, vật nuôi có giá trị, chất lượng vào sản xuất. Được sự hỗ trợ của Nhà nước bằng các chương trình, chính sách dân tộc, đến nay, 100% hộ trong xóm tham gia trồng lạc hàng hóa. Thu nhập từ trồng lạc cao hơn 2 - 3 lần so với trồng lúa. Cùng đó, đồng bào đầu tư trồng cỏ voi, chăn nuôi bò vỗ béo. Lũng Củm hiện chỉ còn 10 hộ nghèo (giảm 9 hộ nghèo so với năm 2016).
Huyện Hà Quảng đã hỗ trợ thực hiện 2 mô hình trồng gừng trâu, lúa Đoàn Kết thương phẩm với quy mô hơn 160ha theo hình thức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ. Đến cuối năm 2021, đời sống kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS có nhiều bước chuyển tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện hiện còn 28% (giảm 4% so cuối năm 2020).
Tính chung toàn tỉnh Cao Bằng, từ sự hỗ trợ của Nhà nước và sự quyết tâm của địa phương, các chương trình, chính sách dân tộc đến được các xóm, bản đặc biệt khó khăn, có đông đồng bào DTTS sinh sống. Đến nay, diện mạo vùng đồng bào DTTS của tỉnh có nhiều đổi thay. Hộ nghèo giảm 4%/năm (5.196 hộ), đào tạo nghề cho 3.500 người DTTS, trên 98% dân số tham gia bảo hiểm y tế, trong đó có 99,4% người DTTS được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. 100% đường liên xã được thông tuyến, 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường, 91% dân cư nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh, gần 91% hộ sử dụng điện, trên 93% hộ được xem truyền hình, 2.600 hộ di dời chuồng trại gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở. Ngoài ra, các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh luôn đồng hành cùng các địa phương trong tỉnh thực hiện tốt chương trình an sinh xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn, nhờ đó đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng lên.
Phối hợp chặt chẽ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng Bế Văn Hùng cho biết: Trong giai đoạn 2021-2025, triển khai giai đoạn 1 của Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Cao Bằng xác định đây là một nguồn lực hết sức sức quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG, tỉnh Cao Bằng đã bám sát các văn bản của Trung ương để chỉ đạo kịp thời việc tổ chức thực hiện. Đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành; phân công nhiệm vụ rõ ràng trong triển khai thực hiện các nội dung Chương trình. Qua đó đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm sinh kế bền vững, ổn định đời sống Nhân dân trên cơ sở tập trung khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng của từng địa phương.
Đồng thời, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất; nâng cao hiệu quả, chất lượng đầu tư các chương trình, dự án phù hợp vớỉ điều kiện sinh thái, tập quán sản xuất của từng vùng, từng dân tộc. Ưu tiên phát triển, đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh. Tập trung giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức thiết về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, sắp xếp, di dời, bố trí ổn định dân cư cư trú phân tán ở xóm vùng cao, nhất là vùng nguy cơ cao về thiên tai; bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn.
Ban Dân tộc tỉnh đã chủ động, tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2022, Ban tham mưu cho UBND tổ chức Hội nghị trực tuyến 3 cấp hướng dẫn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022; tổ chức thành công Hội nghị giao lưu, trao đổi kinh nghiệm công tác dân tộc 08 tỉnh, thành phố phía Bắc năm 2022 do Ban Dân tộc làm Cụm trưởng; tổ chức thành lập Đoàn người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh đi đi học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh… Ban Dân tộc phối hợp với các sở, ngành triển khai kế hoạch thực hiện Dự án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới bằng nhiều hình thức phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán của từng địa phương…
Bên cạnh đó, Ban Dân tộc tỉnh đã chỉ đạo thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho người có uy tín theo quy định; thực hiện cấp báo cho người có uy tín đến hơn 309 nghìn tờ báo; tổ chức 6 cuộc cung cấp thông tin thời sự gần 1000 lượt đại biểu…
Trong thời gian tới, Ban Dân tộc tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đẩy mạnh triển khai thông tin tuyên truyền về các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, về các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi... Để các cấp uỷ đảng, chính quyền và hệ thống chính trị nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện thật tốt. Để đồng bào các dân tộc hiểu đúng, hiểu rõ hơn nữa về các chính sách, các chương trình để từ đó đoàn kết tốt, đồng thuận tốt, tự giác góp sức thực hiện tốt… Bình An
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com