Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine ngừa Covid-19 trong cộng đồng. Ảnh: Phạm Quang Vinh. |
Còn nhiều nguy cơ
Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 11/10 đến nay, số ca mắc trung bình trong ngày tăng mạnh so với thời gian từ ngày 21/9 đến ngày 10/10 (giai đoạn Hà Nội nới lỏng giãn cách). Cụ thể, từ 11/10 đến nay, bình quân Hà Nội ghi nhận 21 ca/ngày so với 5,7 ca/ngày giai đoạn trước đó. Hà Nội cũng liên tục ghi nhận các chuỗi lây nhiễm phức tạp liên quan tới việc tập trung đông người. Đặc biệt từ ngày 28/10 đến ngày 1/11, số ca nhiễm lên bình quân từ 33-57 ca/ngày.
Theo bà Nhị Hà, dịch xâm nhập từ các địa phương có dịch diễn biến phức tạp và việc tập trung đông người do áp dụng nới lỏng vẫn là nguy cơ hiện hữu, tiếp tục gia tăng. Kết hợp với việc tập trung đông người do áp dụng nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, dự báo thời gian tới Hà Nội sẽ tiếp tục ghi nhận các chuỗi lây nhiễm phức tạp và có nguy cơ cao, nếu không quản lý chặt chẽ và có các biện pháp hành chính phù hợp kèm theo.
Cùng với đó, trước thực trạng số ca mắc trong cộng đồng đang gia tăng tại một số địa phương trên cả nước, Bộ Y tế cũng vừa có văn bản hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ về việc tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Bộ Y tế nhận định, sau khi thực hiện nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội tại một số tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ đã ghi nhận số mắc trong cộng đồng gia tăng như: Bạc Liêu, An Giang, Tiền Giang, Trà Vinh, Kiên Giang; cùng với lượng người đi lại từ vùng có dịch về các địa phương rất nhiều. Do đó, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc Covid-19 tại cộng đồng; tăng cường phòng tránh nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tại các cơ sở y tế.
Đặc biệt trong văn bản hỏa tốc nói trên, Bộ cũng yêu cầu các tỉnh, thành trong khu vực Tây Nam Bộ đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên; Tăng nhanh độ bao phủ mũi 1, triển khai tiêm mũi 2 cho những đối tượng đã tiêm mũi 1 đủ thời gian và triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 12-17 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Các địa phương cần cập nhật cấp độ dịch thường xuyên
Trước nguy cơ nhiều ca mắc Covid-19 mới tại một số địa phương, chuyên gia y tế cho rằng thực tế này phần nào cảnh báo về việc dịch vẫn còn phức tạp trong cộng đồng, và chưa hoàn toàn được dập tắt. Cùng với đó, hiện là thời điểm mùa Đông ở miền Bắc, nhiệt độ thấp cũng là một trong những nguy cơ để các loại virus phát triển, từ đó tăng nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: Việc chấp nhận chung sống an toàn với Covid-19 không có nghĩa là chúng ta được buông lỏng các biện pháp phòng, chống dịch đang thực hiện. Việc làm này có thể tạo điều kiện cho SARS-CoV-2 lan ra nhiều khu vực, đặc biệt nguy hiểm tại những nơi có tỉ lệ tiêm chủng vaccine còn thấp.
Ông Phu nhấn mạnh: Tất cả địa phương đều phải cảnh giác cao độ, nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như xét nghiệm, truy vết, cách ly, khoanh vùng, phong tỏa và ngăn ngừa, tránh để ổ dịch bùng phát.
Trước đó, vào ngày 12/10 vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế nhằm thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Từ đây, các địa phương sẽ dựa trên những tiêu chí về tỉ lệ ca nhiễm trong cộng đồng/100.000 dân/tuần và người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một liều vaccine để đánh giá cấp độ dịch.
Ông Phu cho biết mục đích của việc công bố cấp độ dịch là để các tỉnh, thành phố đánh giá được mức độ nguy cơ ở mỗi thời điểm, từ đó đưa ra biện pháp đáp ứng phù hợp, không thái quá nhưng cũng không buông lỏng. Việc làm này cũng giúp các địa phương phát triển được kinh tế song song với công tác phòng, chống dịch. Các địa phương phải đánh giá cấp độ dịch tới tận cấp xã, huyện. Đồng thời, thực hiện đánh giá mức độ dịch trên địa bàn cần được cập nhật nhanh và thường xuyên.