Tin tức - Hoạt động

Khuôn mặt nào cho linh mục tương lai ?

Cập nhật lúc 14:04 23/10/2009

 

Thực ra khuôn mặt linh mục không phải ngay từ đầu đã giống như hiện nay. Từ thời Giáo hội sơ khai, khi mà có lẽ các chức vụ “giám mục” hay “linh mục” chưa được xác định rõ như hiện nay, và cả các chức vụ “Giáo hoàng” hay “hồng y” cũng chưa có, mà chỉ có các Tông đồ, những người “được sai đi”, và những người được gọi là “giúp việc” Hội Thánh. Rồi cả từ khi các chức vụ ấy được xác định, được “phẩm trật hóa”, thì cũng đã thay đổi khá nhiều trong thời gian.
Thật vậy, mới chỉ từ sau Công đồng Vatican II đến nay thôi, hình ảnh linh mục đã thay đổi khá nhiều, đến nỗi có người cho rằng: sau Công đồng Vatican II, khuôn mặt linh mục là một khuôn mặt thay đổi nhiều nhất. Điều này có lẽ đúng, nhưng chỉ đúng về mặt bên ngoài mà thôi. Thật vậy, trong khi các giám mục vẫn còn giữ đầy đủ phẩm phục, nào là áo tím hay riềm tím, khi dâng lễ còn đội mũ “cà cuống” hay “mũ gầu”, cầm gậy thì các linh mục ngày càng trở nên giống “bố đời”, bỏ cái mũ ba múi, khi làm lễ có khi chỉ còn mặc áo dài trắng, đeo dây stola mà thôi. Có người phàn nàn rằng khi gặp các cha ngoài đường, trông nhiều ông chẳng khác chi “người đời”, nên không biết mà chào hỏi cho đúng chức bậc làm cha! Ấy là chưa nói đến trường hợp các đấng ăn diện cũng đúng mốt như thanh niên, quần bò, áo thung, dây da to tướng, giầy dép “mo-de” đúng thời, đúng mùa vv. Vậy mà hồi thập niên 50, tụi tôi khi đi dạo còn phải mặc áo dòng và mang áo choàng đen bên ngoài và dù có phải chui qua dây thép gai, thì cũng cuộn tròn mình trong áo dòng mà chui. Chơi bóng chuyền hay trượt tuyết, cũng phải đóng bộ áo dòng, thắt lưng cho gọn mà chơi. Cả đến thập niện 60, nhiều linh mục già trong một tu viện ở Paris, vẫn còn đội mũ “quả khế” xuống nhà cơm. Còn áo dòng thì dĩ nhiên cả bọn tôi cũng phải mặc đủ bộ, và ngày thứ Sáu Tuần Thánh còn mang cả áo choàng đen mà ăn cơm, vừa ăn vừa nghe đọc sách!
TRONG MỘT XÃ HỘI ĐANG THAY ĐỔI
Nhưng từ ấy đến nay, mọi sự đã khác rất nhiều, các linh mục, tu sĩ bây giờ ăn mặc như “người đời”. Tại Rôma, có những bậc tu sĩ vị vọng còn mặc quần soọc đi ra ngoài thành phố. Tuy nhiên vẫn chưa có thể nói đã định hình được khuôn mẫu nào cho linh mục ngày nay. Tất cả vẫn còn đang được hình thành, cũng như chính thế giới đang được hình thành trong thế kỷ 21 và Thiên niên kỷ III này.
Mọi sự đang thay đổi, và thay đổi nhanh chóng. Vì thế Đức Phật mới nói: “vạn sự vô thường, vạn sự khổ”, còn ông Côhêlet thì nói trong Kinh Thánh: “Vanitas vanitatum: mọi sự thảy đều phù vân!” (Gv 1,2) .Thậy vậy mọi sự ở đời này chẳng có gì là không thay đổi, nên khuôn mặt linh mục cũng phải thay đổi, cùng thế giới đang đổi thay này.
Nói chi xa, chỉ cần nhìn người Việt Nam chúng ta cách đây chưa đầy một trăm năm về trước, ai có thể nghĩ mọi sự sẽ thay đổi tới mức này! Thời ấy các bà còn mặc “váy ba cồng” , đội nón nồi rang, các ông mặc quần áo nâu sồng, búi tó; sang giầu thì mặc áo the, đội khăn xếp. Trẻ con phần đông cởi truồng, và người nông dân cũng đóng khố... Toàn dân đi bộ và đi chân đất, có guốc dép cũng chẳng đi được, vì đường trời mưa lầy lội gồ ghề, đầy dấu chân trâu bò... Thế nên bên cạnh các nhà thờ luôn có ít nhất một cái ao, nếu không phải là hai: một cái cho đàn ông, một cái cho đàn bà, để rửa chân trước khi vào nhà thờ.
NGUY CƠ MỘT THẾ GIỚI ẢO
Ngày nay sự thay đổi còn rộng rãi và nhanh chóng hơn. Có nhiều người đang tự hỏi : không biết bọn trẻ choai choai hiện nay ra sao trong hai mươi năm về sau? Ai có thể hình dung được khuôn mặt của chúng?, khi mà ngay trong hiện tại nhiều cha mẹ còn chưa hiểu thực sự chúng là ai và muốn gì! Không kể đến những tệ nạn như xì ke ma túy, có thể hủy diệt cả thể xác lẫn tâm hồn nhân loại hiện nay, ngay cả đến những sinh hoạt có vẻ bình thường, như ngồi trước máy vi tính, cũng có thể biến đổi tâm hồn người ta, bằng những thông tin, tuyên truyền độc hại, và nhất là những trò chơi điện tử, đang đưa người ta vào thế giới ảo, hoàn toàn xa rời thực tế.
Trong khi đó, chính những người đang sống trong cái mà người ta gọi là “thực tế” thì sao? Đó cũng là một thế giới ảo theo một nghĩa khác. Cứ nhìn vào thế giới mệnh danh “toàn cầu hóa” mà người ta ngày ngày nói trên cửa miệng, nghe thì có vẻ to lớn, vĩ đại, hoành tráng, nhưng thực ra chỉ là một chiếc bánh vẽ, chưa đến miệng mọi người, thì đã bốc hơi, khiến mọi người chưng hửng. Không chỉ có thế, cái “thế giới toàn cầu hóa”mà người ta đang rêu rao quyết tâm xây dựng, lại đang bị đầu độc và bị đe dọa diệt vong bởi chính cung cách mà người ta gọi là “phát triển” kia. Thật vậy, chính sự phát triển bừa bãi, không toàn diện và đồng bộ, một sự phát triển chỉ nhằm mục đích lợi nhuận vật chất và phục vụ cho một số thế lực kinh tế lớn, mà bỏ quên bảo vệ và phát triển thế giới vũ trụ tự nhiên, môi trường sống của con người, cũng như sự bảo vệ và phát triển chính con người, - điều đó cũng tương tự như kẻ muốn leo lên ngồi trên cành cây, nhưng lại đưa tay đốn gốc cây, hay như kẻ muốn giúp cho người ta trở nên giàu có, nhưng lại ra tay giết chết người ta! Sự nghịch lý và mâu thuẫn là ở chỗ đó. Sự phát triển quá “nóng” theo đúng nghĩa đen hiện nay, nghĩa là bằng những phương pháp và phương tiện “đốt cháy” môi trường, như sử dụng những nhiên liệu hóa thạch và thải ra những chất độc gây ra hiệu ứng nhà kính, hâm nóng nhiệt độ trái đất, cùng với việc khai thác đến làm kiệt quệ tài nguyên trái đất, làm xói mòn và hoang mạc hóa hành tinh của chúng ta, tất cả những việc làm ấy hoàn toàn mâu thuẫn với chủ trương phát triển toàn cầu, và phát triển “bền vững”! Mâu thuẫn chồng chất trên mâu thuẫn, khi sự phát triển kinh tế đó vẫn tiếp tục dựa phần lớn vào việc phát triển những phương tiện chiến tranh, như sản xuất vũ khí đủ loại, từ xe tăng tầu ngầm cho đến hàng không mẫu hạm, và những máy bay chiến đấu tối tân, cùng với những đầu đạn và bom hạt nhân. Điều không thể tưởng tượng nổi nữa, là không ít những cuộc buôn bán, trao đổi các vũ khí này có khi lại qua trung gian của ma túy, hay nói cách khác, người ta dùng ma túy để trả tiền mua các vũ khí này! Hay có thể nói người ta buôn bán chính những phương tiện giết người, để đầu tư vào thị trường của tử thần!
 
VÀ NGUY CƠ DIỆT VONG
Ngày xưa người ta đánh nhau bằng chân tay, gậy gộc, rồi sau đó là bằng gươm bằng giáo. Rồi từ khi chế ra thuốc nổ, người ta sản xuất những khẩu súng trường bắn phát một, còn súng thần công ngày xưa thì bắn bằng đạn đá, trúng ai thi người đó chết hay bị thương, còn người bên cạnh chẳng hề hấn gì. Người ta dàn trận từng hàng, giương súng, lên cò, rồi mới hô bắn, bắn xong lại phải nạp đạn, bóp cò. Bây giờ khi xem lại những cảnh này, thấy mà tức cười, cứ như đóng phim vậy. Súng hôm nay là súng liên thanh, đạn hôm nay có thể là đạn có hóa chất, có vi trùng, và nhất là đầu đạn hạt nhân, hay bom khinh khí..
Chiến tranh bây giờ khác hẳn, có thể nói không có trận địa rõ ràng, thậm chí cũng chẳng cần có lính xếp hàng ra trận, mà người ta chỉ cần bấm nút cho hỏa tiễn bay tới những mục tiêu, mà chỉ những nhà chỉ huy mới biết đích xác ở vị trí nào. Còn đa số những người bình thường như chúng ta, chẳng biết các nhà chính trị và quân sự đang tính toán những gì. Thế giới xem ra có vẻ thanh bình, và ai nấy chỉ lo làm ăn và hưởng thụ, nhưng sự yên lành đó thật mong manh, giả tạo, bởi vì chiến tranh hỏa tiễn với những đầu đạn hạt nhân hay bởi ngay cả những phương tiện dân sự có thể xảy ra bất cứ ở đâu và lúc nào, cũng như nó đã xảy ra tại New-York, bên Hoa Kỳ, ngày 9 tháng 11 năm 2001.
LINH MỤC ĐANG ĐƯỢC HÌNH THÀNH TRONG MỘT THẾ GIỚI ĐANG HÌNH THÀNH
Bạn đọc có thể thắc mắc tại sao tôi lại nói lung tung lạc đề, mà không chú tâm vào chủ đề linh mục tương lai. Xin thưa: chuyện linh mục tương lai có tương quan với những đổi thay và bất trắc, đưa tới sự đổi thay của bộ mặt thế giới và xã hội loài người, vì linh mục cũng bị lôi vào vòng xoáy của thời cuộc, của lịch sử. Tôi thú thật, tuy vẫn ngày ngày bận tâm nghe, nhìn vào thế giới và suy nghĩ về những gì đang và sẽ xảy ra, nhưng vẫn chưa thể hình dung nổi khuôn mặt thế giới này rồi sẽ ra sao, nói chi đến hình dung ra khuôn mặt của linh mục trong một vài thập niên tới.
Vừa rồi khi nghe VTV1 loan tin Chính phủ đang hợp tác với Nhật Bản nghiên cứu thực hiện đường sắt xuyên Việt, và dự trù vào năm 2036, con tàu Bắc-Nam sẽ đưa chúng ta từ Hà Nội đến Sài Gòn chỉ mất hơn 5 tiếng đồng hồ, với tốc độ 300 km/giờ. Lúc ấy, nếu tôi còn sống thì đã 103 tuổi!, và lớp tuổi 30 hiện nay sẽ xấp xỉ 60. Vào thời đó, chắc các linh mục và cả các ma-xơ sẽ lái xe veo vèo trên các đường phố và xa lộ, chẳng khác gì các linh mục và tu sĩ nữ tu bên Mỹ, bên Úc hay bên Pháp hiện nay, và điều chắc chắn là đời sống của họ, nhất là tâm lý của họ. sẽ thay đổi nhiều lắm.
Còn ở ngoài xã hội cũng vậy. Với những tiện nghi càng ngày càng nhiều và tân tiến, con người ngày càng trở nên ít lệ thuộc vào người khác, và tuơng quan giữa con người với nhau càng ngày càng trở nên ích kỷ, lạnh lùng. Xã hội ngày càng “xã hội hóa” theo kiểu tập trung, đánh đống, xếp chồng lên nhau, nhưng như những viên đá, viên gạch không vôi vữa gắn liền, không như thời còn ở nông thôn, tuy xa cách đầu làng cuối xóm, nhưng ai ai cũng biết nhau và liên đới với nhau qua tình làng nghĩa xóm, và trước hết, là nhờ tình máu mủ gia đình ruột thịt, hay tình đồng bào.
 
NGUY CƠ ĐÁNH MẤT TÍNH NGƯỜI VÀ TÌNH NGƯỜI
Con người ngày nay như chim sống chung trong một cái lồng, nhưng mỗi con lại hót một giọng điệu cô đơn. Người ta sống chung đụng với nhau mà lại đánh mất tinh thần cộng đồng. Giáo hội rồi ra cũng sẽ bị ảnh hưởng về lối sống thiếu tính cộng đồng ấy. Các tu viện, như hiện nay nhiều nước trên thế giới đang xảy ra tình trạng biến thành một thứ khách sạn, nơi đó các tu sĩ chỉ như người ở trọ, chứ không còn là thành phần của một cộng đồng, trong đó mọi người đồng tâm nhất trí với nhau như trước nữa. Và các giáo xứ thì càng ngày càng trở nên như một tổ chức xã hội, một thứ câu lạc bộ, nhà thờ là nơi để “nghe” hay “xem” lễ, như đi coi hát hay nghe nhạc. Những chuyện như “biểu diễn” thánh ca, hay có gọi là “diễn nguyện” gì đó, cũng chỉ là một hình thức thế tục hóa tôn giáo mà thôi. Vì thế người ta mong đợi các linh mục, tu sĩ trở thành những diễn viên, những nhà hùng biện, biết nói văn chương chữ nghĩa và cử chỉ điệu bộ lôi cuốn, chứ không thích xem và nghe những ông thánh đạo mạo, mặt mũi lúc nào cũng nghiêm trang khổ hạnh, như người cử hành đám tang ...
Những khuôn mặt khắc khổ đạo hạnh như thế không thể lôi cuốn giới trẻ thời nay, một thế hệ thường ham vui nhảy múa, hát hò, thậm chí còn gào thét trên sân khấu, sáng tác những điệu nhảy như kiểu của Maicồ Giắc-sơn! Thế nên cách đây cả đến vài chục năm, bên Mỹ người ta sản xuất một cuốn phim về cuộc đời Chúa Giêsu, họ trình bày một Chúa Giêsu vui vẻ, trẻ trung, hoạt bát, đi đứng cứ như một người lạc quan yêu đời, bá vai bá cổ các tông đồ, rủ các ông ngồi xuống đất, nghe Người nói về những mối Phúc thật. Thật trông chẳng giống tí nào với khuôn mặt quen thuộc mà xưa nay người ta trình bày về Người. Có thể cách trình bày như thế hơi quá đáng, khiến những người đạo đức truyền thống phải “sốc”. Nhưng dù thế nào đi nữa, chúng ta cũng nên tin rằng Đức Giêsu sống tự nhiên như mọi người, không kiểu cách lập dị, trái lại, đôi khi cũng tỏ ra có đủ những phản ứng tâm lý tự nhiên của một con người, ái, ố, hỉ, nộ vv. Hay chắc chắn là biết vui với người vui, khóc với người khóc, hay như Người nói nhảy múa với người thổi sáo, sụt sùi khi nghe thổi kèn đám ma (x.Mt 11,18), chứ không cứ ngay đơ như ... tượng mà chúng ta đục đẽo hay vẽ vời xưa nay.
 
PHẢI TÌM LẠI KHUÔN MẶT CON NGƯỜI GIÊSU
Một cuốn sách nào đó xuất bản bên Mỹ cách đây cũng gần vài chục năm, tôi đã đọc nhưng lâu ngày quên cả tên tác giả, trong sách đó, tác giả trình bày một Đức Giêsu tái nhập thể làm người trong thân phận một người tạc tượng, sống đạm bạc, hòa mình giữa đám dân thường, không chấp nhận một khuôn khổ giáo lý cứng nhắc, giáo điều, nên đã bị cha sở phê bình, chỉ trích và cấm giảng đạo, sau đó còn bị giám mục gọi lên ngăm đe, và cuối cùng bắt phải sang Rôma cho Bộ Thánh vụ thẩm vấn. Khi vào yết kiến Đức Giáo hoàng, người ta bắt ông quỳ xuống trước mặt ngài, nhưng bác thợ tạc tượng trả lời tỉnh bơ: “Giêsu có bắt ai quỳ như vậy đâu!”.
Vâng, Đức Giêsu Kitô “vốn dĩ là Thiên Chúa” nhưng lại không muốn ai đối xử với mình như là Thiên Chúa, mà chỉ như một người anh em bình thường, thậm chí như một người bé nhỏ tầm thường.
Trong một thế giới mà con người ngày càng trở nên một mớ hỗn độn, cá nhân chỉ còn là những con số được đánh giá bằng đồng tiền thu nhập được hàng tuần hay hàng tháng, thì sự trở về với Mầu Nhiệm Nhập Thể, -Chúa làm người để người làm Chúa,- sống thân tình hòa hợp vối mọi người, tạo thành cộng đồng những con người có trái tim yêu thương, liên đới hay hiệp nhất với nhau, là một điều vô cùng có ý nghĩa và may mắn, đem lại hy vọng cứu vớt được nhân loại đang đánh mất tình người.
Theo dự báo, thì các dân trên thế giới sẽ ngày càng tập trung về sống trong những thành phố lớn. Chỉ thành phố Hồ Chí Minh này thôi, vào 2020 số dân sẽ lên tới 20 triệu người. Và các thành phố khác cũng vậy, như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ vv, mật độ dân số sẽ tăng lên đôi, có khi gấp ba, hậu quả là thôn quê ngày càng trở nên hoang vắng chẳng khác gì những vùng quê, đặc biệt là vùng núi bên Pháp, mà tôi đã chứng kiến cách đây hơn 40 năm về trước.
Điều này đặc biệt ảnh hưởng nhiều đến các xứ đạo Công giáo, nhất là ở những vùng đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long. Số giáo dân bỏ thôn quê, bỏ xứ đạo vào các thành phố sẽ làm cho các xứ đạo nhỏ bé lại, trong khi đó các xứ đạo ở thành phố ngày càng phình ra. Mà như chúng ta thấy, việc mở thêm các xứ đạo không phải là chuyện dễ! Tìm được một miếng đất trong các khu đô thị mới để xây nhà thờ, nhà xứ, hầu như là không thể được. Cứ nhìn vào những khu đô thị mới như Nam Sài gòn, hay An Phú Đông, thì rõ: ở đó chưa có bóng dáng một nhà thờ, nhà nguyện nào.
Trong cái thế giới đô thị vật chất của ngày mai, sẽ chẳng có chỗ cho tôn giáo: Ở đó sẽ chẳng có chỗ nào cho một gốc cây đa cây đề, hay nơi đặt một bát nhang, nói chi đến chỗ cho Đức Phật ngồi thiền. Ở đó cũng không thể tìm thấy một hang đá để Chúa sinh ra, hay một góc để dựng cây Thập giá!
Nhưng vấn đề không chỉ là chuyện có đất để xây nhà thờ hay chùa chiền, thánh thất, mà còn ở chỗ những cư dân mới của thành thị, mà phần lớn là người nông thôn nhập cư,- một đàng bị đánh bật ra khỏi gốc rễ nông thôn, đàng khác chưa hoàn toàn hội nhập vào được lối sống đô thị,- sẽ trở thành những kẻ lạc lõng, không thể ổn định được đời sống của họ về mọi phương diện, nhất là khi phải khó khăn vất vả lắm mới tìm được kế sinh nhai. Tất cả những chuyện đó sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống tôn giáo của họ. Hơn thế nữa, với một vốn liếng giáo lý thô sơ, không đủ nuôi dưỡng đời sống đức tin của họ, những người giáo dân thôn quê nhập cư vào thành thị, sẽ trở thành những người giáo dân lạc loài, trong những cộng đồng giáo dân của những giáo xứ quá tải ở thành phố, đến nỗi khó có thể còn có thể gọi là những “cộng đồng” Dân Chúa.
 
LINH MỤC: CON NGƯỜI PHỤC VỤ CỘNG ĐỒNG NHỮNG CON NGƯỜI
Tất cả những vấn đề ấy không khỏi ảnh hưởng đến chính các linh mục. Thật vậy, linh mục với giáo dân cũng như cá với nước. Con cá sống trong chậu hay bể cá không giống cá trong ao trong rạch, và cá trong ao không giống cá dưới sông. Cá nước ngọt khác với cá nước lợ hay nước biển. Các linh mục trong những thập niên tới đây sẽ phải đối phó với tình trạng thay đổi của môi trường xã hội và tôn giáo đang biến đổi nhanh chóng không thể lường trước được. Và một trong những vấn đề lớn của thời đại, vẫn là vấn đề của giới trẻ, là giới thay đổi nhiều và nhanh chóng nhất.
Trong một hoàn cảnh như thế, hỏi linh mục nói riêng và Giáo hội nói chung, có thể làm gì và phải làm gì? Liệu chúng ta có thể cải tạo môi trường xã hội theo ý muốn của chúng ta không? Hẳn là không. Bởi vì đã hết cái thời mà linh mục ở các xứ đạo ở thôn quê có thể muốn làm gì thì làm, cũng giống như một ông vua con đầy quyền lực và được mọi người kính nể, vâng phục, hầu như vô điều kiện. Nhưng nay thì linh mục đã mất vị thế vào quyền lực ấy. Xã hội ngày nay không còn là một xã hội tôn giáo nữa, ngay trong các giáo xứ toàn tòng. Thậm chí một thành phố như Rôma, vốn được coi như “Thủ đô” Giáo hội, cũng đã từ chối không muốn người ta gọi mình là “Thành Thánh” nữa, mà chỉ muốn là một thành phố như các thành phố khác trên thế giới, như Paris, Bắc Kinh hay Matcơva!
Nói cách khác, trong một thế giới chỉ muốn là thế tục, không muốn là Công giáo hay Tin Lành, Phật giáo hay Hồi giáo, và Thiên Chúa hay Phật hoặc Thánh Ala không còn được nhìn nhận như là Quyền Lực Tối Cao, mà chỉ có những sức mạnh kinh tế, chính trị chi phối và thống trị mọi lãnh vực, thì quyền lực siêu nhiên hay thiêng liêng không còn có trọng lượng nào để có thể chi phối hay ảnh hưởng trực tiếp trên đời sống của người dân, kể cả người tôn giáo. Tôi chỉ đưa ra một thí dụ: hiện nay, trên khắp thế giới, kể các nước vốn được coi là “Công giáo”, người ta cũng đã chấp nhận luật cho phép ly dị và phá thai, mặc dầu nhiều nhà lãnh đạo của họ mang danh là người “có đạo”, hay ít ra cũng đã được rửa tội hẳn hoi!
Nếu ngày xưa người Việt Nam ta đã nói: “Phép vua thua lệ làng”, thì ngày nay phải nói rằng: “Luật Đạo thua luật Đời”. Ngày nay, ngoại trừ tại những nước Hồi giáo như Iran, nơi mà quyền lực tối cáo nằm trong tay các giáo sĩ Hồi giáo, còn trên khắp thế giới, quyền lực tôn giáo không còn áp chế được quyền lực chính trị. Thế giới Kitô giáo của thời Trung Cổ đã qua đi lâu rồi, và vị giáo hoàng ở Rôma không còn quyền lực nào trên các vua chúa hay tổng thống, hoặc thủ tướng các nước Âu châu, cũng như các châu lục khác.
Có lẽ chúng ta hiện nay đang trở lại thời đế chế Rôma, thời mà các hoàng đế mới là “thượng đế’ có quyền bắt các chư dân phải cúng tế mình!
Nhưng cũng chính trong thế giới đó mà Đức Giêsu đã ra đời. Và người ra đời không phải để tranh giành địa vị với César, hay bãi bỏ lề luật của xã hội đương thời. Người bảo: “Của César, trả về cho César” ( 22,21) và rằng: “Thầy không đến để bãi bỏ (Lề luật), mà để kiện toàn.” (Mt 5,17). Đức Giêsu không đến để tranh giành địa vị lãnh đạo của các thủ lĩnh quốc gia, bởi vì như Người đã nói với tổng trấn Philatô: “Nước tôi không thuộc thế gian này” (Ga 18,36). Người cũng đến không với mục đích thay thế các cơ chế lãnh đạo hay đề nghị một thể chế chính trị mới. Người cũng chẳng hô hào lật đổ chế độ quân chủ để thay thế bằng một chế độ dân chủ theo kiểu cộng đồng tín hữu sơ khai, trong đó mọi người đồng tâm nhất trí với nhau, sống liên đới và chia sẻ trọn vẹn với nhau, tới mức coi mọi tài sản của mình là của chung (x.Cv 2,24-25). Điều Đức Giêsu muốn thực hiện, là thay đổi cách suy nghĩ và lối sống của mỗi người, lấy đức bác ái làm trọng tâm và làm rường cột cho đời sống cộng đồng xã hội, quy tất cả mọi qui tắc và lề luật vào một điểm duy nhất, đó là tình yêu, nhờ đó thay đổi chính bản chất của lề luật và quyền bính: “Ngày sabát được tạo ra cho loài người, chứ không phải loài người cho ngày sabát” (Mc 2,27). Người coi quyền bính như phương tiện để phục vụ, và đòi hỏi người lãnh đạo phải tự coi mình là đầy tớ, người đứng hàng chót để hầu hạ mọi người, chứ không phải là kẻ ăn to nói lớn và thống trị người khác (x.Lc 22,24-27). Với tinh thần đó, Giáo hội sơ khai đã không cần phải đấu tranh bãi bỏ chế độ nô lệ, và thánh Phaolô đã có thể trả Onêximô về với Philêmôn như một người tự do, mà chỉ yêu cầu Philêmôn nhận lại người nô lệ ấy như đón nhận chính mình. (Phl 1,15-17). Điều kỳ diệu là ở chỗ đó: nếu Philêmôn đón nhận Onêximô như đón nhận chính tông đồ Phaolô, thì làm sao có thể coi anh ta là nô lệ của mình được nữa? Bởi thế Phaolô mới có thể tuyên bố rằng từ nay, trong Chúa Kitô, không còn là Do Thái hay Hi Lạp , nô lệ hay tự do nữa (x.Gl 3,27).
KHUÔN MẶT KỲ DIỆU CỦA NGƯỜI - CHÚA
Điều kỳ diệu của Tin Mừng là ở chỗ đó: Thiên Chúa đã có thể làm người, để trở thành Người-Chúa mà không đánh mất bản tính Thiên Chúa của mình, và Người đã có thể hiện diện giữa anh em nhân loại của mình, mà không cần mang dáng vẻ và duy trì trọn vẹn vinh quang và uy quyền của một Thiên Chúa, mà vẫn là Thiên Chúa: Thiên Chúa trong bản tính và thân phận con người, mà không hề làm giảm bớt vinh quang và uy quyền của một Thiên Chúa. Thiền sư Suzuki của Nhật bản rất tâm đắc với điều mà ông cho là kỳ bí nhất trong huyền nhiệm này: “Thiên Chúa làm người để người làm Chúa, mà Chúa vẫn là Chúa, người vẫn là người”! Hay nói theo Lão Tử, thì vinh quang của Thiên Chúa “nhược muội”: (minh đạo nhược muội), nghĩa là “dường như tăm tối” (ĐĐK XLI,2).
 Từ những nhận định và suy nghĩ trên đây, đã từ lâu tôi vẫn đinh ninh cho rằng: không còn phải tìm đâu một khuôn mặt thích hợp cho linh mục, dù cho ở đâu và thời đại nào đi nữa, nhưng vấn đề là tìm lại cho linh mục nói riêng, và cho các môn đệ Chúa Kitô nói chung, dù cho ở vị trí và vai trò nào đi nữa, khuôn mặt con người của Chúa Kitô! nói cách khác, chính bởi vì chúng ta đã đánh mất khuôn mặt Đức Giêsu Con Thiên Chúa làm người, nên chúng ta đã trở nên xa lạ với loài người. Chúng ta đã sai lầm khi nghĩ rằng mình phải gồng mình lên, tìm mọi cách rập theo một khuôn mặt giả tạo nào đó, mà chúng ta cho rằng đó mới phải là khuôn mặt của Chúa Kitô, nghĩa là khuôn mặt uy linh thánh thiện, đầy quyền năng, đáng kính, đáng sợ, xứng với địa vị thánh thiêng cao cả. Vì thế mà linh mục phải là những người thánh thiện, khác người phàm, do đó phải ăn mặc khác người, nói năng, cư xử chẳng giống ai. Nói tóm lại, linh mục không còn là người thường nữa! Còn nhớ thời Trung Cổ, có những vị tu hành vốn sống khắc khổ, khó nghèo trong đan viện, nhưng khi được Đức Giáo hoàng cử đi đánh dẹp quân rối đạo, thì nghĩ mình phải ăn mặc xứng đáng địa vị một sứ thần, đi đâu cũng phải có ngựa xe và lính hầu. Trong khi đó, những kẻ rối đạo lại chủ trương sống đời sống khắc khổ, ăn chay, phạt xác. Vì thế họ càng khinh chê và lên án cung cách sống của hàng giáo sĩ. Thánh Đa Minh đã hiểu được điều đó, nên người đã chủ trương sống nghèo, đi chân đất, và chỉ dùng Tin Mừng, chứ không dùng uy quyền mà chinh phục những người lạc giáo, và vì thế thánh nhân đã thành công.
Thật sai lầm khi nghĩ rằng vinh quang của Thiên Chúa phải được diễn tả bằng những gì là sáng láng, đẹp đẽ và quí giá, như vàng bạc, đá quí, và quyền lực của Người phải được biểu dương bằng sức mạnh. Chẳng thế mà các tôn giáo đã chẳng xây những đền chùa, thánh thất và nhà thờ cao to, hùng vĩ, và trang trí bằng vàng bạc, thậm chí dát vàng cả trong lẫn ngoài, như chúng ta thấy trên những cái “đôm” hay mái vòm của một số đền thờ.
Không chỉ có thế, các “đấng bậc” hay chức sắc tôn giáo, cho tới nay nhiều khi cũng chẳng khác gì các tư tế và kinh sư và người Pharisiêu Do Thái ngày xưa, vẫn nghĩ mình là dân của Chúa, là giai cấp lãnh đạo tôn giáo, nên phải sống sao cho xứng đáng với địa vị và vai trò của mình. Vì thế nên phải có những danh hiệu xứng đáng, phải được tôn kính, hay ít ra, những người không còn là người thường. Người ta kể lại chuyện một giám mục Phi Châu nào đó, sau khi trao tác vụ linh mục cho một thầy phó tế, đã dẫn tân linh mục ra giới thiệu với giáo dân mà nói: “Đây không còn là người nữa, vì là linh mục!” Lời giới thiệu của vị giám mục Phi châu thực ra cũng chẳng phải là quá đáng so với những tước hiệu mà người ta thường gán cho linh mục, chẳng hạn như, nào là “đại diện” hay là “thay mặt” Chúa Kitô, và còn hơn thế nữa, là “Đức Kitô khác”, làm như thể Đức Kitô hoàn toàn vắng mặt trong thế gian và giữa cộng đồng tín hữu. Đức Kitô chẳng nói Người ở giữa chúng ta mọi ngày cho đến tận thế đó sao (Mt 28,20), và Người còn nói: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì Thầy có mặt ở đó giữa họ”. (Mt 18.19).Vậy thì ai dám tự coi mình là thay mặt hay đại diện cho Người được?
Còn chuyện cho rằng linh mục là một “Đức Kitô khác”, thì lại càng sai lầm hơn nữa, vì chẳng lẽ có đến hai, hay nhiều Đức Kitô? Và nếu vậy thì Đức Kitô nào là Đức Kitô thật? Nhưng chúng ta biết rằng chỉ có một Đức Kitô chứ không thể có những “Đức Kitô khác”, ai tự coi mình là Kitô, thì đều là “ngụy kitô” mà thôi!
Ngoài ra, chúng ta còn coi các linh mục là thuộc “hàng khanh tướng”, và các linh mục vẫn không ngần ngại áp dụng câu “Con là linh mục đời đời theo phẩm hàm Menkixêđê” cho mình, nhưng thật ra, câu này chỉ có thể áp dụng cho một mình Chúa Kitô mà thôi, bởi vì không linh mục nào có thể là linh mục đời đời được, bởi lẽ theo sách Khải Huyền, thì khi mọi sự viên mãn và Trời Mới Đất Mới xuất hiện thì sẽ chẳng còn thành thánh với đền thờ để mà dâng lễ nữa (x. Kh 21, 22)!
 
TẠM KẾT
Thật mỉa mai, khi Đức Giêsu Con Thiên Chúa làm người đã chỉ muốn là người và nên giống mọi kẻ phàm nhân, lại còn tự hạ sống thân phận người nô lệ để hầu hạ anh em nhân loại, kể cả những người tội lỗi, và khi kết thúc sứ vụ ở trần gian bằng việc chịu để cho người ta bắt bớ, đánh đập, sỉ nhục và đóng đinh vào thập giá như một tội nhân, nhưng vẫn giữ được khuôn mặt người của mình, để Philatô giới thiệu với dân chúng rằng: “Ecce Homo”, Đây là người! (Ga 19,5)!
Nếu Con Thiên Chúa làm người chỉ muốn làm người, và chết như một Con Người, -vì Thiên Chúa làm sao có thể chết được, - thì làm sao các môn đệ của Người lại muốn trở nên khác với mọi người, và muốn tạo cho mình một khuôn mặt nào khác, ngoài khuôn mặt của một con người?
Khi Thiên Chúa dựng nên con người, Kinh Thánh nói, Người chỉ muốn dựng nên chúng ta giống hình ảnh Người (x.St 1,27). Vậy thì ngay từ nguyên thủy Thiên Chúa đã muốn cho chúng ta nên giống Người trong chính khuôn mặt người của chúng ta, chứ đâu muốn chúng ta mang một khuôn mặt nào khác. Và khi sai Con Một của Người đến trần gian, Thiên Chúa cũng chỉ muốn cho Con của Người mang khuôn mặt Con Người, để dạy chúng ta tìm về khuôn mặt nguyên thủy của mình, chứ không dạy chúng ta đục đẽo, vẽ vời, tô điểm cho mình trở nên thiên thần hay thần thánh. Pascal thật có lý khi bảo rằng: “Qui fait l’ange, fait la bête”, kẻ muốn làm thiên thần, thì hóa thành con vật! Người Việt chúng ta nói nhẹ hơn, cho rằng kẻ không ra người thì chỉ là ngợm mà thôi!
Loài người chúng ta, hình như ai cũng muốn hơn người. Chỉ có Đức Giêsu Kitô, tuy là Thiên Chúa, nhưng lại chỉ muốn làm người, hơn thế nữa còn muốn trở nên giống người nô lệ để hầu hạ mọi người. Vì thế Người đã nói về mình: “Con Người đến không để được kẻ hầu người hạ, mà để hầu hạ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc muôn người. “ (Mt 20,28). Qua câu nói đó, Đức Giêsu vừa khẳng định mình là một con người như mọi người, và đồng thời là Con Ngươi theo nghĩa siêu việt, cao cả, nhưng mặc dầu vậy, Người vẫn chỉ muốn thực hiện sứ vụ Con Người như một người tôi tớ. Vì thế trước khi từ giã các môn đệ, trong bữa Tiệc ly, Người đã khiêm tốn quỳ xuống rửa chân cho từng môn đệ của Người (Ga 13,4-11).
Thế giới nhân loại chúng ta đã có quá nhiều vua chúa và những kẻ muốn thống trị thiên hạ, đã có quá nhiều quốc gia muốn trở thành bá chủ hoàn cầu, để nô lệ hóa những quốc gia khác. Và thậm chí nhiều tôn giáo cũng đã muốn trở thành những quốc giáo, hay tôn giáo toàn cầu, dẹp bỏ các tôn giáo khác để chiếm vị thế độc tôn. Đức Giêsu không hề bao giờ có ý muốn lập một tôn giáo mới với ý đồ thống trị như thế. Người chỉ loan báo một Vương Quốc của Thiên Chúa, không phải như một lãnh thổ hay một thể chế chính trị, hay tổ chức chính quyền theo nghĩa thế tục, mà là như một thực tại tâm linh, nghĩa là một cộng đồng nhân loại trong đó “Công lý, Bình an và Hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17).
Vì thế Giáo hội hôm nay dứt khoát phải xa lánh mọi cám dỗ về quyền lực, để trở về với sứ vụ yêu thương và phục vụ mà Đức Giêsu đòi hỏi. Như Đức Giêsu, Giáo hội hiện diện ở thế gian như người phục vụ và sẵn sàng hy sinh, liều mất chính mình để mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại, như men, như muối, hòa tan, hầu như không còn là mình, để làm cho cả khối bột dậy men, như muối bảo vệ và làm cho thịt cá và thực phẩm được đậm đà thơm ngon. Đó cũng là “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc, để phục vụ hạnh phúc đồng bào”, chứ không tách biệt, sống bên lề, để bảo vệ hay củng cố địa vị và quyền lợi của mình.
Cũng vì thế, ngày mai đây, có lẽ hình ảnh quen thuộc của linh mục sẽ chẳng phải là một vị tu sĩ đạo mạo trong chiếc áo thâm chùng, càng không phải là trong phẩm phục của thầy tư tế, mà là như bất cứ người dân thường nào trong xã hội. Linh mục sẽ không chỉ làm “nghề” tư tế luẩn quẩn trong khu vực nhà dòng, nhà xứ.
Linh mục phải làm người như Đức Giêsu đã làm người giữa mọi người. Linh mục có thể làm người nông dân, người thợ, hay có thể làm thầy thuốc, làm y tá, bác sĩ, giáo viên, nhà khoa học. Vả lại, các cộng đồng tín hữu sẽ phải thực sự là những “cộng đồng”, nghĩa là tối thiểu phải quen biết nhau và chia sẻ với nhau tối thiểu dưới hình thức hay một vài phương diện nào đó, chứ không chỉ biết cạnh bên nhau trong nhà rồi ra về, mà mãi mãi chỉ là những người xa lạ.
Theo tôi nghĩ, trong tương lai, các cộng đồng tín hữu tương đối nhỏ sẽ thay thế những giáo xứ khổng lồ đang có hiện nay, đặc biệt trong các thành phố, và linh mục sẽ phải thực sự là người trong dân mà ra, như thư gửi tín hữu Híp-ri viết: “Thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa.” x.Dt. 5,1), linh mục phải là người của dân và từ trong dân mà ra, những người sống gắn bó với cộng đoàn, cùng ăn, cùng ở và cùng lao động với họ, chứ không giống như một công chức được bổ nhiệm từ trên xuống, để làm những công việc giống như công việc hành chánh và quản trị!
Có thể mọi người sẽ hỏi: nhưng lấy linh mục đâu ra để thực hiện điều đó, trong khi mà con số linh mục ngày càng giảm thiểu tới mức đáng lo ngại?
Chuyện đó sẽ có thể thực hiện được, nếu như chúng ta không còn đòi hỏi các linh mục đều phải là những nhà khoa bảng, hay ít ra đều là những chuyên viên về thần học, về giáo lý với giáo luật! Như trên đã nói, linh mục có thể là một người nông dân, một người thợ, một bác sĩ, y tá, giáo viên vv. Dĩ nhiên họ phải được đào tạo đặc biệt, nhưng không nhất thiết phải là những chuyên viên thực thụ, mà trước hết phải là một người mục tử tốt lành, biết yêu thương chăm sóc cho đoàn chiên, cả về vật chất lẫn tinh thần. Cái mà linh mục phải có là lòng yếu mến Chúa và anh em hơn những người khác, như Đức Giêsu đã đòi hỏi thánh Phêrô (x.Ga 21,15-17), ngoài ra, Đức Giêsu chỉ mời gọi linh mục hãy mang lấy hình ảnh của Người là một con người nhân hậu và khiêm tốn (x.Mt 11,29) Bởi vì nhân hậu hay nhân từ chính là đặc tính của Thiên Chúa Tình yêu, vì thế Đức Giêsu mời gọi chúng ta: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36). Đạo lý Đông phương chúng ta cũng trọng một chữ NHÂN đó, vì NHÂN là người, và NHÂN cũng là nhân ái, thương người, và Khổng Tử cho rằng kẻ không có lòng nhân thì chẳng xứng danh là người. Đức Giêsu Kitô đã muốn trở thành Con Người theo đúng nghĩa của chữ NHÂN ấy, đó là yêu thương hết thảy mọi người, yêu thương đến cùng (x.Ga 13,1), và yêu thương đến nỗi bằng lòng chịu chết (x.Pl 2,8).
          19-09-2009
Lm. Thiện Cẩm
Thông tin khác:
Cái mới trong cách nhìn của Vaticanô II về Giáo hội (CÁCH NHÌN VỀ GIÁO HỘI TRƯỚC VATICANÔ II) (23/10/2009)
“Nếp sống đạo của người Công giáo Việt Nam” (15/10/2009)
Chiến đấu chống đói nghèo là một vấn đề liên quan đến đức tin (15/10/2009)
Ơn Toàn xá trong Năm Thánh 2010 (Phụ lục Thư Công bố Năm Thánh 2010) (14/10/2009)
Thư Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi Cộng đồng Dân Chúa công bố Năm Thánh 2010 (14/10/2009)
Làm gì để xứng đáng là tổ chức thành viên MTTQVN (08/10/2009)
Bạc Liêu: Đại hội những người công giáo lần thứ hai (07/10/2009)
Cán bộ, công nhân viên Văn phòng Uỷ ban đoàn kết Công giáo Việt Nam quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hai do bão số 9. (02/10/2009)
Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ VII thành công tốt đẹp (01/10/2009)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log