Tin tức - Hoạt động

Lẵng hoa đẹp chào mừng

Cập nhật lúc 15:59 16/09/2019
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gặp mặt Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tháng 4/2019. Ảnh: Duy Linh
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gặp mặt Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tháng 4/2019. Ảnh:Trí Dũng/TTXVN
Nhận được tin Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024, tôi đến “Bảo tàng Hồ Chí Minh” đọc nguồn tài liệu quý về công lao trời biển của Bác Hồ trong sự nghiệp tập hợp toàn dân tạo nên sức mạnh, vượt qua mọi thử thách, trong từng giai đoạn lịch sử, thu nhận những thành tựu dời non lấp biển của dân tộc. Trong “Án nghị quyết về vấn đề phản đế” tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (10/1930), Người chỉ đạo việc thành lập “Mặt trận Thống nhất phản đế”. Khi phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh nổ ra, Người chỉ đạo thành lập “Hội phản đế đồng minh” (11/1930). Khi Mặt trận Bình dân Pháp lên nắm quyền, có xu hướng cởi mở tại các nước thuộc địa. Người chỉ đạo việc ban hành điều lệ Hội, tập hợp rộng rãi các giai tầng, đảng phái, các đoàn thể chính trị, tôn giáo trong nước đòi quyền dân chủ (3/1935). Trong chiến tranh thế giới thứ hai, Người hướng theo các hoạt động của “Mặt trận Dân chủ” thành hoạt động của “Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế” (11/1939). Năm 1940, quân Nhật kéo vào Đông Dương, Người chỉ đạo việc thành lập “Mặt trận dân tộc thống nhất chống phát xít Pháp - Nhật” với tên “Việt Nam Độc lập đồng minh Hội”, gọi tắt là “Việt Minh” (5/1941). Trong ngày Độc lập (2/9/1945), Người thay mặt Chính phủ lâm thời tuyên bố nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Thực dân Pháp tái chiếm Đông Dương, lực lượng Việt Minh theo lời Người, huy động toàn dân kháng chiến, thành lập “Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam”, gọi tắt là “Hội Liên Việt” (5/1946). Rồi “Mặt trận Việt Minh” và “Hội Liên Việt” được hợp nhất thành “Mặt trận Liên Việt” (3/1951), đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tiến tới giai đoạn tổng phản công. Sau Hiệp định Geneve 1954, Người chỉ đạo việc thành lập “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” thay thế “Mặt trận Liên Việt” gánh vác nhiệm vụ huy động lực lượng toàn dân tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam (10/9/1955). Nước nhà thống nhất, vâng theo lời Người dạy: “Đoàn kết! Đoàn kết! Đại đoàn kết! Thành công! Thành công! Đại thành công!”, “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” liên tục thu nhiều thành tựu lớn lao trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Xúc động biết bao trước hàng loạt tư liệu quý về hoạt động của “Mặt trân Tổ quốc Việt Nam” dưới sự chỉ đạo của Bác Hồ, gắn với tình cảm của Người đối với đồng bào Công giáo chúng ta. Nhà nghiên cứu Thái Thu Hà, cán bộ “Bảo tàng Hồ Chí Minh” kể: “Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều nền văn hoá, nghiên cứu nhiều học thuyết, Người nhận thức rằng, Công giáo cũng như các giáo lý tôn giáo khác đều hướng đến việc mưu cầu hạnh phúc cho loài người”. Trong chuyên đề “Bác Hồ với đồng bào Công giáo”, nhà nghiên cứu Thái Thu Hà, giới thiệu nhiều mẩu chuyện sinh động. “Noen năm 1947, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân ở vào giai đoạn quyết liệt, Người gửi lời tới Giám mục Lê Hữu Từ, “chúc Cụ mọi sự tốt lành, để phụng sự Đức Chúa và để lãnh đạo đồng bào Công giáo tham gia kháng chiến, đặng giành lại thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”. Người thành tâm “đề nghị toàn thể đồng bào Công giáo trong kỳ lễ Noen cầu nguyện cho linh hồn các chiến sĩ Giáo và Lương đã bỏ mình vì nước và cầu nguyện cho Tổ quốc ta được thắng lợi”. Trong bức thư gửi đồng bào Công giáo toàn quốc nhân lễ Noen 1948, Người viết: “Đồng bào hãy cùng tôi cầu nguyện Chúa cho ngày thắng lợi sắp tới của dân tộc. Tôi cầu nguyện Chúa luôn luôn ban phúc lành cho đồng bào”. Được tin dữ thực dân Pháp tấn Công giáo xứ vùng Bùi Chu, Phát Diệm, Người gửi thư chia sẻ những mất mát của các giáo dân “vì đất Thánh bị xâm phạm”, và đồng bào “đang đau khổ dưới gót sắt của giặc Pháp dã man”. Năm 1949, khi Việt Minh bao vây thành phố Huế, linh mục Nguyễn Văn Ngọc lúc đó đảm đương việc ruộng đất của Nhà chung tại giáo xứ Lương Văn có trách nhiệm cung cấp lương thực cho 600 linh mục, chúng sinh của dòng tu thành phố Huế, linh mục đã gửi thư tới Chủ tịch Hồ Chí Minh xin Chính phủ tạo việc vận chuyển lương thực thuận lợi, liền nhận được tấm thiếp có chữ ký, con dấu của Người: “Cho phép linh mục Nguyễn Văn Ngọc được chở 9.000 thúng lúa lên thành phố Huế để cấp cho Nhà chung và tiến hành công việc thuận lợi trong tỉnh”. 

Bác Hồ đã đi xa, nhưng tấm lòng của Người với đồng bào Công giáo vẫn còn sâu đậm mãi. Ngày 12/6/1987, tại Hội thảo khoa học “Bác Hồ với Huế” do Thành ủy Huế tổ chức, linh mục Nguyễn Văn Ngọc tôn vinh: “Bác Hồ là vị lãnh tụ cách mạng, là nhà hiền triết phương Đông, ở Người có sự kết hợp hoàn chỉnh giữa đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa, triết học của Mác, thiên tài cách mạng của Lênin và tình cảm của người chủ gia tộc. Tất cả bao bọc trong một dáng dấp rất tự nhiên”.

Trên trang thông tin điện tử Ban Tôn giáo Chính phủ được lưu trữ tại “Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh”, Tiến sĩ Phạm Huy Thông trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết: “Hồ Chí Minh với đồng bào Công giáo”. Ông nhắc tới nhận định thiên tài của Bác Hồ: “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêsu có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách phù hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Giêsu, Các Mác, Tôn Dật Tiên có điểm chung. Các vị ấy đều mưu hạnh phúc cho mọi người, mưu phúc lợi cho xã hội. Nếu các vị còn sống trên đời này, và nếu các vị hợp lại một chỗ, tôi tin rằng các vị nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”. Tiến sĩ Phạm Huy Thông ngợi ca: “Phải có đôi mắt tinh tường của nhà khoa học và lòng bao dung của nhà văn hoá lớn mới nhận ra những tinh tuý nhất của các học thuyết, các vĩ nhân trên thế giới như vậy. Theo Hồ Chí Minh thì các vĩ nhân dù có quan điểm học thuyết có thể khác nhau nhưng đều có một mục đích chung là mưu tìm hạnh phúc cho con người và cho xã hội. Với mẫu số chung đó, các vĩ nhân có thể vượt qua những khác biệt để cùng nhau chung sống hoà bình như bạn bè”.

Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX là một sự kiện chính trị xã hội lớn lao. Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết toàn dân, đồng bào Công giáo cả nước luôn luôn nỗ lực trong moi công việc. Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam một trong những thành viên của Mặt trận khẳng định: “Phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo phát triển mạnh cả về bề rộng và chiều sâu; hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam các cấp ngày càng mở rộng, phát triển, có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo thu hút nhiều vị linh mục, tu sĩ và giáo dân tiêu biểu tham gia, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước”. Đồng bào Công giáo cả nước đang hưởng ứng nồng nhiệt “Lời mời gọi” của “Đại hội đại biểu người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VII (nhiệm kỳ 2018-2023)”. “Phát huy truyền thống yêu nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động, xây dựng nếp sống và cách diễn tả đức tin phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào, tôn vinh Thiên Chúa và mưu cầu lợi ích cho con người theo tinh thần đường hướng mục vụ Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam: “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” và Huấn từ của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI: “Người Công giáo tốt cũng là công dân tốt”. Đây chính là những lẵng hoa đẹp của đồng bào Công giáo dâng tặng “Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX”.
DƯƠNG QUANG MINH
Thông tin khác:
Đồng bào Công giáo tỉnh Ninh Bình: tích cực thi đua yêu nước (16/09/2019)
Công trình nghệ thuật của bạn trẻ Adriano Souras trong việc bảo vệ môi trường (13/09/2019)
ĐTC Phanxicô: Giám mục là trung gian giữa Chúa và dân Chúa (13/09/2019)
72 giờ cho Tháng truyền giáo đặc biệt của thành phố Mêxicô (12/09/2019)
Bưu thiếp kỷ niệm 90 năm thành lập Quốc gia Thành Vatican (12/09/2019)
Đội vệ binh của Đức Giáo Hoàng (11/09/2019)
Quận Đống Đa (Hà Nội): Người Công giáo sống tốt đời đẹp đạo (11/09/2019)
Kỳ tích của y khoa thực hiện 15 ca ghép tạng trong một tuần (11/09/2019)
Học hỏi thông điệp Laudato Sl' (10/09/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log