Nhà thơ Lê Hồng Thiện. Ảnh: CTV |
Một ghi nhận của nền văn học đương đại Việt Nam về Lê Hồng Thiện, một cây bút suốt đời chỉ viết thơ cho các em, thế hệ ngày mai. Như lời ông tự bạch:
Cả đời yêu tiếng bi bô/ Tóc càng bạc trắng, ngây thơ càng nhiều/ Hồn tôi thả một cánh diều/ Căng dây đón gió chạy theo mục đồng”. Các nhà văn, nhà thơ viết cho thiếu nhi thưa thớt vắng dần trên văn đàn. Nhìn lại thế kỷ trước chúng ta tự hào có đội ngũ nhà văn, nhà thơ sáng giá chăm sóc đề tài văn học thiếu nhi. Đó là Nguyễn Huy Tưởng, Đoàn Giỏi, Tô Hoài, Võ Quảng, Định Hải... Và thế hệ kế tiếp năng nổ và nhiệt huyết: Trần Đăng Khoa, Xuân Quỳnh, Nguyễn Nhật Ánh, Trần Hoài Dương, Nguyễn Hoàng Sơn, Lê Phương Liên, Đặng Hấn, Trần Quốc Toàn... Bây giờ những tờ báo danh tiếng thu hẹp và in rời rạc văn học thiếu nhi. Không còn gặp những Phạm Đình Ân, Bùi Chí Vinh, Nguyễn Đức Quang, Trần Thiên Hương trong sáng, dung dị trên từng trang văn, câu thơ. Đất nước hội nhập toàn cầu đâu chỉ cần ngoại ngữ, vi tính, công nghệ 4.0... mà còn cần một tâm hồn Việt Nam trung thực, nghĩa tình. Nhà thơ Xuân Diệu, thi tài dân tộc căn dặn chúng ta chăm sóc tuổi thơ qua câu nói ấn tượng: “Không dạy chúng cầm đũa thì chúng sẽ ăn bốc”. Chân lý đó còn mãi với nền giáo dục hiện đại. Điểm qua tình hình văn học thiếu nhi để cùng trân quý những cây bút bám trụ ở mảng đề tài này trong đó có Lê Hồng Thiện. Tôi thân mật gọi Lê Hồng Thiện là “Nhà thơ nông dân”, “Nhà thơ trẻ thơ”. Hơn 60 năm cầm bút, Lê Hồng Thiện mải mê hát cùng mầm lá, nhành hoa, trái quả, con sâu, con bướm và cánh diều bay thong dong trên sườn đê, bãi cỏ. Ước mơ một đời cầm bút cần mẫn chân thành: Đo hoa và đo quả/ Đo lá và đo cành/ Nhưng một đời chỉ ước/ Bao giờ đo chính mình (Con sâu đo).
Nhà thơ Lê Hồng Thiện sinh năm 1943 ở làng Xích Đằng, huyện Kim Động nay là thành phố Hưng Yên. Lê Hồng Thiện con của nông dân, là nông dân chính hiệu. Lê Hồng Thiện làm thơ từ tuổi thiếu niên, năm 15 tuổi có thơ in ở báo tỉnh, báo Thiếu niên tiền phong rồi trở thành cộng tác viên cùng thời với các nhà văn Ma Văn Kháng, Bùi Công Hùng. Lê Hồng Thiện thích giao du bạn bè, gặp gỡ các bậc đàn anh để học hỏi.
Dù ở Hưng Yên vẫn đạp xe về Hà Nội dự các hội thảo, họp chuyên đềcủa Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Lê Hồng Thiện chỉ dồn tâm lực viết thơ cho trẻ em. Ông đã xuất bản 10 tập thơ thiếu nhi dầy dặn và một tuyển thơ năm 2013 đã giành nhiều giải thưởng ở địa phương, các báo, các ngành. Một số tác phẩm được đưa vào giảng dạy trong chương trình sách giáo khoa. Trong đó có giải thưởng cao quý của Hội đồng văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam với tập thơ Trăng của mỗi người với nhận xét trân trọng của nhà văn Tô Hoài: “Từ lòng yêu trẻ anh đã nắm được những tứ thơ, những hình ảnh thơ rất mới, rất hồn nhiên... Và thơ Lê Hồng Thiện còn hứahẹn nhiều với bạn đọc của anh”. Tôi xin mời chúng ta dạo thăm chiêm ngưỡng “khuôn vườn thơ” của “bác nông dân yêu trẻ” Lê Hồng Thiện. Một thế giới đầy sắc màu như trong chuyện cổ tích thần tiên:
Cây hồng thi vẽ quả hồng
Cây cải thi vẽ cải ngồng vàng tươi
Cây nhài bông trắng màu vôi
Chùm nho như mực tím rơi trên cành
Quả ớt chín, quả cà xanh
Hoa tô, lá vẽ bức tranh của vườn
(Bức tranh của vườn)
Những câu thơ tươi xanh giản dị thấm đẫm tình yêu thiên nhiên dạy các em thiếu nhi ân nghĩa với cây trái, muông thú, ân nghĩa với hành tinh xanh này:
Cây cho quả ngọt, trái non
Còn cho bóng mát trùm ôm bóng người
(Cây và quả)
Mùa thu và cánh diều là nhịp điệu đồng cảm kết nối thật dịu dàng trong trẻo của thơ Lê Hồng Thiện. Nếu mùa thu trong thơ người lớn là heo may, gương nước ao thu lặng tờ, sen tàn, nỗi buồn chạnh nhớ thì màu thu con trẻ hồ hởi với trời xanh mây trắng, cánh diều lượn bay, rộn rã tiếng trống khai trường và háo hức chờ đêm trằng trung thu lộng lẫy:
Mùa thu khép lại tiếng ve
Nở ngàn bông cúc vàng hoe ngoài vườn
... Tưng bừng náo nức thu sang
Mùa thu đầy ắp cả trang sách hồng
(Bài học đầu tiên)
Lê Hồng Thiện mê cảm trong những vần lục bát trong ngần như những áng ca dao:
Chỉ còn vi vút tiếng diều
Kéo mùa thu xuống trong veo bầu trời
(Trong veo bầu trời)
Từ tình yêu cây cỏ, cảnh trí thiên nhiên trong khu vườn thơ của mình, Lê Hồng Thiện muốn đưa các em thiếu nhi đến một tình yêu lớn hơn, gần gũi hơn: Tình yêu con người. Đó là mẹ, bố, bà thân thuộc trong gia đình, là bạn bè lớp học, làng giềng sum vầy. Con là báu vật trong vòng tay mẹ, là gương soi hạnh phúc của mẹ “Khuôn mặt bé hồng tươi/ Là gương soi của mẹ” (Gương của mẹ). Bé học vẽ tranh, bé vẽ mọi thứ mà bé nhìn ngắm. Trước hết là hình ảnh bố mẹ khắc ghi trong tâm trí bé:
Bố đội mũ sao vàng.
Trông nghiêm trang tư thế
... trên đồng cạn đồng sâu
Mẹ cũng là chiến sĩ
(Bé vẽ)
Rộng lớn hơn là quê hương đất nước:
Mắt nhìn tay cứ lâng lâng
Con vẽ đồng lúa mênh mông cánh cò
Nước non sự tích anh hùng
Theo bàn tay nhỏ đi cùng vào tranh
(Bố về nghỉ phép)
Thảo thơm nhân hậu, ân nghĩa là các bài học hiếu đạo Lê Hồng Thiện dạy cho các em:
Quả cau em hái biếu bà
Nước mưa dành để nấu trà phần ông
Cau cho em chiếc quạt cong
Cái mùi hương dịu thơm chung cả làng
(Cây cau)
Hồn cảm thơ Lê Hồng Thiện được các thể thơ truyền thống dân tộc nâng bay trên cánh đồng thơ Việt. Vần điệu lục bát giản dị, câu chữ bình dân dễ đọc, dễ học, dễ thuộc. Thơ Lê Hồng Thiện theo dòng tự sự, kể chuyện trữ tình, câu chữ chọn lọc không sa vào hò vè. Cổ điển nhưng gợi cảm mang ý thức học hiện đại. Những câu thơ sâu lắng, mượt mà, dịu êm vẽ bức tranh thủy mạc về thiên nhiên cho trẻ học và biết. Đúng như nhà phê bình Ngọc Quang viết: “Trong thơ Lê Hồng Thiện thường đặt các sự vật, hiện tượng trong mối liên hệ tương thông nhằm giúp bé trước là phát triển tư duy khái niệm, sau nữa là hình thành phát triển ngôn ngữ.” Vừa rồi tôi có trò chuyện với nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam về tình hình phát triển văn học thiếu nhi của nước nhà. Ông có nhiều ý kiến hay và xác đáng về nhà thơ Lê Hồng Thiện: “Đó là bác nông dân viết thơ rất khá cho thiếu nhi còn lại.
Một người tâm huyết với sự nghiệp trồng người bằng văn chương!”. Đấy là thành công của Lê Hồng Thiện. Tôi cũng muốn chúng ta không nặng nề, rạch ròi phân chia thơ người lớn, thơ thiếu nhi. Thơ là tiếng lòng truyền cảm của tâm hồn con người đến tâm hồn con người. Dù đối tượng của thơ viết về cái nhỏ nhoi cây cỏ, đến cái to lớn sông núi vũ trụ đều hướng đến cái đích cuối cùng nâng tâm hồn con người sống vị tha nhân ái. Các bài thơ của Lê Hồng Thiện đâu chỉ viết cho các em nhỏ mà còn cho chúng ta nữa. Hơn 10 tập thơ chỉ chọn 100 bài thơ tuyển là những bông hoa đầy hương sắc dâng tặng cho đờ