ĐGM Tadeô Lê Hữu Từ. Ảnh: TL |
Sau 400 năm Việt Nam được đón nhận Tin mừng (1533), đến năm 1933 Việt Nam mới có vị Giám mục người Việt đầu tiên là Đức cha GB. Nguyễn Bá Tòng, được đích thân Đức Pio XI tấn phong tại Đền thánh Phêrô ngày 11-6-1933 và vị tân Giám mục đã có bài giảng gây ấn tượng trước quan khách vì giọng nói sang sảng và văn chương rất trôi chảy. Vị Giám mục thứ hai là Đức cha Dom. Hồ Ngọc Cẩn, được tấn phong năm 1936 tại Huế. Vị thứ ba là Đức cha Phêrô Ngô Đình Thục cũng được tấn phong tại Huế năm 1938. Vị thứ tư là Đức cha Gioan Phan Đình Phùng được tấn phong tại Phát Diệm năm 1940 nhưng ngài yểu mệnh đã mất đột ngột khi đang dự lễ khấn dòng tại Đan viện Châu Sơn sau hơn 3 năm nhận mũ Giám mục (28-4-1944) khi tuổi đời mới 53. Do đó, Đức cha GB Nguyễn Bá Tòng đã nghỉ hưu bên Xuân Đài, Bùi Chu phải quay về Phát Diệm làm Giám quản. Vì vậy, sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập ngày 2-9-1945, Giáo hội Việt Nam chỉ còn 3 Giám mục người Việt.
Ngày 19-7-1945, Đức Pio XII bổ nhiệm Đức Viện phụ Đan viện dòng Châu Sơn là Tadeo Lê Hữu Từ làm Đại diện Tông Tòa Phát Diệm (ảnh trên). Nhận được tin, vị tân Giám mục này đã đi xe đạp 800 km vào Huế để gặp vị Đức Khâm sứ A Drapier rồi lại quay về Châu Sơn để chuẩn bị cho lễ nhậm chức Giám mục. Lễ tấn phong được tổ chức ngày 28-10-1945 tại Phát Diệm. Theo chương trình, Giám mục chủ phong là Đức cha GB Nguyễn Bá Tòng, hai Giám mục phụ phong là Dom. Hồ Ngọc Cẩn và Phêrô Ngô Đình Thục. Nhưng Đức cha Thục bị mật thám Pháp chặn ở Vĩnh Long không ra được. Giám mục người Tây Ban Nha ở Hải Phòng là Colomer Lễ xin thay nhưng không được vị tân Giám mục đồng ý. Nên lễ tấn phong khuyết một chân Giám mục Phụ phong. Khẩu hiệu của Đức tân Giám mục là “Tiếng kêu trong rừng vắng” (Vox Claantis, Mt 3, 3).
Ai cũng biết, sau ngày đọc Tuyên ngôn độc lập, Chính phủ Việt Nam dân chủ ra đời bộn bề công việc phải đối mặt với ba thứ giặc trước mắt là giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Nhưng ngày lễ tấn phong vị Giám mục Phát Diệm đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đặc biệt. Một phái đoàn cao cấp của Chính phủ gồm các ông Cố Vấn Bảo Đại, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Xiển, Trần Huy Liệu… về chúc mừng vị tân Giám mục Phát Diệm. Về phía tôn giáo bạn có Thượng tọa Thích Trí Dũng và Đại đức Thích Tâm Châu. Phái đoàn cao cấp của Chính phủ mang theo bức thư chúc mừng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lá thư viết:
“Thưa Ngài.
Mừng Ngài vì cuộc tấn phong này đã chứng tỏ một cách vẻ vang đạo đức của Ngài. Mừng đồng bào Công giáo vì từ nay các bạn đã có một vị lãnh đạo rất xứng đáng. Đồng thời, tôi mừng cho nước ta và tôi tin chắc rằng Ngài sẽ lãnh đạo Công giáo theo gót Đức Chúa mà quyết phấn đấu để giành quyền Tự do và Độc lập cho mọi nhà.
Kính chào Ngài được luôn luôn an mạnh
Hồ Chí Minh”.
Buổi lễ tấn phong diễn ra rất trang trọng. Trong bài chia sẻ, vị Giám mục Bùi Chu Dom. Hồ Ngọc Cẩn đã có một bài ngẫu hứng mang đậm tinh thần yêu nước. Đức cha Dom. Hồ Ngọc Cẩn nói:
“Cho đến nay, nước Việt Nam đã có 4 người được tấn phong Giám mục. Điều lý thú là mỗi người đều mang họ một anh hùng dân tộc. Đức cha Nguyễn Bá Tòng mang họ vị anh hùng Nguyễn Huệ. Kế là Đức cha Ngô Đình Thục mang họ Ngô Quyền. Hôm nay là Đức cha Lê Hữu Từ mang họ của Lê Lợi. Còn tôi mang họ…Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Trong lịch trình của Chính phủ Hồ Chí Minh ngày 31-10-1945, Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ cho 4 Giám mục Việt Nam lúc đó gửi bức thư cho Tòa thánh và cộng đồng Công giáo thế giới ủng hộ độc lập của nước Việt Nam. Lá thư đầy tinh thần tự hào dân tộc:
“Nhân dân Việt Nam yêu quý của chúng con muốn nhờ trung gian 4 vị Giám mục của họ, dâng lên Đức Thánh cha lòng tôn kính sâu xa và xin Đức Thánh cha ban phúc lành, tỏ lòng rộng lượng và cầu nguyện cho nền độc lập mà nhân dân chúng con mới giành được và quyết tâm bảo vệ bằng mọi giá. Chính phủ chúng con cũng ra một nghị quyết tốt đẹp và nhân ái chọn ngày Quốc khánh cho cả nước trùng với ngày lễ kính các vị Tử đạo Việt Nam mà Tòa thánh mới cho phép mừng vào ngày chủ nhật đầu tháng 9. Toàn thể nhân dân Việt Nam không phân biệt tôn giáo mừng lễ này với tinh thần yêu nước chân thành và nồng nhiệt chưa từng có, với những cuộc biểu tình to lớn và náo nức tỏ ra cho thấy toàn dân quyết tâm bảo vệ chính quyền của mình, dẫu có phải đổ máu…”.
Ngày 25-1-1946, đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Giám mục Lê Hữu Từ tại Phát Diệm và mời Giám mục làm cố vấn cho Chính phủ cùng 9 vị khác trong đó có Giám mục Hồ Ngọc Cẩn và nhân sĩ Công giáo Ngô Tử Hạ.
Các năm trong kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên trao đổi thư từ với vị Giám mục Phát Diệm này và có những ứng xử với các vấn đề tôn giáo một cách hết sức mẫu mực mà bây giờ những người làm công tác tôn giáo nên học tập.
Năm 1954, Giám mục Lê Hữu Từ vào miền Nam và qua đời ngày 1967. Phần mộ đặt tại nhà hưu dưỡng Xóm Mới, Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh dưới)