Tin tức - Hoạt động

Lịch sử bài Silent Night

Cập nhật lúc 07:05 15/12/2021
Thời gian về cuối năm trời se lạnh, báo hiệu mùa Giáng sinh đến. Khắp nơi trên hoàn cầu đã rộn ràng, cất tiếng qua âm điệu những bài thánh ca réo rắt vang vọng đó đây, hân hoan mừng biến cố ngày Ngôi Hai Thiên Chúa sinh ra.
Linh mục Josef Mohr và nhạc sĩ Franz Xaver Gruber đều là người Áo, đồng tác giả của bài “Stille Nacht” (Silent Night) 1818. Ảnh: CTV
Linh mục Josef Mohr và nhạc sĩ Franz Xaver Gruber đều là người Áo, đồng tác giả của bài “Stille Nacht” (Silent Night) 1818. Ảnh: CTV
Thời gian về cuối năm trời se lạnh, báo hiệu mùa Giáng sinh đến. Khắp nơi trên hoàn cầu đã rộn ràng, cất tiếng qua âm điệu những bài thánh ca réo rắt vang vọng đó đây, hân hoan mừng biến cố ngày Ngôi Hai Thiên Chúa sinh ra. Đặc biệt, dịp này mọi người không kể màu da, sắc tộc, tôn giáo đều say mê thưởng thức ca khúc bất hủ xuất hiện cách nay hơn 200 năm. Đó là ca khúc SILENT NIGHT (Đêm yên lặng), đã được Tổ chức UNESCO vào tháng 3/2011 long trọng công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của toàn nhân loại. Tại Việt Nam, mọi người đều biết đến bài thánh ca này, qua tựa đề “Đêm thánh vô cùng” của nhạc sĩ Hùng Lân chuyển ngữ, được ái mộ nhiều nhất. 

Khởi đầu, “Stille Nacht” (tiếng Đức - nghĩa là Đêm yên lặng) phần lời gốc do linh mục Josef Mohr viết bằng tiếng Đức từ năm 1816. Và phần giai điệu nhạc do nghệ sĩ đàn Organ là Franz Xaver Gruber sáng tác vào tháng 12/1818. Cả hai đồng tác giả đều là người Áo.

Theo truyền thống từ thời Trung cổ, trong các thánh đường Công giáo, chỉ được sử dựng đàn Phong cầm (Harmonium) cho ca đoàn hát thánh ca mà thôi. Nhưng đáng tiếc, cây đàn này trong nhà thờ thánh Nicola-Kirche bị hư vào phút chót, nên linh mục Josef Mohr (1792-1848) chính xứ phải đề nghị nhạc sĩ Franz Xaver Gruber (1787-1863) soạn phần giai điệu bài thơ của cha xứ có sẵn cho đàn Tây ban cầm Guitar.

Ban đầu, nhạc sĩ Gruber không đồng ý, vì ông sợ giáo dân sẽ phản ứng. Nhưng vì hoàn cảnh, không biết làm sao hơn. Nên chỉ trong vài giờ, lời thơ đã được soạn nhạc xong. Để rồi ca khúc “Stille Nacht” với lời bằng tiếng Đức, nhạc hoàn chỉnh được trình diễn lần đầu tiên trong thánh lễ nửa đêm 24/12/1818 tại thánh đường Nicola-Kirche vùng Obendorf của nước Áo. Lúc đầu, người dự lễ tỏ ra kinh ngạc khi nghe ca khúc trình bày với đàn Guitar. Nhưng âm thanh và lời ca cất lên như một dòng điện lan truyền đi vào lòng người. Cả cộng đoàn giáo hữu im lặng thưởng thức. Và khi bài ca với phần đệm đàn Guitar vừa chấm dứt, cả nhà thờ đều đứng dậy. Rồi tiếng vỗ tay vang lên, mọi người như bị mê hoặc bởi giai điệu ngọt ngào của bài ca này.

Chẳng bao lâu với sự truyền miệng nhau, giáo dân say sưa ca tụng khi nói về bài hát tuyệt vời trong đêm Giáng sinh. Tòa Giám mục địa phương, cho phép các thánh đường, họ đạo sao chép. Rồi chẳng mấy chốc, bài “Stille Nacht” lan tỏa ra khắp nước Áo. Vượt biên giới đến nước Đức, rồi tràn ngập tới nhiều quốc gia.

Tại Hoa Kỳ, vào năm 1859, Đức Giám mục John Freeman Young, giáo phận Forida cho ra đời bản nhạc dịch ra tiếng Anh với tựa đề “Silent Night” (Đêm yên lặng) và đã trở thành ca khúc được nhiều người biết cùng yêu thích nhất. Để rồi chỉ hơn 90 năm sau, bài hát được dịch tiếp ra hầu hết các ngôn ngữ ở châu Âu.

Bản “Stille Nacht” cũng từng được cất lên một lúc bằng tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Anh vào ngày đình chiến Giáng sinh năm 1914 trong Chiến tranh thế giới lần thứ I (1914-1918). Vì đây là ca khúc mà các binh sĩ của cả hai bên đều biết và ưa thích. Tiếp đến, trong Chiến tranh Thế giới lần thứ II (1939 - 1945), ngay cả các nhà độc tài như Adolf Hitler của Đức Quốc xã và Benito Mussolini của phát xít Ý cũng đều say mê bản thánh ca trên.

Vào khoảng tháng 9/1947, linh mục Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh (1912 - 1971) du học từ Pháp, có mang theo bản “Stille Nacht” bằng tiếng Pháp và tiếng Anh về tặng cho các học viên lớp hòa âm ở Hà Nội. Trong đó có Hùng Lân. Bắt nguồn từ đó, nhạc sĩ Hùng Lân (1922 - 1986) đã chuyển ngữ bản tiếng Anh sang Việt ngữ với tựa đề “Đêm thánh vô cùng”. Bài hát được in Rônêô trong cuốn “Phụng ca” của nhà thờ Chính tòa Hà Nội năm 1951, vẫn còn lưu giữ đến nay. 

Hiện nay, toàn thế giới có khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, mà “Stille Nacht” đã được dịch ra khoảng trên 289 ngôn ngữ khác nhau, và là một bài hát, luôn đáp ứng nhu cầu của mọi dân tộc. Kể cả những người sắc tộc thiểu số đều cất lời ca truyền thống mừng Merry Chritmas mỗi khi Giáng sinh về.

Nhân đây, xin đề cập đến nơi phát xuất bản nhạc nổi tiếng này. Vì từ đầu những năm 1900, nhà thờ thánh Nicola bị lũ lụt tàn phá, phải dời lên nơi an toàn ở thượng nguồn dòng sông. Và nhà thờ mới được xây cất cạnh một chiếc cầu. Thay vào đó là một nhà nguyện nhỏ, gọi là “Stille-Nacht-Gedachtniskapelle ” (Nhà nguyện tưởng nhớ ca khúc Đêm yên lặng), được xây dựng ngay tại địa điểm của ngôi nhà thờ cũ. Và thêm căn phòng kế cận đã biến thành nhà Bảo tàng. Quanh năm thu hút du khách đến từ khắp nơi trên thế giới, đông nhất vào tháng 12, trở thành điểm hẹn của nhiều tín hữu.

Cho dù bản nhạc gốc của ca khúc đã bị thất lạc. Nhưng may thay, một bản viết tay bài thơ của linh mục Josep Mohr đã được tìm thấy vào năm 1995. Các nhà chuyên môn sau khi nghiên cứu, xác định nó thuộc vào khoảng trước những năm 1820. Đây là bản cổ nhất và duy nhất ngày nay còn lưu giữ được.

Mặc dù được sáng tác bởi hai tín hữu Công giáo, nhưng bài hát đã có một vị trí đặc biệt trong các nhà thờ thuộc Giáo hội anh em Tin Lành Luther. Từ đó, chúng ta tin rằng, trên khắp thế giới, ca khúc Giáng sinh này đã đi vào lòng người và là một trong những bài hát được phổ biến rộng rãi nhất. Trải qua mọi thời đại, “Silent Night” luôn được cất tiếng đồng ca nghe như “Đêm thánh vô cùng”, vang vọng từ Thiên đường đi xuống trần thế trong khoảnh khắc thiêng liêng, tràn ngập niềm vui thành kính dâng lên Thiên Chúa lời chúc tụng ngợi khen: “Emmanuen” nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1:23). Hân hoan mừng Ngôi Hai giáng trần đem hạnh phúc xuống cho nhân loại.
 
Vinhsơn Vũ Đình Đường
Thông tin khác:
Chúng ta đều là anh chị em của nhau (14/12/2021)
Chúa Giêsu Giáng sinh có đúng ngày 25/12? (13/12/2021)
Nếu ngày Giáng sinh 25/12 rơi vào thứ Bảy hay thứ Hai thì luật dự lễ buộc được quy định như thế nào? (13/12/2021)
Thanh niên Asean đề xuất giải pháp chung tay đẩy lùi dịch Covid-19 (12/12/2021)
Thủ tướng yêu cầu phân tích hiệu quả, biện pháp bổ sung phòng dịch (11/12/2021)
Dự báo số F0 ở Hà Nội tiếp tục tăng cao, cso thể 1.000 ca/ ngày (10/12/2021)
Cụm thi đua các tỉnh Bắc Sông Hậu: Nỗ lực vượt qua khó khăn của đại dịch (10/12/2021)
Chia nhỏ’ F0 để điều trị tại nhà (08/12/2021)
Thêm nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chung tay ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid - 19 (08/12/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log